Thống kê mới nhất: Việt Nam có 10 đại diện vào top 100.000 nhà khoa học hàng đầu thế giới

(Dân trí) - Tổng cộng có 10 nhà khoa học quốc tịch Việt Nam được tìm thấy trong top 100.000 (chính xác là 106.369) nhà khoa học hàng đầu thế giới.

Gần đây, truyền thông có đưa tin về việc 3 nhà khoa học Việt Nam được vào top 100.000 nhà khoa học hàng đầu thế giới theo kết quả nghiên cứu của nhóm tác giả John P. A. Ioannidis, Jeroen Baas, Richard Klavans, và Kevin W. Boyack trong công trình “A standardized citation metrics author database annotated for scientific field” được công bố trên Tạp chí “PLOS Biology” (Mỹ), một tạp chí ISI với chỉ số ảnh hưởng (IF) là 9.163 và phí đăng bài là 3.000 USD/bài (tương đương 70 triệu đồng).

Về các tác giả, TS. John P. A. Ioannidis là giáo sư thực thụ về y khoa, nghiên cứu sức khỏe và chính sách, khoa học dữ liệu y sinh và thống kê học thuộc Đại học Stanford (Mỹ) và đồng thời là thành viên Hội đồng thẩm định của Tạp chí PLOS Biology; Jeroen Baas là giám đốc dữ liệu của Nhà xuất bản Elsevier (Hà Lan); TS. Richard Klavans và TS. Kevin Boyack tương ứng là nhà sáng lập và giám đốc điều hành của Công ty SciTech Strategies (Mỹ) chuyên về trắc lượng khoa học.

Nhóm tác giả gồm nhà khoa học có đẳng cấp về dữ liệu và trắc lượng khoa học. Dữ liệu mà công trình trên sử dụng là Cơ sở dữ liệu Scopus thuộc Nhà xuất bản Elsevier. Tính đến năm 2018, Scopus thống kê công bố khoa học từ 24.702 tạp chí hàng đầu thế giới và 6.123 kỷ yếu hội thảo khoa học quốc tế có uy tín.

Tại công trình trên, nhóm tác giả đã đưa ra kết quả rất quan trọng và thú vị về 3 danh sách 100.000 nhà nghiên cứu hàng đầu thế giới thông qua trích dẫn khoa học và các chỉ số trắc lượng khoa học từ Cơ sở dữ liệu Scopus.

Danh sách 1 (S4) là danh giá và đáng chú ý nhất, đánh giá thành tựu trọn đời của các nhà khoa học tính tới cuối năm 2017; Danh sách 2 (S1) đánh giá thành tựu 22 năm cuối của nhà khoa học từ tháng 1/1/1996 đến 31/12/2017.

Điều đáng suy nghĩ là không có bất kỳ nhà khoa học nào quốc tịch Việt Nam được liệt kê vào Danh sách 1 và Danh sách 2. Tuy nhiên, có nhiều nhà khoa học quốc tịch nước ngoài-gốc Việt được vinh danh trong cả hai danh sách trên.

Danh sách 3 (S2) là danh sách đánh giá đẳng cấp mang tính “tức thời” của các nhà khoa học; chỉ phân tích dữ liệu trích dẫn của năm 2017. Việt Nam vinh dự có ít nhất 10 nhà khoa học mang quốc tịch nước mình được vào danh sách này, chứ không phải 3 như các báo đã đưa tin.

Đối với Danh sách 3, có 106.369 nhà khoa học hàng đầu được chọn ra từ 6.880.389 nhà khoa học trên toàn thế giới theo Scopus. Trong đó, có 10.317 trường hợp không có địa chỉ cơ quan công tác và mã quốc gia. Nếu lọc theo mã quốc gia thì chỉ có 3 nhà khoa học của Việt Nam được tìm thấy với địa chỉ cơ quan rất lạ là “Hanoi University of Technology” và hiện nay tên của đại học này không tồn tại.

Điều thú vị là cả 3 nhà khoa học này không thuộc nhóm mà báo chí đã đưa tin trong thời gian vừa qua. Kết hợp các kỹ thuật trắc lượng khoa học, tổng cộng có 10 nhà khoa học quốc tịch Việt Nam được tìm thấy trong top 100.000 (chính xác là 106.369) nhà khoa học hàng đầu thế giới; cụ thể như sau:

Thống kê mới nhất: Việt Nam có 10 đại diện vào top 100.000 nhà khoa học hàng đầu thế giới - 1
Sau khi kết hợp trắc lượng thông tin từ hai Cơ sở dữ liệu Scopus và Web of Science, thông tin về 10 nhà khọc trên như sau:

TT

Nhà khoa học

Cơ quan

Chức vụ

1

TS. Trần Xuân Bách

Trường đại học y Hà Nội

Phó giáo sư, giảng viên Viện đào tạo y tế dự phòng

2

TS. Thái Hoàng Chiến

Trường đại học Tôn Đức Thắng

Nghiên cứu viên Nhóm cơ học tính toán

3

TS. Nguyễn Đình Đức

Đại học quốc gia Hà Nội

Giáo sư, Trưởng ban đào tạo

4

TS. Nguyễn Văn Hiếu

Trường đại học Phenikaa

Giáo sư, Phó hiệu trưởng

5

TS. Phan Thanh Sơn Nam

Đại học quốc gia TP.HCM

Giáo sư, Trưởng khoa kỹ thuật hóa học thuộc Trường đại học bách khoa

6

TS. Trần Đình Phong

Trường đại học Việt-Pháp

Trưởng khoa Khoa khoa học cơ bản và ứng dụng

7

TS. Lê Hoàng Sơn

Đại học quốc gia Hà Nội

Phó giáo sư, Phó giám đốc Trung tâm tính toán hiệu năng cao

8

TS. Phạm Việt Thành

Trường đại học Phenikaa

Giám đốc nghiên cứu, Viện nghiên cứu tiên tiến Phenikaa,

9

TS. Nguyễn Thời Trung

Trường đại học Tôn Đức Thắng

Giáo sư thực thụ, Viện trưởng Viện khoa học tính toán, Phó chủ tịch Uỷ ban đạo đức khoa học

10

TS. Phạm Hùng Việt

Đại học quốc gia Hà Nội

Giáo sư, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu công nghệ môi trường và phát triển bền vững

Trường đại học Tôn Đức Thắng (TDTU) còn khá trẻ và là một đại học học tự chủ (không nhận ngân sách Nhà nước) nhưng cũng đã có 2 nhà khoa học đại diện cho Việt Nam trong nhóm hơn 100.000 nhà khoa học hàng đầu thế giới.

Đây là vinh dự lớn cho trường vì những chiến lược phát triển, đặc biệt là về nghiên cứu khoa học. TS. Nguyễn Thời Trung và TS. Thái Hoàng Chiến cũng vừa mới được vinh danh là những nhà khoa học có trích dẫn hàng đầu của TDTU trong năm học 2018-2019.

Đặc biệt, TS. Thái Hoàng Chiến là một nghiên cứu viên trẻ. Anh chưa từng du học ở bất kỳ cường quốc nào, mà chính là sản phẩm của nền giáo dục “made in Vietnam”. Bởi lẽ anh học đại học và bảo vệ luận án tiến sĩ (gần đây) ở Việt Nam. Từ anh, có thể khẳng định rằng môi trường làm việc là yếu tố quyết định sự thành công đẳng cấp quốc tế về khoa học; và các nhà khoa học có thể tìm thấy những môi trường như thế ngay tại Việt Nam của chúng ta.

Việc xếp hạng các nhà khoa học bao giờ cũng có thể gây ra chuyện bất đồng quan điểm. Thật vậy, nếu bỏ quả những khác biệt về chuyên ngành; thì việc xếp hạng cũng mang lại những thông tin thú vị; cụ thể, hạng của 10 nhà khoa học của Việt Nam trong top hơn 100.000 nhà khoa học hàng đầu thế giới như sau:

Thống kê mới nhất: Việt Nam có 10 đại diện vào top 100.000 nhà khoa học hàng đầu thế giới - 2

Không ngạc nhiên khi TS. Trần Xuân Bách dẫn đầu trong nhóm này, bởi lẽ lĩnh vực của anh là y tế công cộng nên thường có rất nhiều trích dẫn. Việc TS. Lê Hoàng Sơn vươn lên đứng thứ 2 là khá bất ngờ, anh nghiên cứu về công nghệ thông tin và việc trích dẫn trong lĩnh vực này thì nhìn chung là khó nhưng hạng của anh khá xa so với trường hợp của TS. Phạm Hùng Việt chuyên về môi trường, lĩnh vực mà lượng trích dẫn thường khá cao. Trường hợp TS, Phạm Việt Thành, xếp thứ thứ 10 trong nhóm và xếp 148064 thế giới là hết sức bình thường vì lĩnh vực nghiệm cứu về kỹ thuật điện thường có trích dẫn không cao.

Dù Danh sách 3 mang tính tức thời nhưng việc được liệt kê vào đây cũng đã đánh dấu đẳng cấp nhất định của các nhà khoa học trên phạm vi toàn cầu. Điều quan trọng là các nhà khoa học trong danh sách này cần phải tiếp tục duy trì đẳng cấp nghiên cứu một cách bền vững hơn.

Thành tựu của 10 nhà khoa học Việt Nam nói trên sẽ là tín hiệu để họ có thể sẽ được vinh danh “Highly Cited Researchers” của Clarivate (Web of Science, Mỹ) trong thời gian tới. Việc vinh danh ở Bảng này chắc chắn là một thử thách rất lớn cho tất cả các nhà khoa học, bởi lẽ “Highly Cited Researchers” chỉ dành cho những nhà khoa học có những công trình thuộc top 1% trích dẫn trong chuyên ngành hàng năm theo Web of Science (WoS). Năm 2018, chỉ có 6.100 nhà khoa học trên toàn toàn cầu được vinh danh là “Highly Cited Researchers”, và không có nhà khoa học mang quốc tịch Việt Nam (với địa chỉ cơ quan chính là Việt Nam) nào được vinh danh vào Bảng này.

WoS là cơ sở dữ liệu khoa học uy tín nhất thế giới hiện nay, chỉ thống kê chí 16.830 tạp chí ISI hàng đầu thế giới và hầu hết đều là tạp chí có trong danh mục Scopus. Điều đáng lưu ý là danh hiệu “Highly Cited Researchers” được các tổ chức xếp hạng đại học thế giới rất quan tâm và sử dụng làm tiêu chí xếp hạng. Thí dụ như Tổ chức xếp hạng đại học thế giới uy tín và khách quan nhất hiện nay ARWU có 20% điểm từ danh hiệu này; và năm 2019 thì TDTU là đại diện duy nhất của Việt Nam được xếp hạng 901-1000 theo ARWU.

Trắc lượng hay thẩm định khoa học là một lĩnh vực nghiên cứu thú vị, có tính chất định hướng và thúc đẩy nghiên cứu khoa học phát triển, nhưng rất khó khăn vì thường phải xử lý dữ liệu lớn và mang tính chuyên sâu. Ghi tên và địa chỉ tùy tiện trong các công bố khoa học cũng đã và đang làm “rối” các cơ sở dữ liệu.

Do đó, việc truyền thông đưa tin chưa đầy đủ như vừa rồi là hết sức bình thường, và cũng có thể đã vô tình làm nhiều nhà khoa học của Việt Nam tâm tư. Có lẽ Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa những nghiên cứu về trắc lượng khoa học để góp phần vào việc hoạch định chính sách nghiên cứu của đất nước và chiến lược phát triển của các đại học.

Tại TDTU, Nhà trường đặc biệt quan tâm đến trắc lượng khoa học. Trường đã đầu tư mua quyền truy cập những cơ sở dữ liệu khoa học quan trọng nhất của thế giới và đã có Nhóm nghiên cứu trắc lượng thông tin chuyên nghiên cứu về chính sách phát triển khoa học công nghệ cho Trường; về tình hình trắc lượng khoa học ở Việt Nam và trên thế giới.

TS. Lê Văn Út

(Trưởng phòng Phòng quản lý phát triển khoa học-công nghệ & Trưởng nhóm nghiên cứu trắc lượng thông tin, Trường Đại học Tôn Đức Thắng)