Đổi mới phương pháp giảng dạy:

Thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị

Khoảng 80% giáo viên hiện nay đáp ứng được với đổi mới phương pháp giảng dạy. Thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy hiện nay, vấn đề lo nhất không phải là đội ngũ mà là… cơ sở vật chất, trang thiết bị!.

Đó là lời khẳng định của Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn của một Sở GD&ĐT. Ông cho biết, không chỉ riêng những địa phương có điều kiện như TPHCM, Hà Nội, mà ngay cả những tỉnh vùng còn khó khăn như Tiền Giang, Long An…, hầu hết các giáo viên đều theo kịp cách giảng dạy mới.

 

Mặc dù là địa phương có sự đầu tư lớn nhất cho việc xây dựng cơ sở vật chất, trường lớp, tuy nhiên, do quỹ đất đô thị quá hạn hẹp, ở TPHCM hiện nay vẫn còn không ít ngôi trường có quy mô cực nhỏ được xây dựng trước giải phóng và không hề lớn lên sau 30 năm.

 

Ở quận Bình Thạnh, nằm sát ngay hông chợ Bà Chiểu, trên đường Vũ Tùng, ngôi trường tiểu học Tô Vĩnh Diện lớn không hơn một ngôi nhà là bao. Cửa lớp nằm ngay sát lề đường, nghĩa là học sinh mặt thì nhìn vào bảng đen còn lưng thì quay ra con lộ tấp nập người. Khoảng cách giữa chỗ trò ngồi và đường đi chỉ vài ba mét. Sân chơi cho học trò bao năm nay vẫn là niềm mơ ước.

 

Cũng trong tình trạng trường không sân chơi này là một loạt trường khác như Huỳnh Mẫn Đạt (Quận 5), Lê Đình Chinh (Bình Thạnh), Nguyễn Viết Xuân (Tân Bình)… Hiệu trưởng một ngôi trường mini đang khát sân chơi cho biết: “Trong điều kiện chật hẹp, không sân chơi như vậy, dù giáo viên cố gắng mấy cũng khó đạt hiệu quả cao trong đổi mới phương pháp. Đặc biệt là trong dạy học ngoại khoá, dạy buổi thứ 2”.

 

Nếu như TPHCM khát sân chơi thì ở các tỉnh khác của khu vực phía Nam như Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, Cà Mau… lại trong tình trạng “khát” phòng chức năng, thiết bị, thí nghiệm.

 

Ông Nguyễn Văn Quang, giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Long cho biết: “Nhiều trường ở địa phương hiện vẫn chưa có phòng chức năng để giảng dạy. Qua thanh tra chuyên đề, các trường phần nhiều không có phòng thiết bị riêng, không có thư viện, phòng thí nghiệm phục vụ cho hoạt động đổi mới GD phổ thông”.

 

Ở Tiền Giang, tình hình cũng chẳng mấy khả quan, cho dù địa phương này đã có những đầu tư tương đối cho cơ sở vật chất. Ông Trần Văn Trí, phó giám đốc Sở GD&ĐT phản ánh: “Ở các lớp thay sách yêu cầu có phòng bộ môn, chức năng nhưng hiện tình hình các phòng chức năng, trong hệ thống trường học của tỉnh chưa tốt lắm. ở bậc THCS chỉ có 58% các trường có phòng thí nghiệm bộ môn. Bậc tiểu học nhiều nơi phòng thiết bị và thư viện vẫn trong tình trạng 2 trong 1!”.

 

Bàn ghế lạc hậu, không đúng quy cách cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc đổi mới phương pháp. Ông Trần Trung Dưỡng, trưởng Phòng GD tiểu học, Sở GD&ĐT Long An phản ánh: “Ở Long An hiện chỉ có 22,7% bàn ghế đúng quy cách, vì thế khi triển khai đổi mới phương pháp gặp không ít khó khăn trong thực hiện, đặc biệt trong việc tổ chức các buổi học theo dạng thảo luận”.

 

Ông Huỳnh Công Minh - Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho biết: "Có ý kiến cho rằng cứ đưa trang thiết bị vào nhà trường, giảm sĩ số lớp học, tổ chức học tập hai buổi/ ngày trong trường thì tự khắc sẽ có đổi mới phương pháp dạy học, không cần phải hô hào, thúc đẩy khó khăn. Ý kiến ấy đã nói lên được tầm quan trọng của điều kiện vật chất trong công cuộc đổi mới nhà trường, đổi mới phương pháp dạy học!"

 

Không chỉ thiếu sân chơi, phòng chức năng, nhiều trường phổ thông hiện còn thiếu trang thiết bị phục vụ cho việc dạy học. Một giáo viên trường chuyên của một tỉnh miền Trung cho biết: “Ngay những phương tiện dạy học thô sơ nhất như Atlas (trong môn Địa lý) cũng không cập nhật. Trong kỳ thi HS giỏi quốc gia vừa qua vẫn dùng Atlas cũ rích từ năm 1992 khiến HS rất khó khăn trong làm bài”.

 

Trong số trang thiết bị do Bộ GD&ĐT cung cấp có rất nhiều đĩa học ngoại ngữ – một phương tiện dạy học khá phổ biến. Thế nhưng, khi loại công cụ dạy học này về Tiền Giang thì… phải trùm mền. Lý do là ở các trường ở địa phương hiện chỉ mới sắm nổi chiếc máy cassette cho việc dạy và học ngoại ngữ nên… chỉ xài được băng.

 

Ở Long An, năm học rồi, nhiều trường tiểu học còn thiếu bộ tranh cho môn luyện nói. Ngay ở một trường tương đối khá ở TPHCM như trường THCS Đoàn Thị Điểm, việc ứng dụng công nghệ thông tin cho dạy học cũng gặp rào cản bởi chữ thiếu. Mặc dù GV trường rất nhiệt tình trong soạn giáo án điện tử, thế nhưng các giáo án này cũng ít dịp được phát huy tác dụng vì... trường chưa sắm nổi máy đèn chiếu!

 

Việc thực hiện chương trình sách giáo khoa mới, đổi mới phương pháp giảng dạy đòi hỏi rất lớn sự tương thích về cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học. Thực tế cho thấy ở những cơ sở có điều kiện nay đủ về vật chất, trang thiết bị, cùng với sự đồng bộ về đội ngũ, chất lượng dạy - học rất cao kể từ khi thực hiện phương pháp mới, chương trình mới. Còn ngược lại, không ít nơi đã gặp hệ quả chẳng mấy đẹp.

 

Không phải ngẫu nhiên mà vấn đề cơ sở vật chất - chất lượng học tập đã được cử tri TPHCM chất vấn giám đốc Sở trong một buổi giám sát gần đây, khi ngành GD&ĐT của địa phương này đặt mục tiêu đạt 100% HS bậc tiểu học được học 2 buổi/ ngày trong năm. Một sự đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị xứng tầm là hết sức cần thiết để việc đổi mới chương trình, phương pháp đạt được hiệu quả như mong muốn!

 

Theo Mai Nguyên VũGD&TĐ