Thủ tướng: Bộ GD&ĐT phải thanh kiểm tra, ngăn chặn gian lận thi cử

(Dân trí) - Chỉ thị của Chính phủ yêu cầu, Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm chung về kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh ĐH và thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể để ngăn chặn gian lận thi cử.

Ngày 24/6, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chỉ thị số 26/CT-TTg về việc tăng cường chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2020.

Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm chung về kỳ thi

Theo đó, Bộ GD&ĐT có trách nhiệm ban hành các văn bản chỉ đạo, quy chế, hướng dẫn và triển khai kế hoạch tổ chức kỳ thi và tuyển sinh; chủ động xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh.

Về đề thi, Bộ GD&ĐT phải ra đề đáp ứng yêu cầu của kỳ thi.

Đơn vị này cũng phải cung cấp chính xác, đầy đủ, kịp thời các quy định, thông tin cần thiết về kỳ thi và công tác tuyển sinh, giải đáp kịp thời những băn khoăn, thắc mắc của thí sinh và người dân về những nội dung liên quan đến kỳ thi và tuyển sinh.

Bộ GD&ĐT xây dựng hệ thống phần mềm dùng chung bảo đảm thống nhất, thuận lợi trong quá trình tổ chức thi ở các địa phương.

Thủ tướng: Bộ GDĐT phải thanh kiểm tra, ngăn chặn gian lận thi cử - 1

Chỉ thị của Chính phủ yêu cầu, Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm chung về kỳ thi. (ảnh minh họa)

Đặc biệt, phần mềm và quy trình chấm thi trắc nghiệm bằng máy tính bảo đảm tuyệt đối an toàn.

Ngoài phân tích dữ liệu quốc gia về kết quả thi và kết quả học tập của học sinh toàn quốc, đơn vị này cũng chịu trách nhiệm tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra tất cả các khâu của kỳ thi để bảo đảm an toàn, nghiêm túc, trung thực, khách quan; ngăn chặn gian lận, tiêu cực, vi phạm quy chế.

Địa phương không để xảy ra tiêu cực thi cử

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trực tiếp là Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố, chịu trách nhiệm tổ chức kỳ thi trên địa bàn.

Việc chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị để tổ chức Kỳ thi tại địa phương; bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương.

Đơn vị này đồng thời cần tạo điều kiện thuận lợi về đi lại, ăn nghỉ cho thí sinh và người thân ở tất cả các điểm thi, không để thí sinh nào phải bỏ thi vì gặp khó khăn về điều kiện kinh tế hay đi lại.

“Tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác chuẩn bị và tổ chức kỳ thi theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bảo đảm tuyệt đối an toàn, trung thực, không để xảy ra sai sót, tiêu cực, vi phạm quy chế”, Chỉ thị nêu.

Thủ tướng: Bộ GDĐT phải thanh kiểm tra, ngăn chặn gian lận thi cử - 2

Các địa phương phải bảo đảm kỳ thi tuyệt đối an toàn, trung thực, không để xảy ra sai sót, tiêu cực, vi phạm quy chế. (ảnh minh họa)

Trách nhiệm của các Bộ, ngành liên quan

Theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, nhiều Bộ, ngành, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đều có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ để đảm bảo kỳ thi diễn ra nghiêm túc, trung thực, công bằng, an toàn, thiết thực, hiệu quả, tạo thuận lợi nhất cho thí sinh.

Ngoài sự phối hợp của các đơn vị như Điện lực, Y tế, Giao thông, Công an..., năm nay Thanh tra Chính phủ phải có trách nhiệm cử người tham gia Ban Chỉ đạo cấp quốc gia và chỉ đạo Thanh tra địa phương cử người tham gia Ban Chỉ đạo cấp tỉnh và các đoàn thanh tra, kiểm tra kỳ thi của địa phương.

Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam cung cấp điện ổn định cho địa điểm ra đề thi, in sao đề thi, coi thi và chấm thi.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và triển khai kế hoạch tuyển sinh các trình độ của giáo dục nghề nghiệp; hướng dẫn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện công tác tuyển sinh; tổ chức tốt việc thanh tra, kiểm tra; truyền thông đầy đủ, kịp thời về công tác tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp…

Hạnh Nguyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm