Thông tin mới nhất về tình hình nhận hồ sơ của nhiều trường ĐH phía Bắc
(Dân trí) - Tính đến ngày 10-8, thời gian nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển ĐH,CĐ đã được 10 ngày nhưng lượng hồ sơ thí sinh nộp xét tuyển vào các trường ĐH ở khu vực phía Bắc vẫn còn khá khiêm tốn. Tuy nhiên, với số lượng hồ sơ ít nhưng đã xuất hiện nhiều hồ sơ “ảo” bởi thí sinh đăng ký cả 4 nguyện vọng vào 4 ngành khác nhau.
Hàng nghìn lượt theo dõi nhưng chỉ vài trăm thí sinh nộp
Từ ngày 1/8, theo đúng lịch tuyển sinh, các trường ĐH, CĐ chính thức bắt đầu thu nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 (NV1) của thí sinh.
Đúng như dự báo, lượng thí sinh nộp hồ sơ trong 10 ngày đầu vẫn còn khá khiêm tốn, thí sinh còn đang thăm dò, nghe ngóng thông tin nộp hồ sơ.
Trao đổi với Dân trí ngày 10/8, ông Bùi Đức Hiền, trưởng phòng đào tạo trường ĐH Điện lực cho biết: “Hiện trường nhận được khoảng 800 bộ hồ sơ đăng ký xét tuyển (trên trang web của trường mới cập nhật được 600 hồ sơ). Trường đưa ra mức điểm nhận hồ sơ là 16. Thí sinh có mức điểm cao nhất trong các thí sinh nộp vào trường là 26.75 điểm.
Ông Hiền cho hay, bây giờ, thí sinh vẫn trong thời điểm nghe ngóng thăm dò tình hình nộp hồ sơ vào để cân nhắc lựa chọn. Ví dụ, ngay trong buổi sáng nay lúc 9h sáng, trên trang web của trường có khoảng 3000 lượt người theo dõi nhưng chỉ lác đác vài thí sinh đến nộp.
Trường ĐH Kinh tế quốc dân, trong buổi sáng nay 10-8, trang web của trường khó có thể vào được vì ngẽn mạng. Trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Quang Dong, trưởng phòng đào tạo nhà trường cho biết, liên tục trên trang web của trường có vài nghìn lượt người theo dõi tình tình cập nhật hồ sơ nhưng đến thời điểm ngày 9-8, trường tiếp nhận được 3.674 hồ sơ đăng ký xét tuyển.
Trường ĐH Công Đoàn, công bố số lượng hồ sơ từng ngày nộp của thí sinh. Tính đến ngày 9-8, trường nhận được 2.381 hồ sơ của thí sinh, số lượng cũng rất khiêm tốn.
Để tránh rắc rối cho thí sinh, trường ĐH Công Đoàn yêu cầu thí sinh kiểm tra kỹ các thông tin, nếu thấy có sai sót đề nghị liên hệ ngay về Phòng Đào tạo - Trường Đại học Công đoàn (P302 - nhà A) hoặc gọi điện trực tiếp đến số điện thoại: 043.8512713; 043.8573204 (trong giờ hành chính). Hồ sơ Nhà trường đăng theo tổng điểm xếp từ cao xuống thấp, chưa bao gồm ưu tiên khu vực và đối tượng.
Còn tại Trường ĐH Thủy Lợi, tính đến ngày 10/8 trường nhận được gần 2.000 bộ hồ sơ. Trên trang web trường cập nhật hồ sơ theo từng ngành đăng ký. Trao đổi với Dân trí, lãnh đạo nhà trường cho biết, trên trang web của trường luôn có hàng nghìn người theo dõi thông tin cập nhật hồ sơ nhưng số lượng thí sinh nộp hồ sơ còn ít vì các em đang thăm dò, nghe ngóng tình hình để cân nhắc lựa chọn ngành dễ trúng tuyển.
Đến ngày 10/8, nhưng trên trang web trường ĐH Thương Mại mới công bố cập nhật danh sách thí sinh nộp hồ sơ đến ngày 6/8. Tính đến ngày này, trường nhận được 394 hồ sơ đăng ký.
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, tính đến ngày 8/8, số lượng thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển về trường là 6.699. Tổng số thí sinh trong danh sách: 2347. Điểm số của thí sinh cao nhất là 27 điểm. Trường sẽ thông báo kết quả trúng tuyển: ngày 24/08/2015.
tính đến ngày 9/8, trường ĐH Giao thông Vận tải nhận được 2.300 bộ hồ sơ đăng ký xét tuyển của thí sinh. Để tránh mất thời gian cho thí sinh, Trường ĐH Giao thông Vận tải thông báo thời gian cập nhật số liệu xét tuyển vào 8h30 các ngày 03, 06, 09, 12, 15 và 18/8/2015. Thí sinh cần theo dõi thường xuyên thông tin tình hình xét tuyển trên trang này để quyết định việc đăng ký hoặc thay đổi thông tin đăng ký.
Trường ĐH Y Hà Nội, với 1.000 chỉ tiêu tuyển sinh, nhưng tính đến cuối giờ chiều ngày 7/8 Trường ĐH Y Hà Nội mới nhận được 664 hồ sơ ĐKXT. Trong đó, ngành Y đa khoa - ngành “hot” nhất của trường nhận được tới 420 hồ sơ, chiếm đến 2/3 tổng số. Điểm của thí sinh đăng ký vào ngành Y đa khoa chủ yếu ở mức 27 điểm trở lên.
Tính đến ngày 7/8, Học viện Ngoại giao mới chỉ nhận được trên 200 hồ sơ ĐKXT. Ngành Quan hệ quốc tế có lượng hồ sơ ĐKXT nhiều nhất với 82 bộ. Điểm của thí sinh đăng ký vào ngành này từ 23 - 28,25 điểm.
Trong tổng số hơn 1.300 hồ sơ ĐKXT đã nộp vào Trường ĐH Ngoại thương cơ sở Hà Nội, thì có khoảng 810 hồ ĐKXT vào ngành Kinh tế đối ngoại.
Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đến ngày 6/8 nhận được gần 5.000 hồ sơ đăng ký xét tuyển trên tổng số 6.000 chỉ tiêu tuyển sinh.
Mỗi thí sinh có tới 4 nguyện vọng xét tuyển vào 1 trường nên số lượng thống kê thí sinh nộp vào từng ngành của các trường tăng vọt.
Hồ sơ “ảo” nhiều
Bộ GD-ĐT quy định, mỗi thí sinh có 4 nguyện vọng để xét tuyển vào một trường, do đó để cho “chắc ăn” hầu hết các thí sinh đều đăng ký cả 4 nguyện vọng vào đợt xét tuyển NV1 trong cùng một trường. Hiện nay, các trường công bố danh sách thí sinh nộp hồ sơ vào trường cũng công bố cả bốn nguyện vọng. Với cách công bố này sẽ có nhiều thí sinh điểm cao ở ngành nguyện vọng 1 nhưng cũng sẽ có tên trong danh sách thống kê của ngành khác.
Khi xét tuyển, thí sinh chỉ được xét trúng tuyển một nguyện vọng. Vì vậy danh sách hiện nay số lượng thí sinh trúng tuyển “ảo” rất nhiều.
Ví dụ như trường ĐH Kinh tế quốc dân, trong những này qua, rất nhiều thí sinh đã hiểu không đúng về danh sách thí sinh đăng ký xét tuyển của từng ngành, nên nhiều em đã đến xin rút hồ sơ. Trong danh sách này, mỗi thí sinh có thể xuất hiện ở 4 ngành (4 nguỵện vọng), nên danh sách rất dài. Nhiều người lầm tưởng đó là số thí sinh đăng ký xét tuyển vào Trường, nên đã xin rút hồ sơ (Đến 17 giờ ngày 6 tháng 8 có 2532 hồ sơ, nhưng danh sách đăng ký xét tuyển của tất cả các ngành cộng lại có 9500 lượt thí sinh)
Lưu ý với các thí sinh trong việc nộp hồ sơ, ông Trần Văn Nghĩa - Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết, các em không bắt buộc phải điền đủ cả 4 ngành, đặc biệt là không nên đăng ký vào các ngành mà mình không muốn học vì khi đã đăng ký và đỗ vào ngành đó thì em không có quyền ĐKXT ở đợt xét tuyển tiếp theo.
Khi em đăng ký nhiều ngành trong một trường, trước hết trường đó sẽ xét ngành thứ nhất của em, nếu em đủ điều kiện trúng tuyển vào ngành thứ nhất, nguyện vọng vào các ngành sau sẽ không được xem xét. Nhưng nếu em không trúng tuyển vào ngành thứ nhất, trường sẽ xét đến ngành thứ 2 của em và nếu không trúng tuyển vào ngành thứ 2 trường mới xét đến nguyện vọng vào ngành thứ 3…
Ông Nghĩa cho biết thêm, vì Bộ GD-ĐT có quy định: Nếu trường dùng nhiều tổ hợp để xét tuyển một ngành phải chỉ ra độ vênh điểm trúng tuyển giữa các tổ hợp đó (có thể chọn độ vênh bằng nhau). Chính vì vậy thí sinh không phải dùng cả 4 tổ hợp để xét 1 ngành mà chỉ cần chọn 1 tổ hợp tốt nhất để đăng ký.
Ví dụ: Một ngành dùng Khối A, A1, D1 để xét tuyển. Trường công bố: Điểm trúng tuyển khối A cao hơn điểm trúng tuyển khối A1 và D1 là 0,5 điểm. Nếu thí sinh có kết quả thi cả 3 khối như sau: A: 23,5 điểm A1 23, D1 23,5.
Dân trí cập nhật liên tục tình hình nhận hồ sơ của các trường đại học để thí sinh tiện theo dõi.
Hồng Hạnh