Thiết kế chương trình dạy và học Lịch sử: Quyết định cuối cùng thuộc về Bộ GD-ĐT

(Dân trí) - Sau cuộc họp thảo luận mới đây giữa Bộ GD-ĐT và Hội Khoa học Lịch sử do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, về cơ bản, đã có quan điểm thống nhất giữa đôi bên: nhất thiết phải dạy tích hợp lịch sử và mục đích cuối cùng là phải làm cho học sinh hiểu và yêu lịch sử.

Những băn khoăn cho rằng Bộ GD-ĐT loại bỏ môn lịch sử đã được phần nào giải tỏa. Chương trình “Vấn đề hôm nay” của VTV 1 phát vào lúc 22h ngày 10/12 một lần nữa làm sáng rõ vấn đề mà bạn đọc quan tâm.

Theo GS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Nghị quyết của Quốc hội khóa 13 có nội dung đề cập đến môn Lịch sử là do từ một số ý kiến của đại biểu Quốc hội cho là Bộ GD-ĐT bỏ môn Lịch sử, trong khi đó Bộ GD-ĐT khẳng định, họ không bỏ môn Sử, không những thế, còn muốn dạy học cẩn thận, chu đáo hơn.


Thiết kế chương trình dạy và học Lịch sử như thế nào là do Bộ GD-ĐT quyết định.

Thiết kế chương trình dạy và học Lịch sử như thế nào là do Bộ GD-ĐT quyết định.

Nghị quyết của Quốc hội vừa ban hành có nêu: Tiếp tục giữ môn Lịch sử trong chương trình (CT), sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông (GDPT)”. Nghị quyết của Quốc hội giải tỏa được nỗi băn khoăn của dư luận cho rằng CT, SGK mới bỏ môn Sử,chứ không hề có những chữ như “tích hợp” hay “độc lập”. Việc thiết kế chương trình thuộc chuyên môn của Bộ GD-ĐT; không thể nào có chuyện Quốc hội lại can thiệp vào một vấn đề thuộc chuyên môn sâu như vậy. Môn lịch sử tích hợp đến mức nào, độc lập đến mức nào thì cần phải  nghiên cứu để chọn ra phương án tốt nhất.

Trao đổi với BTV của Chương trình “Vấn đề hôm nay” (VTV1), GS Phan Huy Lê khẳng định: Ông đấu tranh là để cho vị trí của môn Lịch sử thích đáng trong CT GDPT mới, chứ không can thiệp vào CT thiết kế mới của Bộ. Những người cho rằng giới sử học không hiểu về tích hợp hay không muốn dạy tích hợp là vu khống.

GS Phan Huy Lê cũng khẳng định: Bản thân môn lịch sử là môn học đi đầu trong quá trình tích hợp. Trong khoa học xã hội nhân văn, sử học là môn đi đầu trong tích hợp, nếu nói rằng sử học chỉ biết riêng về lịch sử là không hiểu gì về sử học Việt Nam. Nhưng ông thấy việc xếp Lịch sử vào với Khoa học xã hội ở cấp THCS và Công dân với Tổ Quốc ở cấp THPT là không hợp lý nên vừa qua đã có sự trao đổi, đề xuất với Bộ GD-ĐT

Sau những ý kiến nêu trên, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển bày tỏ: Giữa Hội khoa học Lịch sử và Bộ GD-ĐT cơ bản đều có nhận thức như nhau, là làm sao cho việc dạy và học lịch sử hiệu quả hơn. Để dư luận hiểu lầm là do cách diễn đạt của Bộ chưa thấu đáo. Bộ rất mong muốn xã hội hiểu đúng, vì chỉ có sự hiểu và đồng cảm thì mới có được tiếng nói chung để đem đến hiệu quả tốt nhất.

Từ sự thống nhất ý kiến ban đầu giữa đôi bên là phải dạy Lịch sử theo xu hướng tích hợp, vấn đề còn lại-thiết kế chương trình môn Lịch sử như thế nào vẫn là câu chuyện chuyên môn của Bộ GD-ĐT. Môn Lịch sử sẽ được tích hợp với môn nào, ở mức độ nào, tên gọi ra sao, khối lượng kiến thức là bao nhiêu thì Ban xây dựng CT sẽ chủ động, đồng thời tiếp thu có chọn lọc các góp ý, trên cơ sở các phương án đã bàn bạc ở cuộc họp do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì vào chiều ngày 7/12 vừa qua để hoàn thiện dự thảo CT, trình Bộ trưởng cho thẩm định và quyết định ban hành.

                                                                                                          Hồng Thúy

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm