Thư từ Pháp mùng 2 Tết: “Ai còn mẹ còn cha, xin đừng chê Tết nhạt”

(Dân trí) - Tết cổ truyền trong trái tim người trẻ Việt vẫn chứa đựng những giá trị truyền thống thẳm sâu. Từ Montpellier - Pháp, chàng trai Nguyễn Thái Hòa gửi tới báo Dân trí những chia sẻ chân thành, xúc động về “Tết đoàn viên” khi đón Tết lần thứ… 7 ở xứ người.

“Tết là thời điểm bắt đầu một năm mới. Nhắc đến Tết, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến bánh chưng xanh, dưa hấu đỏ… Nhưng Tết đâu chỉ có thế, Tết còn chứa đựng những nét đẹp văn hóa truyền thống ẩn chứa nhiều giá trị tinh thần thiêng liêng của người Việt, trên tất cả, Tết là đoàn viên, là sum vầy.

 

Ai ai dù bôn ba xuôi ngược khắp năm châu bốn bể, đến những ngày cuối năm, cũng náo nức chuẩn bị hành trang để trở về quê hương, bên gia đình. Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn có được niềm hạnh phúc được trở về sum họp đó.

 

Vẫn cái điệp khúc “Xuân này con không về”, tôi, một cậu nhóc du học sinh, vừa tốt nghiệp ra trường đang đi làm kiếm… tương lai ở cái đất Pháp này, cũng chẳng được về ăn Tết. Tết “Ta” chứ đâu phải Tết “Tây” mà được nghỉ, được về, đành ngậm ngùi hẹn mẹ cha Xuân sau công việc ổn định hơn, con sẽ về ăn Tết với mọi người.

 

Có ai muốn rời xa mái ấm gia đình để đến một nơi nào đó xa xôi, xung quanh chỉ nghe một thứ tiếng “lạ”, rất khác với tiếng nói cha sinh mẹ đẻ của mình?! Có rất nhiều lý do, riêng và chung, đưa đẩy số phận họ mà ta không thể kể hết được.

 
Thư từ Pháp mùng 2 Tết: “Ai còn mẹ còn cha, xin đừng chê Tết nhạt”
 

Dù là du học sinh, là người đi làm, hay cả Việt Kiều ở đây lâu năm, ai cũng như ai, cũng mang một cái tên chung là “người xa xứ”. Một góc nào đó, trong trái tim họ, vẫn luôn khắc khoải nỗi nhớ thương quê nhà. Với họ, Tết Nguyên Đán luôn là khoảng thời gian vô cùng đặc biệt, ai cũng cố gắng dành một ít thời gian để tự tạo cho mình một chút không khí Tết khi còn xa quê.

 

Với tôi, Tết này là cái Tết thứ 7 không có bao lì xì, không đi chúc Tết bà con, cũng chẳng được ngửi mùi hương trầm nghi ngút nơi cửa Phật. Tết năm nay, tôi cùng các anh chị em sinh viên cùng thành phố tổ chức một bữa tiệc Tết với nhiều món ăn cổ truyền và một buổi văn nghệ “cây nhà lá vườn”. Tết du học sinh chỉ vậy là quá đủ ấm lòng trong những ngày lạnh giá này.

 

Vô tình nghe mấy câu hát của bài “Mừng tuổi mẹ”: “Mỗi mùa xuân sang, mẹ tôi già thêm một tuổi/ Mỗi mùa xuân sang, ngày tôi xa mẹ càng gần…”

 

Nó khiến tôi sợ… như nổi sợ của một đứa trẻ hư bị mẹ dọa bỏ cho “ông Địa” bắt cóc phải xa cha mẹ mãi.

 

Sợ mẹ buồn, sợ cha lo cho con nơi phương xa…

 

Sợ cơn đau lưng hành hạ người mẹ đã ngoài lục tuần của tôi không còn sức đi buôn đi bán nữa.

Sợ những lần lên huyết áp của người cha đã ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy”.

 

Sau 2 lần tai biến, tất cả nỗi sợ và trách nhiệm nằm hết trên đôi vai tôi – người con trai cả trong gia đình.

 

Sợ nhiều thứ… một nỗi sợ mơ hồ, rất mông lung, mà không dám đối mặt với nó vì không thể tưởng tượng ra nếu ngày đó đến tôi sẽ như thế nào! Vẫn không đủ can đảm để kể tiếp về nỗi sợ của tôi…
 
Thư từ Pháp mùng 2 Tết: “Ai còn mẹ còn cha, xin đừng chê Tết nhạt”
“Tôi vẫn nhớ mãi nụ cười và ánh mắt ánh lên niềm hạnh phúc rạng ngời khi đứng dưới chân tháp Eiffel của cha mẹ tôi”, Nguyễn Thái Hòa - tác giả bài viết chia sẻ.

 

Mới ngày nào, cha còn khỏe, chở cả gia đình 5 người trên 1 chiếc Yamaha đời 70 với tiếng nổ tạch tạch như pháo Tết đi chùa, đi thắp nhang ông bà. Mà giờ cha đã không còn đi được, đến cả ngồi dậy cũng phải có mẹ đỡ dậy. Hỏi sao tôi không sợ...

 

7 cái Tết trôi qua trong tích tắc... cha mẹ tôi đã già, còn tôi thì vẫn chưa làm gì cho ra hồn...

 

Cứ mỗi lần thấy cuộc gọi nhỡ mang đầu số Việt Nam +84xxx là tim đập chân rung, gọi lại ngay cho người nhà với nỗi lo hiện ngay lên ánh mắt…

 

Và chắc đây cũng là nỗi niềm chung của nhiều người con xa xứ...

 

Nếu có một điều ước, tôi sẽ ước..

 

Xuân đừng đến nữa…

 

Để mẹ cha tôi, tóc ngừng điểm bạc thêm sương.

 

Để tôi còn nhanh chóng thành tài trở về báo hiếu.

 

Nhưng…

 

Đã là con người, không thể nào tránh khỏi cái vòng tròn “sinh – lão – bệnh – tử” ấy.

 

À, đến đây, tôi đã nhận ra nỗi sợ của tôi, chính là nỗi sợ quy luật thời gian. Thời gian trôi đi không ngừng, không đợi một ai.

 
Thư từ Pháp mùng 2 Tết: “Ai còn mẹ còn cha, xin đừng chê Tết nhạt”

“Những ai còn cha, còn mẹ, xin đừng chê Tết “nhạt”… Tết nào còn cha mẹ thì Tết ấy vẫn còn rất đậm, đậm tình yêu thương gia đình”.
 

Giờ tôi cũng đã lớn, phải tập chấp nhận và sẵn sàng đối mặt với nỗi sợ của chính mình. Tôi vẫn nhớ mãi nụ cười và ánh mắt ánh lên niềm hạnh phúc rạng ngời khi đứng dưới chân tháp Eiffel của cha mẹ tôi. Đó là nguồn động lực vô biên, cho tôi nghị lực phấn đấu. Tất cả những gì tôi đang cố gắng nơi đây sẽ là món quà Xuân vô giá gửi về quê nhà cho cha mẹ tôi, tôi tin là vậy.

 

Ai đó nói con cái là mùa xuân của cha mẹ ?! Nhưng với tôi, cha mẹ mới chính là mùa xuân của con. Bởi lẽ mùa xuân là mùa của niềm vui, hạnh phúc. Còn cha còn mẹ là còn niềm vui, hạnh phúc, là còn có Tết. Cha mẹ như mùa Xuân tưới mát cho tâm hồn con luôn tươi trẻ.

 

Vì vậy, những ai còn cha, còn mẹ, xin đừng chê Tết “nhạt”. Tết nào còn cha mẹ thì Tết ấy vẫn còn rất đậm, đậm tình yêu thương gia đình.

 

Nhân dịp Tết đến xuân về, tôi xin gửi lời chúc Tết an lành, hạnh phúc đến với mọi gia đình.

 

Xin chúc cho những bạn học sinh, sinh viên, một năm học tập tốt, chúc cho đất nước ngày một phồn vinh.

 

Đặc biệt, những ai đang được ở gần bên gia đình, bạn bè và người thân, hãy biết trân trọng và tận hưởng những phút giây này…

 

Vì chỉ khi đi xa bạn mới hiểu nó tuyệt vời đến nhường nào…”

 

 

Nguyễn Thái Hòa

(Từ Montpellier, Pháp)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm