Thú vị "hội ngộ tháng 6" của sinh viên báo chí

(Dân trí) - Trong chương trình giao lưu “Hội ngộ tháng 6” diễn ra tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền tối qua 18/6, các sinh viên báo chí có cơ hội gặp gỡ và học tập những kinh nghiệm quý báu về nghề báo từ các nhà báo thuộc nhiều thế hệ.

Chương trình do ban thường vụ Đoàn khối các cơ quan Trung ương phối hợp với Đoàn thanh niên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Hội Nhà báo Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, báo Nhân dân, Thông tấn xã Việt Nam, tạp chí Cộng sản tổ chức.  

Chương trình nhằm chào mừng 85 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2010). Đây là dịp để các sinh viên báo chí cùng các nhà báo ôn lại truyền thống 85 năm báo chí cách mạng Việt Nam và trao đổi về kinh nghiệm nghề báo.

Trong chương trình giao lưu đã diễn ra buổi tọa đàm với hai vị khách mời là nhà báo Lê Quốc Trung - phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam và PGS.TS Bùi Đình Phong, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh.

Trong buổi tọa đàm với sự dẫn dắt của phóng viên trẻ Thu Hà - Đài Tiếng nói Việt Nam, nhà báo Lê Quốc Trung và PGS.TS Bùi Đình Phong đã chia sẻ với các sinh viên báo chí và các nhà báo những bài học quý giá mà hai ông học tập được từ phong cách viết báo của nhà báo cách mạng Hồ Chí Minh.
 
Thú vị "hội ngộ tháng 6" của sinh viên báo chí  - 1
Tọa đàm với nhà báo Lê Quốc Trung (bên trái) và GS.TS Bùi Đình Phong (bên phải).

Là một nhà nghiên cứu hàng đầu về chủ tịch Hồ Chí Minh, PGS.TS Bùi Đình Phong cho biết các nhà báo có thể học tập rất nhiều từ cách đặt tên bài báo của Chủ tịch tịch Hồ Chí Minh. Bác có lối đặt tít linh hoạt trong những trường hợp khác nhau, có những tít dài, lại có những tít ngắn, có khi tít chỉ có duy nhất một từ như Đốt, Uỵch… Nhà nghiên cứu Bùi Đình Phong cũng chia sẻ rằng điều ông tâm đắc nhất về nhà báo cách mạng Hồ Chí Minh đó là lối viết giản dị và súc tích của Người.

Trong khi đó, nhà báo Lê Quốc Trung cho biết trong lời nhắc nhở của Bác trước khi viết báo là xác định "Viết cho ai, viết để làm gì, viết cái gì và viết như thế nào", ông đặc biệt chú trọng đến việc phải trả lời được câu hỏi “Viết để làm gì”. Câu hỏi này nhắc nhở người viết báo phải cân nhắc về mục đích đưa ra sản phẩm báo chí của mình. Theo nhà báo Lê Quốc Trung, câu hỏi này phải luôn luôn được đặt ra trong đầu người viết báo. Đừng vì lợi ích cục bộ của tờ báo của mình, đừng chạy theo kinh tế mà xa rời tôn chỉ mục đích của tờ báo để rồi có những bài báo gây tác hại cho quyền lợi của nhân dân và Tổ quốc.

Từ những nghiên cứu của mình, PGS.TS Bùi Đình Phong nhấn mạnh hai điều mà các nhà báo cần ghi nhớ khi viết báo. Một là, tác phẩm báo chí phải đi vào cuộc sống. Hai là, phải khen và chê đúng mức, chê để hướng tới cái xây dựng, còn khen không đúng mức cũng gây hại.

Nhà báo Lê Quốc Trung nhắn nhủ đến các nhà báo trẻ rằng cần chú tâm nâng cao tư tưởng chính trị, không được xa rời đường lối chính trị khi viết báo, phải đặt lợi ích Tổ quốc và lợi ích nhân dân lên trước hết.

Trong khuôn khổ chương trình giao lưu, ban thường vụ Đoàn khối Trung ương đã tuyên dương 24 nhà báo, phóng viên trẻ tiêu biểu thực hiện tốt công tác tuyên truyền về cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Nhân dịp này, chương trình cũng trao 10 suất học bổng cho SV tài năng báo chí trẻ và 10 suất học bổng cho SV báo chí vượt khó, học giỏi.
 
Thú vị "hội ngộ tháng 6" của sinh viên báo chí  - 2
24 nhà báo, phóng viên trẻ nhận bằng khen. (Ảnh: Vĩnh Hà)
 
Đại diện cho 24 nhà báo trẻ được tuyên dương trong chương trình “Hội ngộ tháng 6”, ba nhà báo Bùi Ngọc Hiếu (báo Nhân dân), Nguyễn Hữu Hà (Đài Tiếng nói Việt Nam) và Hữu Bằng (MC-BTV của kênh VTV6, Đài Truyền hình Việt Nam) đã chia sẻ với các sinh viên báo chí về những kỷ niệm sâu sắc trong quá trình tác nghiệp cũng như quan điểm về nghề báo trong thời hội nhập.
 
Thú vị "hội ngộ tháng 6" của sinh viên báo chí  - 3
Giao lưu với ba nhà báo trẻ.

Tại chương trình giao lưu cũng diễn ra nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc với hai ca sĩ Hoàng Tùng và Ngọc Quy đến từ Đài Tiếng nói Việt Nam cùng các tiết mục múa và hát của các sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Thú vị "hội ngộ tháng 6" của sinh viên báo chí  - 4
Màn múa khởi đầu chương trình giao lưu.
 
Thú vị "hội ngộ tháng 6" của sinh viên báo chí  - 5
Sức trẻ của sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
 
Thú vị "hội ngộ tháng 6" của sinh viên báo chí  - 6
Nguyễn Thị Phương Thanh, sinh viên lớp Báo Truyền hình K28 A1, Học viện BC và TT - Hoa khôi cuộc thi" Press Beauty - Tài sắc nữ sinh báo chí 2010" biểu diễn tiết mục múa bụng.
 
Thú vị "hội ngộ tháng 6" của sinh viên báo chí  - 7
Ca sĩ Hương Trà, sinh viên lớp Báo truyền hình K27A2, Học viện BC và TT.

Tin, ảnh: Nguyên Chi