Thực tế cuộc sống trở thành chất liệu, động lực cho người trẻ
(Dân trí) - Lấy thực tế cuộc sống làm động lực và chất liệu để sáng tạo, nhiều dự án từ sân chơi công nghệ "Solve for Tomorrow 2022" cho thấy trách nhiệm lớn của giới trẻ trước quyết tâm chung tay đem lại những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng, xã hội.
Thư viện thông minh, sự kết nối kiến thức giữa mùa dịch bệnh
Hai năm đại dịch đã mang lại những thách thức chưa từng có, nhưng cũng đặt sức sáng tạo của con người trước cơ hội tạo ra những phát kiến ấn tượng. Có thể thấy rõ điều này khi nhìn lại hành trình Solve for Tomorrow năm nay, phần lớn các ý tưởng sáng tạo của các thí sinh đều bắt nguồn từ trải nghiệm đặc biệt của chính các em trong mùa dịch bệnh. "Hệ thống quản lý thư viện thông minh" từ nhóm Blue Dreams, một trong hai dự án đạt giải nhất tại Solve for Tomorrow 2022 chính là một ý tưởng như thế.
Xuất phát từ những trải nghiệm bất tiện khi việc học tập và kết nối kiến thức thông qua sách vở bị hạn chế trong giai đoạn giãn cách xã hội, "Hệ thống quản lý thư viện thông minh" ra đời với mục đích hỗ trợ tiếp cận đến các thông tin về việc mượn/trả sách dễ dàng hơn, tạo điều kiện cho học sinh kết nối với nguồn tư liệu sách vở mà vẫn đảm bảo hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh trong quá trình mượn/trả sách.
Không chỉ lấy bối cảnh thực tế làm chất liệu cho sáng tạo, nhóm Blue Dreams còn mạnh dạn thực hành ý tưởng ngay tại trường học của mình để đo lường tính khả thi và độ hiệu quả trước khi dự án đến với vòng chung kết. "Khi được ứng dụng tại thư viện nhà trường, dự án đã nhận được những phản hồi tích cực, giúp công việc mượn sách trở nên dễ dàng hơn. Thêm vào đó, việc tiếp cận các kiến thức STEM tại Solve for Tomorrow đã giúp chúng em rất nhiều trong việc tối ưu hệ thống. Chúng em hy vọng sắp tới, ý tưởng này sẽ được ứng dụng, phát triển trong thư viện các trường học tại Đà Nẵng nói riêng và trên khắp Việt Nam nói chung", Nguyễn Vân Thơ, thành viên nhóm Blue Dreams chia sẻ.
Đại diện nhóm Blue Dreams cũng khẳng định hành trình tại Solve for Tomorrow 2022 đã mang lại cho nhóm nhiều trải nghiệm quý giá về tinh thần nỗ lực trong sáng tạo và sự hỗ trợ hết mình từ các thầy cô. "Nhìn lại chặng đường của mình tại Solve for Tomorrow, chúng em cảm thấy rất tự hào vì cả nhóm đã không ngừng nỗ lực để về đích thành công. Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến sự đồng hành của các thầy cô hướng dẫn đã luôn hỗ trợ những kiến thức bổ ích và là nguồn động viên tinh thần mạnh mẽ giúp chúng em biến những phác thảo trên giấy trở thành mô hình thực tế", Nguyễn Vân Thơ cho biết.
Lĩnh vực y tế và sức khỏe cộng đồng được quan tâm hàng đầu
Không chỉ đơn thuần là những trải nghiệm từ trường học, các giải pháp công nghệ lọt vào vòng chung kết Solve for Tomorrow năm nay còn được trải dài trên nhiều lĩnh vực trong đời sống. Trong số này, lĩnh vực y tế trở thành chủ đề được quan tâm đặc biệt bởi những tác động trực tiếp lẫn gián tiếp từ đại dịch. Ý tưởng giường bệnh công nghệ cho bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm và người già tại nhà từ nhóm Future là một trong những sáng kiến được ban giám khảo Solve for Tomorrow đánh giá cao bởi tính thực tiễn, khả năng ứng dụng lẫn giá trị bền vững mà dự án mang lại.
Việc thiếu giường bệnh và nguồn nhân sự hỗ trợ các bệnh nhân đã trở thành 2 nguyên nhân chính khiến toàn ngành y bị tê liệt trong đại dịch. Gánh nặng quá tải trang thiết bị và nhân sự chăm sóc bệnh nhân đã đè nặng lên đôi vai của các bác sĩ tuyến đầu. Với mong muốn chung tay hỗ trợ đội ngũ y tế cũng như mọi người xung quanh, nhóm Future đã nhanh chóng lên ý tưởng giải pháp "Ứng dụng IoT nghiên cứu thiết kế, chế tạo giường bệnh công nghệ cho bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm và người già tại nhà".
Theo đó, mô hình giường bệnh đặc biệt này sẽ đo được các thông số sức khỏe như thân nhiệt, nhịp tim và nồng độ SpO2; theo dõi sức khỏe tự động, giám sát và điều khiển từ xa như gửi SMS đến nhiều số điện thoại, gọi điện khẩn cấp, điều khiển, phát âm thanh thông báo... qua đó giúp các bác sĩ và người nhà bệnh nhân theo dõi sát sao sức khỏe của người bệnh, đồng thời có thể hỗ trợ người bệnh kịp thời khi xảy ra tình huống khẩn cấp.
Chia sẻ về ý tưởng đột phá này, đại diện nhóm Future cho biết dự án thành công một phần lớn nhờ được bổ sung những kiến thức công nghệ quan trọng trong quá trình thực hiện và chạy thử mô hình. "Kiến thức về STEM được cung cấp trong suốt thời gian tham gia Solve for Tomorrow là tiền đề để nhóm có thể hoàn thành dự án của mình tại cuộc thi và sẵn sàng đưa sáng kiến giường bệnh này vào thực tế trong thời gian tới", thành viên nhóm Future khẳng định.
Không chỉ "Hệ thống quản lý thư viện thông minh" hay "Ứng dụng IoT nghiên cứu thiết kế, chế tạo giường bệnh công nghệ cho bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm và người già tại nhà", các dự án có mặt tại vòng chung kết Solve for Tomorrow đều được đánh giá là những ý tưởng có tính khả thi cao, chứa đựng nhiều tâm huyết của thế hệ trẻ. Với sự hoàn thiện chỉn chu, tỉ mỉ nhờ những kiến thức, kỹ năng được tích lũy trong suốt 6 tháng cùng Solve for Tomorrow, những dự án này hứa hẹn sẽ là những giải pháp hữu ích trong tương lai nhằm góp phần mang lại những thay đổi tích cực cho xã hội.
Với một danh sách dài các ý tưởng đột phá, Solve for Tomorrow là một trong số ít những sân chơi công nghệ bài bản, ý nghĩa hiện nay dành riêng cho giới trẻ tại Việt Nam. Với tầm nhìn mang công nghệ và kiến thức sáng tạo làm công cụ để đưa nền giáo dục chất lượng đến các thế hệ học sinh, Solve for Tomorrow như lời khẳng định gián tiếp của Samsung trong việc nối dài tham vọng đào tạo và nuôi dưỡng các tài năng công nghệ trẻ, lấy giáo dục làm chìa khóa cho sự phát triển bền vững và thịnh vượng của cộng đồng, qua đó thể hiện cam kết phát triển lâu dài tại Việt Nam.