“Thiêu thân” nơi lò luyện

Có không ít những sĩ tử về Hà Nội với mục đích ôn thì ít mà chơi thì nhiều. Với họ, việc đi ôn chỉ là cái cớ để họ có dịp thưởng thức những “thú ăn chơi” chốn thị thành, để “hợp thức hóa” những toan tính chơi bời trác táng.

Học chiều lòng “ông bà già”

Gặp Minh Anh tại một quán nước trước cổng Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn. Minh Anh vốn là một tiểu thư đất Cảng (Hải Phòng), năm nay ôm mộng thi vào Đại học Quốc gia Hà Nội. Có thể dễ dàng tìm ra cô ngay vì lúc gọi điện thoại, Minh Anh nhắn: “Anh cứ thấy chỗ nào có “con” @ trắng biển số 16H2-44... dựng là em sẽ ngồi đó”.

Ấn tượng đầu tiên về Minh Anh là mái tóc được ép thẳng, nhuộm vàng một cách “sành điệu”. Cô mở đầu câu chuyện với bằng một điếu thuốc “3 số”. Rồi cô bắt đầu huyên thuyên đủ thứ mà chẳng có vấn đề gì liên quan tới học hành, thi cử cả. Nào là: “Anh thích màu gì?”; “Biết đi xe máy không?”; “Đã vào New Century lần nào chưa?” hay: “Có thích xem phim Hàn Quốc không?”; “Thích nhất diễn viên nào?”...

Khi gợi ý về mục đích của cuộc gặp gỡ này thì cô lại thao thao: “Anh biết không! Hầu như tất cả các lò luyện thi ở Hà Nội này, không nơi nào là em chưa qua!”.

Khi hỏi: “Em học nhiều thế mà thi vẫn không đỗ à?”, cô phì cười: “Em có học hành gì đâu mà đỗ với trượt”.

Vốn từ nhỏ đã yêu văn thơ, em chỉ muốn thi vào ngành Khoa học xã hội. Nhưng “ông bà già” em lại bắt phải thi bằng được vào Trường Y để làm bác sĩ. Đấu tranh mãi không được, em đành chiều lòng “các cụ”.

Mấy năm trước thi trượt, “các cụ” cho rằng “lò” ở Hải Phòng không bằng “lò” Hà Nội. Thế là “ông bà” ấy cứ ra tết lại cho em ra ngoài này ôn. Ra đây riết rồi quen. Em học được khối thứ hay mang về quê diễn cho bọn bạn “lác mắt”. Tỉ như cái này chẳng hạn...”. Vừa nói, cô vừa kéo cánh tay áo lên để lộ một hình xăm “mũi tên xuyên qua trái tim đang rỏ máu” trên bờ vai trắng nõn.

Cô nói tiếp: “Vốn chẳng thiết tha gì với Toán, Hóa, Sinh... nên mỗi lần đi học, em không làm thơ trong lớp thì lại ra ngoài này ngồi. Thỉnh thoảng em còn “nhảy dù” vào khoa Văn, Sử của trường này để nghe ké. Mỗi tuần, em dành ra 3-5 buổi tối đi vũ trường để thay đổi không khí... Đến kỳ thi em chỉ đi thi lấy lệ. Thậm chí em cũng chẳng thèm xem điểm vì biết chắc mình sẽ trượt...”.

Khi hỏi: “Em không lo cho tương lai của mình sao?”. Minh Anh lại cười: “Lo gì hả anh? Mình còn trẻ mà. Em cứ như thế này cho đến khi “ông bà già” hiểu ra thì thôi!”. Rồi cô bật dậy, búng tay đánh tách: “Tính tiền!”.

Công tử “luyện” ăn chơi

Những người dân trên phố Trần Phú, thị xã Hà Đông ai cũng biết Đào Văn Bằng, quê Đại Từ, Thái Nguyên, bởi những “chiến tích” ăn chơi vô cùng ấn tượng trong dịp năm ngoái được lên Hà Nội ôn thi.

Bằng được cha mẹ gửi gắm tại nhà người bà con để “có gì thì cô chú giúp đỡ”. Nhưng được vài ngày, Bằng đã kêu là bất tiện lắm và bắt “ông bà già” thuê hẳn một căn phòng 30m2 của một ngôi nhà 4 tầng để cho cậu yên tâm ôn luyện.

Lấy cớ “để giải trí” sau những giờ học căng thẳng, Bằng bắt bố mẹ sắm cho nào tivi, đầu DVD, rồi máy tính... Ban ngày cậu “lượn” qua hàng trà đá của trung tâm luyện thi độ nửa giờ. Rồi kéo đám chiến hữu đi rượu chè, cờ bạc. Tối về lại luyện “chưởng”. Kết cục tất yếu là biết bao nhiêu tiền của bố mẹ đầu tư cho Bằng đều đổ xuống sông xuống biển. Gần đến ngày thi thì Bằng phải trốn về quê vì bị tróc nợ.

Gần ký túc xá Mễ Trì có hai cậu “cựu học sinh” từ Thanh Hóa ra ôn thi năm nay là năm thứ tư. Một cậu là Nguyễn Văn Thanh còn cậu kia là Lương Đức Long. Cả hai đều được cha mẹ cho ra Hà Nội ôn thi để thỏa mộng làm “nhà báo”. Họ cùng thuê một phòng để có việc gì thì giúp đỡ nhau. Chả biết có tương trợ nhau được những chuyện gì, nhưng trong khoản lô đề, cờ bạc thì hai cậu đúng là “cặp bài trùng”.

Bao nhiêu tiền bạc cha mẹ chu cấp cũng không thể đủ cho nhu cầu của các cậu. Hai chàng lại đi vay mượn bạn bè, họ hàng. Tới lúc không còn ai dám cho các cậu vay thì buộc lòng hai chàng phải “cắm” cả chứng minh thư để “gỡ gạc”. Nhưng gỡ ra không được, chỉ toàn gỡ vào. Tới khi tổng số nợ của cả hai đã lên tới gần trăm triệu, hai cậu đành vác bộ mặt sầu thảm về quê để mời bố mẹ lên trả đống nợ khổng lồ mà các cậu tạo ra.

Giao du nhiều với dân cờ bạc, đề đóm, hai chàng đã dính “trắng”. Và thay vì vào giảng đường để làm tân sinh viên, giờ đây bạn bè cùng ôn luyện kháo nhau hai chàng đang ở... trại cai nghiện.

Nhiều gia đình ở ngõ Giáp Bát, quận Hai Bà Trưng hẳn chưa quên cậu quý tử tên Tuấn Anh (quê Đà Nẵng), mấy năm trước thuê trọ ở đây để ôn thi. Những thành tích ăn chơi, lô đề cờ bạc của cậu ít có người sánh kịp. Cũng chính những chiến tích ấy mà mọi người biết cậu với “hỗn danh” Tuấn “Circle”. Ăn chơi như vậy, dĩ nhiên Tuấn chẳng thể nào đỗ được.

Ròng rã mấy năm “tu luyện” ở đất “ngàn năm văn vật” mà gia đình Tuấn chỉ nhận được những tiếng thở dài của cậu: “Con vẫn thiếu nửa điểm”. Đến năm thứ tư, mặc dù trượt vẫn hoàn trượt, Tuấn đành làm một tấm giấy báo điểm giả, về quê “báo tiệp” cho gia đình đã đỗ khoa CNTT - ĐH Mở Hà Nội.

Tuấn bước vào “cuộc sống sinh viên” trong khi ngày ngày vẫn bám trụ khu Bách Khoa để ôn luyện. Cái vòng luẩn quẩn: “Chơi bời - thi trượt - nói dối” cứ theo cậu ta 5-6 năm nay. Có lần nhìn bạn bè đồng lứa với mình hầu hết đã có việc làm ở công ty này, xí nghiệp kia, Tuấn bảo: “Có khi em phải kiếm cái bằng giả để trình ông bà già!”.

Nhưng có lẽ “oách” nhất trong đám quý tử lên Hà Nội ôn thi thì chưa ai hơn được Trần Văn Đông (quê Phủ Lý, Hà Nam). Cao cấp hơn Bằng, Tuấn... Đông chỉ đi ôn thi mà cứ như “ông tướng”. Hàng ngày, các trung tâm luyện thi chỉ được Đông liếc mắt, còn chỗ cậu hay vào là những khu vui chơi, giải trí của thành phố. Đêm xuống, Đông bắt taxi lên vũ trường uống rượu với các em.

Những trò tiêu tiền của Đông kể ra khiến cho không ít người phải “mắt tròn mắt dẹt”. Ngoài những chai XO được gọi tràn cung mây, cứ em nào rót cho Đông một ly rượu hay châm một điếu thuốc cho là cậu rút ngay một tờ polyme xanh nhét vào... ngực của em ấy. Bởi thế lúc nào quanh Đông là một đống các em chờ được rót rượu. 

Tiểu thư “luyện”... yêu

Bên cạnh những “công tử”, các “tiểu thư” được lên Hà Nội ôn thi cũng không kém nổi tiếng trong khoản chơi bời. Nhưng khác với đám công tử, nhiều “tiểu thư” lên Hà Nội thường chú tâm vào “luyện” yêu. Điển hình trong số này là tiểu thư Minh Thu, quê TP Vinh, Nghệ An.

Ba năm nay Thu ôn luyện ở Hà Nội mà bất thành sinh viên. Không biết có phải do thiếu thốn tình cảm hay không mà Thu thay người yêu như thay áo. Mấy năm luyện thi tại Hà Nội, Thu đã kịp yêu hơn chục anh. Nghe bạn bè cô kể, anh nào Thu cũng tỏ ra rất “nồng nàn, tha thiết”.

Mai Trang, một tiểu thư đất Thành Đông (Hải Dương) - với trình độ ăn chơi đã “thành thần”. Để cho con ôn thi được “thoải mái”, vị phụ huynh của Trang đã cắn răng thuê hẳn cho con một căn nhà đầy đủ tiện nghi.

Vốn ngày còn ở nhà, Trang đã nổi tiếng là một kẻ ăn chơi sành điệu. Lên Hà Nội, Trang khác gì “cá gặp nước”. Ngay khi phụ huynh vừa bước chân lên ôtô, Trang đã kéo một lũ bạn mà Trang quen ở “trên mạng” tới nhà mình chơi. Lũ bạn thấy Trang tuy là dân ngoại tỉnh nhưng “chịu chơi” hơn cả dân Hà thành thì lấy làm thú lắm. Thế là căn nhà của Trang trở thành tụ điểm ăn chơi của một đống những “cậu ấm, cô chiêu” chán học.

Mọi chuyện chỉ vỡ lở sau một lần bố Trang lên thăm con bất ngờ. Ông không còn tin vào mắt mình khi nhìn thấy đứa con “ngoan ngoãn” của mình đang nằm lẫn với một lũ con trai, con gái cùng một đống vỏ lon bia, thức ăn thừa vứt ngổn ngang trong chính ngôi nhà ông thuê cho con.

Lập tức Trang bị lôi cổ về nhà, không thi cử gì nữa. Thật đau xót cho Trang là, sau khi về quê được vài tháng thì cô phát hiện ra là mình có thai, còn cha đứa trẻ thì chỉ có trời mới biết. Cái thai kia, Trang và gia đình có thể “giải quyết”, song nỗi đau về mặt tinh thần thì biết khi nào mới nguôi ngoai?

Theo Minh Tiến
Công An Nhân Dân

* Tên của các nhân vật trong bài đã được thay đổi.