Thiết bị giáo dục chậm và kém chất lượng: Vô hiệu hoá chương trình mới

Một thực tế khiến nhiều người bất bình. Đó là ngoài việc một số thiết bị giáo dục chất lượng không đảm bảo, thì việc chậm thiết bị giáo dục đã gần như vô hiệu hoá tính ưu việt của chương trình và sách giáo khoa mới. Điều này đã xảy ra từ nhiều năm nay và không loại trừ cả năm học 2005-2006 này.

Đố HS hiểu bài

 

Trong 3 năm triển khai chương trình và sách giáo khoa (CT&SGK) mới, hầu như chưa năm nào thiết bị giáo dục (TBGD) được đưa về trường đúng hẹn. Thậm chí có nơi sắp hết học kỳ 1 mới thấy thiết bị được chuyển về trường.

 

Ông Nguyễn Văn Xưởng - Giám đốc Cty sách và thiết bị trường học Thanh Hoá - bức xúc: "Năm học 2004-2005, khi thiết bị về đến trường là đã gần hết học kỳ 1, có nhiều môn học đã được dạy xong, hoàn toàn "chay!". Không cần phải bàn luận nhiều, chúng ta cũng có thể hình dung được, thiếu TBGD, cả giáo viên (GV) và HS sẽ lúng túng như thế nào, khi triển khai bài học trên lớp.

 

Bà Nguyễn Thị Ngọc Anh - Hiệu trưởng Trường THCS Hưng Lộc (Vinh, Nghệ An) có cái nhìn khá thẳng thắn: Theo chương trình đổi mới giáo dục, cách dạy và cách học của cả GV và HS đều đã khác. GV chỉ là người tổ chức lớp, còn HS trở thành nhân vật trung tâm, tự tìm hiểu, nghiên cứu, phân tích và đưa ra kết luận, tổng hợp kiến thức, thông qua hoạt động thực hành. Vì thế, SGK cũng đã được cải tiến, không mang tính hàn lâm, áp đặt. Để thực hiện được điều này, TBGD góp phần đến 50%. Thế nhưng, khi không có thiết bị, HS sẽ không thể thực hành, bài học sẽ không khắc sâu, kiến thức sẽ rất trừu tượng, lơ mơ, còn GV sẽ lại phải tự thuyết minh kiến thức một chiều, áp đặt HS nghe và chép một cách bị động.

 

Một giáo viên đang dạy tại Trường THCS Nghĩa Tân (HN) cũng bức xúc: "Không có TBGD, CT&SGK mới sẽ bị vô hiệu hoá. Không có thiết bị, làm sao HS  có thể làm thí nghiệm, thực hành, đặt giả thiết rồi rút ra kết luận, nhất là những môn mà vai trò của thực hành rất cần thiết như vật lý, hoá học, sinh học, địa lý, lịch sử, mỹ thuật... Không có TBGD, GV phải dạy "chay", còn HS sẽ trở lại là những cỗ máy chép bài, thụ động như trước đây, khi chưa thực hiện cải cách giáo dục. Vậy, thực hiện CT&SGK mới làm gì, khi không có TBGD".

 

Đổ lỗi loanh quanh

 

Theo ông Phạm Ngọc Phương - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Giáo dục và Đào tạo), việc chậm trễ TBGD là do các địa phương không chủ động kế hoạch mua sắm. Thế nhưng, theo ông Nguyễn Văn Xưởng - Giám đốc Cty sách và thiết bị trường học Thanh Hoá: "Bộ cho rằng địa phương không chủ động phương thức mua sắm TBGD, nhưng thử hỏi,  duyệt giá chậm như vậy làm sao chúng tôi chủ động được? Bộ phải thừa nhận rằng, thiết bị chậm là do Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành mẫu quá chậm, đến khi mẫu có rồi, khâu duyệt giá cũng chậm nốt, mãi 3/8 mới có mẫu thiết bị chuẩn. Đến gần hết tháng 8, chúng tôi mới có thể tổ chức đấu thầu. Sau khi đấu thầu, các đơn vị cung ứng mới bắt tay vào sản xuất. Như vậy, phải cần ít nhất 2 tháng thiết bị mới được chuyển về trường".

 

Không riêng gì Thanh Hoá, HS tại một số tỉnh khác như Cao Bằng, Tuyên Quang, Ninh Thuận, Khánh Hoà..., HS cũng phải học "chay" chỉ vì thiết bị về trường quá muộn.

 

Thiết bị giáo dục quan trọng tương tự sách giáo khoa

 

Bà Thu Giang (B13 Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội): Thiết bị giáo dục phải được  phát cùng thời gian với sách giáo khoa

 

Tôi có con trai đang học lớp 3 theo chương trình và sách giáo khoa mới. Nhiều khi đọc sách của con, tôi rất khó hiểu. Sau mới vỡ lẽ ra là sách giáo khoa không cho kiến thức chuẩn, mà chỉ mang tính gợi ý. Qua tìm hiểu ở giáo cụ trực quan, học sinh tự nhận xét và đưa ra kết luận, tự rút ra kiến thức. Đây là cách học khó, đòi hỏi trẻ phải động não và phải có sự phụ trợ đắc lực của thiết bị giáo dục. Như vậy, thiết bị giáo dục và sách giáo khoa quan trọng như nhau, bổ sung cho nhau. Theo ý kiến của tôi, vì thiết bị giáo dục quan trọng như vậy, nên cần được đưa đến trường học trong thời gian sớm, tốt nhất là cùng thời gian phát hành sách giáo khoa.

 

Bà Phạm Phương Nga (53 Nguyễn Du, Pleiku, Gia Lai): Không có thiết bị giáo dục, sách giáo khoa cũng mất tác dụng

 

Vì sách giáo khoa cải cách không đưa sẵn kiến thức để HS "học gạo", mà chỉ mang tính gợi ý để HS  căn cứ trên dụng cụ thí nghiệm để quan sát, phân tích và đưa ra kết luận. HS có tự rút ra kết luận, có tổng hợp được kiến thức hay không là phụ thuộc vào thiết bị, thí nghiệm. Tôi không hiểu HS sẽ "xoay xở" ra sao với sách giáo khoa mới, khi không có thiết bị giáo dục? Chính vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên khẩn trương đưa thiết bị đến trường, tránh thiệt thòi cho HS.

 

Theo Lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm