An Giang:

Thót tim cảnh học trò sang sông bằng xuồng nhỏ học chữ

(Dân trí) - Ở vùng tâm lũ huyện An Phú (tỉnh An Giang) có trên 1.000 học sinh Việt Kiều Campuchia sang sông bằng đò nhỏ tìm chữ. Những ngày này khi đò lớn bị cấm, các cháu phải liều mình đi trên những chiếc xuồng, ghe nhỏ qua sông. Sông lớn mà nước lại chảy xiết…

Có mặt tại bến đò trước trường tiểu học A Khánh An, PV Dân trí chứng kiến cảnh cả chục học sinh Việt kiều Campuchia (cha mẹ các cháu định cư và mang quốc tịch Campuchia. Để các cháu sang Việt Nam học, cha mẹ nhờ người thân ở Việt Nam làm giấy khai sinh cho các cháu - PV) chen chân xuống chiếc ghe nhỏ qua sông Khánh An, chúng tôi thấy lo lắng vô cùng.

Mỗi ngày hàng trăm em học sinh Việt Kiều liều mình qua sông Khánh An thế này

Anh Bùi Văn Tú - xã Breichrai, huyện KosThum, tỉnh Kandal cho biết: “Từ ngày bến đò chính bị cấm, thấy các em học sinh, phụ huynh không có phương tiện qua sông nên tôi lấy chiếc ghe này chở các cháu qua sông, mỗi lượt 1.000 đồng/học sinh, người lớn thì 2.000 đồng/lượt.

Từ khi bến đò chính bị cấm, mỗi ngày có hàng trăm em học sinh Việt kiều Campuchia của hai trường tiểu học A Khánh An và B Khánh An liều mình qua con sông lớn Khánh An này tìm chữ.
Từ khi bến đò chính bị cấm, mỗi ngày có hàng trăm em học sinh Việt kiều Campuchia của hai trường tiểu học A Khánh An và B Khánh An liều mình qua con sông lớn Khánh An này tìm chữ.

Đề cập đến việc trang bị áo phao cho các em qua sông an toàn, anh Tú cho biết: "Do mình chạy đò chui mà, chẳng biết chính quyền hai bên cấm khi nào nên chẳng dám đầu tư áo phao hay xuồng ghe lớn hơn. Số áo phao trên ghe là do các phụ huynh tự mua rồi gửi lại để bắt các cháu mặc vào khi đi đò".

Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV Dân trí, suốt buổi đưa đò, qua sông 7-8 lượt nhưng chẳng thấy các cháu học sinh và người lớn mặc áo phao. Đến khi PV nhắc đến việc đảm bảo an toàn cho các cháu học sinh, ông chủ đò mới phát áo phao cho các cháu mặc nhưng cũng chẳng đủ.

Những lúc có khách nhiều, chiếc ghe nhỏ thế này nhưng anh Tú cho biết chở trên 10 người và chẳng có ai mặc áo phao.
Những lúc có khách nhiều, chiếc ghe nhỏ thế này nhưng anh Tú cho biết chở trên 10 người và chẳng có ai mặc áo phao.

Tại bến đò tự phát này, có hàng chục chiếc xuồng nhỏ khác đang neo đậu chờ học sinh tan trường. Chị N.T.T (quốc tịch Campuchia) - phụ huynh một học sinh cho biết: “Sông lớn, nước chảy xiết, vợ chồng tôi cũng như một số phụ huynh khác không an tâm để các cháu đi đò qua sông nên tôi lấy xuồng đưa cháu đi học hàng ngày. Rất mong chính quyền hai nước sớm tìm ra giải pháp để có một bến đò đảm bảo an toàn cho các cháu và người dân hai nước qua sông”.

Anh Tú cũng cho biết, mỗi ngày ngoài 2 chiếc đò anh đưa các cháu qua sông thì còn có nhiều chiếc đò tự phát khác cũng làm dịch vụ này. Trong đó có một chiếc vỏ lãi chở hàng chục học sinh từ kênh Mương Chùa (phía Campuchia) đưa thẳng các cháu đến trường. Sau đó, đợi đến giờ tan học, chiếc vỏ lãi này đến đón các cháu rồi đưa về tận nhà. Nhưng cũng chẳng thấy các cháu mặc áo phao gì cả.

Nhiều phụ huynh không an tâm đành tự chèo xuồng nhỏ đưa con, cháu đi qua sông tìm chữ.
Nhiều phụ huynh không an tâm đành tự chèo xuồng nhỏ đưa con, cháu đi qua sông tìm chữ.

Trao đổi với PV Dân trí, thầy Nguyễn Thiện Hoàn - Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học A Khánh An cho biết: "Trước đây gần điểm trường có một bến đò lớn, phục vụ việc đưa đón học sinh, khách qua sông Khánh An. Tuy nhiên, nửa tháng nay, phía Campuchia đã cấm không cho bến này hoạt động nữa, từ đó hàng trăm học sinh và người dân hai nước không có phương tiện qua sông. Từ đó, nhiều người dân đã lấy ghe, vỏ lãi làm dịch vụ đưa học sinh, khách qua sông mà chưa có sự kiểm soát của cơ quan nào nên tìm ẩn nguy cơ tai nạn đường thủy rất cao. Chúng tôi đã báo cáo về Phòng Giáo dục và chính quyền địa phương để sớm tìm phương cách đảm bảo an toàn cho các cháu qua sông an toàn".

Chị T. cẩn thận mặc áo phao cho con trước khi vượt sông về nhà. Theo chị T., bên kia sông là đất Campuchia nhưng hầu hết là người Việt sinh sống nên hàng ngày nhu cầu qua lại con sông này là rất nhiều, nhất là các cháu học sinh.
Chị T. cẩn thận mặc áo phao cho con trước khi vượt sông về nhà. Theo chị T., bên kia sông là đất Campuchia nhưng hầu hết là người Việt sinh sống nên hàng ngày nhu cầu qua lại con sông này là rất nhiều, nhất là các cháu học sinh.

Trước thực trạng này, PV Dân trí đến UBND xã Khánh An liên hệ để tìm hiểu thêm sự việc thì được một cán bộ văn phòng cho biết: do PV không liên hệ trước nên Chủ tịch và 2 phó Chủ tịch xã đều không có ở cơ quan. Nhà báo cần thông tin thì đến gặp Công an xã hỏi thăm. Nhiều cán bộ ở Văn phòng UBND xã Khánh An nhất quyết không gọi cho lãnh đạo xã.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Thái Kim Khải - Trưởng Phòng Giáo dục huyện An Phú cho biết: Qua công tác thống kê, năm học 2016 - 2017 trên địa bàn huyện hiện có 1.058 học sinh Việt kiều Campuchia đang theo học tại các trường Mầm non, tiểu học và THCS. Toàn bộ số học sinh này phải đi đò ngang qua sông mới đến trường học. Vừa qua, chúng tôi đã khảo sát các bến đò và có báo với UBND huyện An Phú để chỉ đạo các địa phương xiết chặt công tác quản lí, đảm bảo an toàn cho các cháu mỗi khi qua sông. Riêng tại địa bàn xã Khánh An thì chính quyền hai bên cần bàn bạc để sớm có giải pháp đảm bảo an toàn cho các em học sinh cũng như người dân hai nước qua sông an toàn.


Đến khi PV nhắc anh chủ đò mặc áo phao cho các em học sinh, ông chủ đò mới bắt các cháu mặc áo vào. Nhưng trên đò cũng chỉ có vài chiếc áo phao, trong khi anh chủ đò này khẳng định đến giờ tan học, chiếc ghe của anh chở trên 10 học sinh.

Đến khi PV nhắc anh chủ đò mặc áo phao cho các em học sinh, ông chủ đò mới bắt các cháu mặc áo vào. Nhưng trên đò cũng chỉ có vài chiếc áo phao, trong khi anh chủ đò này khẳng định đến giờ tan học, chiếc ghe của anh chở trên 10 học sinh.

Theo tìm hiểu của PV Dân trí tại hai trường tiểu học A Khánh An và trường B Khánh An (thuộc xã Khánh An), hiện có 488 học sinh Campuchia qua sông Khánh An đi học mỗi ngày. Thực trạng các bến đò 3 không (không phép, không áo ao, không chứng chỉ hành nghề) đang hoạt động như hiện nay tiềm ẩn nguy cơ tai nạn đường thủy rất cao nhất là khi dòng nước lũ trên sông Khánh An đang lên nhanh và chảy xiết.

Nguyễn Hành