Thở phào vì đề thi môn Sử “dễ thở”

(Dân trí) - Lịch sử là môn thi mà nhiều thí sinh lo lắng nhất trong những ngày vừa qua. Tuy nhiên với cấu trúc đề hợp lý, không quá dài thì đa phần học sinh đều cảm thấy hài lòng với kết quả bài làm sau khi kết thúc buổi thi chiều nay.

Theo ghi nhận của Dân trí thì phần lớn tại các điểm thi ở Hà Nội, khi rời khỏi phòng thi thí sinh đều có tâm trạng phấn chấn hơn so với môn Địa lúc sáng. Đa số các bạn đều cho rằng đề thi khá hợp lý, không dài như môn Địa nên đủ cho thời gian làm bài. Tuy nhiên do tính chủ quan và học “tủ” nên cũng có một số ít sĩ tử “méo mó” rời phòng thi.

Nguyễn Thu Hiền, học sinh Trường THPT Trương Định dự thi tại Hội đồng thi Trường THPT Thăng Long chia sẻ: “Đề cũng bình thường. Một phần cũng do em cũng “trúng tủ” phần khác các kiến thức ở câu hỏi lịch sử trong nước cũng dễ nhớ nên đa phần các bạn đều làm được bài”.
 
Thở phào vì đề thi môn Sử “dễ thở”  - 1

Nhiều thí sinh Hà Nội phấn khởi vì đề thi môn Sử "dễ xơi". (Ảnh: Nguyễn Hùng)

Cùng chung quan điểm này Xuân Hưng, một thí sinh cũng tham dự tại Hội đồng thi này cho biết thêm: “Phần lịch sử thế giới thật sự làm cho bọn em bị bất ngờ. Ít ai nghĩ sẽ rơi vào những kiến thức liên quan đến Liên hợp quốc hay Toàn cầu hóa”.

Tại Hội đồng thi Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng có xu hướng tương tự. Phần lớn các em đều nhận định đề Sử khá "nhẹ ký". Thấy vẻ mặt một số thí sinh không được vui chúng tôi tiếp cận thì được tâm sự: “Thật ra em làm được bài nhưng thấy tính nhẩm điểm thi thì để đạt bằng khá thì hơi khó nên hơi bất an. Ngày mai hai môn kia phải nỗ lực hết mình anh ạ”

Theo tìm hiểu của chúng tôi thì có khá nhiều sĩ tử đã “dự đoán” được đề thi Sử. Với các sự kiện lớn trong năm như kỷ niệm 70 năm thành lập Đảng, 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội... nên các em đã biết khoanh vùng để ôn tập.

Thí sinh Thu Hằng chia sẻ: “Em cũng biết là đề thi thường hay bám vào các sự kiện hay các phong trào lớn trong năm. Vừa qua kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh nên em đầu tư học về Nguyễn Ái Quốc khá nhiều nhưng bị “lệch tủ” cũng may câu hỏi không khó, em đã đọc và học qua các vấn đề đó nên cũng nhớ được tương đối cho dù không hoàn hảo cho lắm”.
 
Thở phào vì đề thi môn Sử “dễ thở”  - 2
Thí sinh Hà Nội kiểm tra đối chiếu bài làm sau khi rời phòng thi môn Sử. (Ảnh: Nguyễn Hùng)

Đánh giá về mức độ đề thi nhiều giáo viên dạy Sử cho rằng, đề thi khá phù hợp không quá dài. Bên cạnh đó các kiến thức này đa phần đều được giáo viên ôn tập rất kỹ cho học sinh. Riêng đối với kiến thức lịch sử thế giới thì thật sự là hơi bất ngờ vì đề lại ra vào phạm vi này. Ở phần chuẩn thì có vẻ dễ dàng hơn cho thí sinh còn ở phần nâng cao sẽ gây chút khó khăn.

“Với đề thi này thì các em dễ dàng kiếm được 6-7 điểm. Số thí sinh đạt điểm Sử thấp so với các năm có tổ chức môn thi này sẽ giảm đi rất nhiều”, một giáo viên nhận định.

Môn thi Lịch sử chiều nay, hầu hết thí sinh Cần Thơ nhận định “dễ thở” hơn môn Địa lý. Các thí sinh cho biết, có thể đạt từ 6-7 điểm.

Ghi nhận của PV Dân trí tại điểm thi THPT Châu Văn Liêm, các thí sinh bước ra khỏi phòng thi rất vui tươi, thậm chí “cười hết cỡ” vì làm tốt bài thi. Em Trần Đăng Khoa (học sinh THPT Châu Văn Liêm) hớn hở nói: “Đề ra khá dễ, các bạn trung bình có thể làm tốt bài, riêng các bạn khá giỏi có thể đạt 7-8 điểm”. Theo em Khoa, đề Lịch sử chỉ cần học thuộc bài là có thể làm hết các câu hỏi.

Nhiều thí sinh nhận định, câu 2 có phần khó hơn các câu khác, câu này có 2 ý nhỏ nhưng cũng làm cho thí sinh phải mất thời gian để làm trọn. Ngoài ra, đáng chú ý có một câu liên quan đến vai trò của Nguyễn Ái Quốc thì trong nội dung ôn thi không tập trung nên câu này các thí sinh tự rút ra.

Thở phào vì đề thi môn Sử “dễ thở”  - 3
Thí sinh Cần Thơ cười tươi hết cỡ sau buổi thi môn Lịch sử tốt đẹp. (Ảnh: Huỳnh Hải)

Tuy nhiên, một số em khác lại bất ngờ vì đề Lịch sử không ra một “chiến dịch” nào. Em Nguyễn Hoàng Nguyện (học sinh THPT Phan Ngọc Hiển) nói: “Những năm trước, em thấy các “chiến dịch” đều ra trong đề thi, nhưng năm nay không hiểu sao đề chẳng ra, nên em bị “tủ đè”. Song do em có học qua các nội dung khác nên bài làm cũng không đến nổi, có thể đạt điểm trung bình”.

Kết thúc 2 ngày thi, theo ghi nhận chung của Dân trí, các thí sinh Cần Thơ cũng có phần “oải” bởi 2 môn học bài Địa lý và Lịch sử. Tuy nhiên, theo các em bày tỏ thì việc làm bài tốt cũng phần nào đó làm cho tinh thần thoải mái. Các em dự đoán, hai môn thi ngày mai (4/6) là Toán và Ngoại ngữ có khả năng sẽ “khó nuốt” hơn.

Cũng trong chiều nay, Dân trí ghi nhận tiếp tục có xuất hiện "phao thi" bên ngoài một số điểm thi như THPT Châu Văn Liêm, THCS Đoàn Thị Điểm (hệ GDTX). Cần Thơ có 1 thí sinh hệ GDTX bị đình chỉ thi do sử dụng tài liệu.

Ghi nhận của Dân trí ở một số hội đồng thi tại TP Huế như Hai Bà Trưng, Nguyễn Tri Phương… trong môn thi Sử vào chiều nay, hầu hết các thí sinh đều chung nhận định đề thi không quá khó, không mang tính đánh đố và các em đều hoàn thành khá tốt bài thi.

Em Nguyễn Hồng Loan, thí sinh dự thi tại hội đồng thi Hai Bà Trưng cho biết: “Đề thi không khó, nhưng em chỉ làm được khoảng 70 % vì Sử là môn thi có lượng kiến thức dài và cũng có nhiều số liệu khá khó nhớ”.

Thở phào vì đề thi môn Sử “dễ thở”  - 4
Nhiều thí sinh Huế nhận định đề thi không khó. (Ảnh: Đại Dương - Thành Chung)

Vì Lịch sử là môn thi mà thí sinh khá “e ngại” nên có rất đông phụ huynh đưa con đi thi đã ở lại trước cổng trường chờ đến khi con làm xong bài.

Chị Thanh, ở thôn Lại Thế (Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) chia sẻ: “Mấy môn thi trước vì bận rộn quá nên tui chỉ đưa con đến trường rồi về, ước chừng thời gian sau đó lên chở con, nhưng hôm nay tui quyết bỏ việc. Thấy con bé học môn ni cả ngày cả đêm, nó nói môn Sử khó nên tui cũng lo, chở nó đi thi rồi ở lại cho yên tâm”.

Kết thúc môn thi Lịch sử chiều nay, nhiều thí sinh tại TPHCM đánh giá đề không khó như các bạn đã lo lắng trước khi bước vào phòng thi. Tuy nhiên, một số em lại tỏ ra thất vọng khi đề không hay và không “trúng” các phần trọng tâm. Ghi nhận thí sinh làm được bài nhưng tự chấm điểm chỉ tầm tầm mức trên trung bình.

Tại hội đồng thi Trường THPT Marie Curie (Q.3), thí sinh rời phòng thi với nhiều tâm trạng khác nhau. Đề thi vừa sức nhưng ít thí sinh hài lòng về bài làm của mình.

“Đề không khó, em cũng làm tàm tạm tầm 6 điểm gì đó. Năm nay bọn em ôn thi phần chiến dịch nhiều nhưng không trúng”, Phi Long, Trường THPT Lê Thị Hồng Gấm có phần tiếc nuối. 

Thí sinh Phạm Thị Thanh Hương, Trường Lê Thị Hồng Gấm cũng nhận định đề dễ nhưng sự kiện… không hay. “Em thích môn Sử, cũng làm được nhưng đề thi này khó để làm bài hay. Em được 7 điểm là cao”.

Thở phào vì đề thi môn Sử “dễ thở”  - 5
Nhiều thí sinh tại TPHCM đánh giá đề Sử dễ nhưng khó đạt điểm cao. (Ảnh: Hoài Nam)

Với đề thi khá nhẹ nhàng này, nhiều thí sinh khối A đã thở phào khi kết thúc môn thi được xem là “khó gặm” nhất.

“Câu 2, phần tóm tắt cuộc chiến đấu của quân và dân Hà Nội trong những tháng đầu toàn quốc kháng chiến làm em hơi rối. Sau đọc kỹ lại, nắm khái quát, rồi vạch ra từng sự kiện em mới thấy dễ hình dung hơn”, thí sinh Lăng Lệ Hương, Trường THPT Marie Curie cho biết.

Cũng như một số thí sinh khác, Hương bộc bạch thêm, qua được "cửa ải" của hai môn nghị luận hôm nay xem như đã "vượt vũ môn” kỳ thi tốt nghiệp. Thí sinh này cũng rất tự tin với môn Toán và Ngoại ngữ vào ngày mai.

Kết thúc ngày thi thứ 2 tại Đà Nẵng, nhiều thí sinh được hỏi đều chung một câu trả lời, đề thi cả hai môn Địa lý và Lịch sử hôm nay “căng” hơn nhiều so với đề văn và Hóa học hôm qua. Các thí sinh rời trường thi với vẻ mặt buồn hơn hẳn ngày hôm qua, mặc dù hôm nay thời tiết tại Đà Nẵng hôm nay khá mát mẻ, thuận lợi hơn cho thí sinh làm bài thi.

Ngay khi vừa thi xong môn Sử, thí sinh Nguyễn Thị Tâm Giang, dự thi tại HĐT Phan Châu Trinh cho biết: “Cả hai câu phần Lịch sử Việt Nam đều nằm ở phần đầu chương trình Lịch sử 12, em chỉ làm được 1 câu vì có ôn tập lại kỹ lưỡng, câu thứ 2 thì bỏ trống luôn. Riêng câu hỏi Lịch sử thế giới vì em chủ quan nghĩ chỉ cần học kỹ phần Lịch sử Việt Nam là có được 7 điểm. Phần lịch sử thế giới trong các đề thi Sử thường chiếm 3 điểm. Nên em cũng không làm tốt bài thi Sử lắm”.

Thở phào vì đề thi môn Sử “dễ thở”  - 6
Thí sinh không còn hớn hở khi trao đổi sau buổi thi. (Ảnh: Khánh Hiền)

Ngay tại HĐT bổ túc Nguyễn Huệ, nhiều thí sinh ra khỏi phòng thi cho biết, trong thời gian làm bài thi 2 môn Địa lý và Lịch sử cũng thừa nhận có mang theo tài liệu nhưng không có cơ hội sử dụng vì giám thị coi thi rất gắt gao.

Sau giờ thi, khu vực cầu thang HĐT này rất nhiều thí sinh vứt tài liệu; ở sân trường, cũng có rất nhiều TS trao tay nhau tài liệu sau giờ thi Sử.

Tại thành phố Quảng Ngãi, cuối buổi thi môn Lịch sử chiều nay, trời bất ngờ đổ mưa rào làm dịu hẳn không khí oi bức trong các phòng thi.

Một số thí sinh tại cụm thi trường Lê Khiết, TP Quảng Ngãi cho biết đề Sử nhìn chung cũng nhẹ nhàng.

Em Tuấn An, học sinh Trường Lê Khiết hồ hởi nói: Đề thi không khó, chỉ cần chịu khó học thuộc một chút là có thể làm đủ điểm đậu. Đề thi chủ yếu rơi vào phần học kỳ 1, kiến thức có hơi cũ một chút nhưng bọn em được ôn tập kỹ nên không khó.

 
***
 
Ngày mai, thí sinh cả nước sẽ bước vào ngày thi cuối cùng với môn Toán trong buổi sáng và buổi chiều với môn Ngoại ngữ (đối với hệ THPT). Đối với hệ BT THPT thì buổi chiều các thí sinh sẽ thi môn Vật lý. Môn Toán thi theo hình thức tự luận, thời gian làm bài 150 phút, còn hai môn Ngoại ngữ và Vật lý sẽ thi theo hình thức trắc nghiệm với thời gian làm bài là 60 phút.

Nhóm PV

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm