Thực phẩm trường học: Con ăn, bố mẹ lo thon thót

(Dân trí) - Thực phẩm ở trường học là một phần gắn bó với học trò ở thành phố thông qua bữa ăn bán trú, căng tin, quán ăn trước cổng trường. Mỗi bữa ăn, món ăn của con trẻ luôn gắn liền với nỗi lo của phụ huynh, nhất là khi có nhiều vụ việc ngộ độc thực phẩm xảy ra ở trường.

Rước bệnh vì ăn uống tại trường

Ngày 10/3, sau khi ăn cơm trưa theo phần ăn bán trú ở trường, 44 học sinh Trường tiểu học Trần Quang Khải, Q.1, TPHCM bị ngộ độc thực phẩm gây nôn ói, nhiều em phải nhập viện.

Bữa ăn của các em là suất ăn công nghiệp được nhà trường đặt từ một đơn vị ở quận Thủ Đức, cách trường khoảng 10 km.

Trước đó, ngày 26/2, khoa cấp cứu bệnh viện quận Thủ Đức cũng tiếp nhận nhiều học sinh của Trường THCS Lê Quý Đôn nhập viện trong tình trạng bị ngộ độc thực phẩm. Ngày xảy ra sự việc, học sinh chỉ học một buổi, nhà trường không tổ chức ăn uống, có thể các em bị ngộ độc do các em ăn uống đồ ăn bên ngoài cổng trường.

Nhiều trường học ở TPHCM phải tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh ngay trong lớp học (Ảnh: Hoài Nam)
Nhiều trường học ở TPHCM phải tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh ngay trong lớp học (Ảnh: Hoài Nam)

Mỗi ngày, hơn nửa triệu học sinh TPHCM tham gia bán trú, ăn uống tại trường học. Mỗi bữa ăn, món ăn của con trẻ luôn đi kèm nỗi lo của các bậc phụ huynh bởi có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ không an toàn.

Vấn đề đáng ngại nhất là có hàng trăm trường học không có bếp ăn tập thể nhưng vẫn tổ chức dịch vụ ăn uống, bán trú bằng hình thức hợp đồng với các cơ sở suất ăn sẵn. Điều này gây khó khăn cho nhà trường trong việc kiểm soát chất lượng bữa ăn, rồi việc vận chuyển suất ăn từ nơi sản xuất đến trường học cũng chứa nhiều nguy cơ thiếu an toàn.

Ngay với những trường có bếp ăn thì việc tổ chức bữa ăn cho học trò cũng gặp nhiều trở ngại. Nhiều trường không có cơ sở bán trú, việc tổ chức phải tận dụng mọi diện tích, cơ sở vật chất. Mọi hoạt động về nấu ăn, lưu trữ thực phẩm, tổ chức bữa ăn, giấc ngủ cho học trò “o ép”, chật chội. Đôi khi chính lãnh đạo nhà trường cũng thiếu kinh nghiệm trong việc tìm mua thực phẩm, tổ chức bữa ăn an toàn. Ngoài ra việc này còn phụ thuộc nhiều vào cái tâm của quản lý nhà trường.

Chưa kể đến việc thực phẩm ở căng tin và đặc biệt hàng rong quanh khu vực trường học nằm ngoài “vùng kiểm soát” của nhà trường thì càng đầy rẫy các nguy cơ đối với sức khỏe học trò.

“Siết” vấn đề vệ sinh thực phẩm trường học

Ngay sau khi xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm tại trường học trên địa bàn, Sở GD-ĐT TPHCM ra công văn về việc tăng cường phòng, chống ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn, căn tin trường học.

Theo đó, đối với trường tổ chức bếp ăn bán trú tại trường, bếp ăn phải có chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm còn hiệu lực; cơ sở vật chất phục vụ bán trú đảm bảo đúng qui định bếp một chiều, thức ăn nấu chín phải có dụng cụ che đậy.

Nhà trường chỉ ký hợp đồng mua thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng với các công ty có tư cách pháp nhân và hóa đơn tài chính hợp lệ; sản phẩm động vật phải có giấy chứng nhận vệ sinh, an toàn. Địa điểm bếp ăn phải bố trí ở nơi vệ sinh, môi trường thông thoáng, sạch sẽ. Trang thiết bị và dụng cụ chế biến thường xuyên vệ sinh sạch sẽ, dễ chùi rửa và phân biệt dụng cụ sống - chín.

Bữa ăn hàng ngày của học trò trong nhịp sống đô thị chứa đựng rất nhiều nguy cơ (Ảnh: Hoài Nam)
Bữa ăn hàng ngày của học trò trong nhịp sống đô thị chứa đựng rất nhiều nguy cơ (Ảnh: Hoài Nam)

Thực hiện kiểm tra 3 bước theo qui định: nguồn thực phẩm đầu vào, khi chế biến, lúc thành phẩm trước khi cho học sinh ăn. Tất cả các bước đều phải do Ban giám hiệu, bếp trưởng hoặc nhân viên y tế giám sát nhận xét vào sổ theo dõi hàng ngày. Tất cả nhân viên làm việc ở bếp ăn và căn tin đều phải tham dự lớp tập huấn về ATVSTP và khám sức khỏe theo qui định.

Đối với trường hợp đồng với các đơn vị cung cấp suất ăn từ bên ngoài, bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó GĐ Sở GD-ĐT TPHCM lưu ý, các trường chỉ được hợp đồng với những cơ sở cung cấp suất ăn đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Cơ sở chế biến phải bảo đảm vệ sinh, đúng qui trình chế biến thực phẩm một chiều. Xe vận chuyển thực phẩm đến trường phải có thùng kín, dụng cụ đựng thức ăn phải chuyên dụng bảo đảm ATVSTP.

Không chọn những cơ sở cung cấp suất ăn quá xa trường. Bảo đảm thời gian từ khi chế biến xong cho đến khi cho học sinh ăn không được quá 2 tiếng đồng hồ. Thực phẩm sau khi chế biến quá lâu phải hâm nóng lại trước khi cho học sinh ăn. Để bảo đảm ATVSTP nên trang bị bếp hâm tại trường để hâm nóng lại thực phẩm trước khi phân phối cho học sinh ăn.

Bố trí khu vực đảm bảo vệ sinh để tiếp phẩm, phòng chia thức ăn hợp vệ sinh; nơi ăn uống của học sinh phải được vệ sinh sạch sẽ, ngăn nắp. Khu vực rửa dụng cụ phân chia thức ăn hợp vệ sinh, trang bị tủ bảo quản dụng cụ chia thức ăn. Khám sức khỏe và tập huấn kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm cho nhân viên phụ trách bán trú.

Đặc biệt các trường chú ý trong việc lưu mẫu thực phẩm. Mỗi một loại thức ăn lưu trong một vật dụng riêng biệt, vật dụng lưu mẫu nên sử dụng bằng inox. Niêm phong mẫu lưu chặt chẽ, an toàn; có sổ ghi chép việc thực hiện lưu mẫu và thời gian lưu là 24 tiếng.

Đối với trường tổ chức căn tin, Sở GD-ĐT TPHCM yêu cầu các trường tăng cường công tác tự kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm đối với căn tin trong trường học trong việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Căn tin đảm bảo luôn sạch sẽ, cách xa nguồn ô nhiễm, thực phẩm phải có đồ che đậy. Có tủ kính đựng thực phẩm để trên kệ cao. Không bán những mặt hàng đồ chơi, kẹo bánh trôi nổi, không rõ nguồn gốc, không xuất xứ và không rõ hạn sử dụng.

Chỉ hợp đồng với các đơn vị, cá nhân kinh doanh căn tin trường học khi đơn vị, cá nhân đó cam kết bán hàng hợp vệ sinh, xuất xứ rõ ràng, chất lượng và đạt tiêu chuẩn. Thực phẩm phải có hợp đồng mua bán và hóa đơn tài chính hợp lệ; sản phẩm động vật phải có giấy chứng nhận vệ sinh, an toàn.

Hoài Nam

(Hoainam@dantri.com.vn)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm