Thủ khoa Trần Thái Linh: Có lúc tưởng không thể vượt qua nổi…

(Dân trí) - Nghe chị đàn nhiều thành quen và muốn học xem nó thế nào - Đó là tất cả những gì mà Trần Thái Linh, chàng trai đỗ thủ khoa tốt nghiệp Nhạc viện Hà Nội cùng với nhiều thành tích xuất sắc đã vượt qua mọi khó khăn để theo đuổi con đường nghệ thuật.

Sinh ra trong một gia đình âm nhạc, có bố là một thầy giáo dạy nhạc, nên khi đòi học đàn như chị, Linh đã được bố mẹ dạy cho những nốt nhạc đầu tiên. Hồi ấy Linh mới chỉ 4 tuổi, nhưng trông Linh bé hơn so với các bạn cùng tuổi. Mọi người đều tưởng rằng Linh không thể học nổi, vì Linh lại đau ốm suốt. Không những vậy, chữ nghĩa thì chưa biết gì nên việc tiếp thu các nốt nhạc khá là vất vả. Nhưng có điều đặc biệt là dù chưa biết chữ nhưng khi nghe ai đánh bất kỳ một nốt nhạc nào, Linh đều có thể nhận biết được.

 

7 tuổi, Linh bắt đầu học nhạc viện và ở đó cho đến nay là năm thứ 15. Tại đây, Linh may mắn được học cô giáo Trần Thu Hà, mà hiện nay là hiệu trưởng của trường. Cô Hà đã rèn cho Linh từng tý một. Điều đó đã khiến cho cậu bé tưởng chừng như yếu ớt và rụt rè đã trở nên tự tin hơn rất nhiều.

 

Trần Thái Linh, sinh năm 1984, có điểm trung bình toàn khoá học là 9,44, thủ khoa tốt nghiệp đại học. Linh đã hai lần được nhận học bổng của Hội Khuyến học Việt Nam trao tặng năm 2002-2003 và năm 2005-2006.

 

Năm 2004 Linh được cử đi thực tập ở Hàn Quốc, Nhật Bản. Năm 2005, đạt giải nhất cuộc thi Symphonic Band châu Á lần thứ 7 tại Thái Lan. Năm 2006, được tham gia cuộc thi Piano quốc tế tại Italia.

Không chỉ học cô giáo Thu Hà, Linh còn được học một người thầy khác mà khi nhắc đến tên, nhiều người trên thế giới phải ngưỡng mộ, nghệ sĩ Đặng Thái Sơn. Linh cho biết: “Nghệ sĩ Đặng Thái Sơn không chỉ giúp em chơi đàn chuyên nghiệp hơn mà còn thổi vào lòng em sự quyết tâm hơn nữa để thành công trên con đường mình đã lựa chọn”.

 

Trong suốt những năm học phổ thông, có lẽ ít ai biết rằng Linh đã quen với việc học 2 trường cùng một lúc. Buổi sáng, Linh học văn hoá ở trường ngoài, buổi chiều học ở Nhạc viện. Còn tối về thì chia đôi thời gian, một nửa dành cho văn hoá, nửa cho học đàn. Càng về sau, thời gian luyện tập đàn đòi hỏi nhiều hơn. Mỗi ngày Linh phải tập đàn ít nhất là 6 giờ.

 

Đối với Linh, những năm cuối THPT là giai đoạn khó khăn nhất vì học văn hoá lúc này không hề nhẹ nhàng chút nào trong khi tập đàn thì không được sao nhãng. Linh nhớ lại: “Có những lúc, em tưởng mình không thể vượt qua được. Cũng may nhờ sự giúp đỡ và động viên của gia đình, thầy cô, em đã không phải bỏ cuộc”.

 

Sự khổ luyện không chỉ có vậy. Để luôn dành được thành tích xuất sắc trong học tập và thành tích cao trong nhiều cuộc thi, Linh đã luyện tập không ngừng, thậm chí còn phải chịu nhiều áp lực. Như lần gần đây nhất, do phải tập luyện cùng một lúc nhiều cuộc thi như: Thi cuối kỳ, thi ở Italia, ở Thái Lan và thi tốt nghiệp đại học, Linh đã bị rách cơ tay. Tuy nhiên, việc tập luyện của Linh vẫn cứ tiếp diễn khiến cái tay bị đau phải kéo dài tới 6 tháng.

 

Hiện, Linh đang bắt đầu bước vào giai đoạn tập luyện để chuẩn bị cho việc thi cao học. Được biết, trong 2 ngày 23, 24/8/2006 vừa qua Linh tham gia biểu diễn cùng Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam tại Nhà hát lớn. Linh cảm thấy rất vinh dự vì đây là lần đầu tiên được tham dự một chương trình biểu diễn có quy mô lớn như vậy.

 

Sở dĩ Linh có được những thành công như ngày hôm nay không thể không nhắc đến sự ảnh hưởng của chị gái Trần Nguyệt Linh. Trong suốt những năm học tập tại trường, chị Linh luôn đạt thành tích xuất sắc. Đặc biệt là cô chị còn đạt giải nhất cuộc thi concour mùa thu năm 1993, cuộc thi piano quốc gia. Hiện tại, chị Linh đang theo học piano tại Nhạc viện Traicôpxki (Nga) theo diện du học bằng ngân sách nhà nước. Còn Linh, chàng trai trẻ giỏi giang chỉ có một ước mơ lớn lúc này là có thể hoàn thành master một cách tốt nhất.

 

Lan Hương