Thi vào lớp 10: Phương pháp lập sơ đồ tư duy giúp học sinh ghi nhớ môn Lịch sử
(Dân trí) - Môn Lịch sử đã trở thành môn thi chính thức trong kỳ thi vào 10 ở nhiều tỉnh thành như Hà Nội, Hải Phòng,… Với đăc thù môn học đòi hỏi ghi nhớ nhiều nên nhiều học sinh lo lắng về cách học, phương pháp học. Sử dụng sơ đồ tư duy là một phương pháp hữu hiệu giúp học sinh ghi nhớ hiệu quả trong thời gian còn lại.
Đề thi Lịch sử theo hình thức 100% trắc nghiệm khách quan lựa chọn đáp án đúng trong 4 đáp án cho trước. Phạm vi kiến thức phân bổ toàn bộ chương trình lớp 9, bao gồm cả phần lịch sử thế giới và lịch sử Việt Nam. Vì đặc thù nhiều kiến thức cần ghi nhớ, vấn đề khó khăn của học sinh là phương pháp học để ghi nhớ lượng kiến thức lớn trong thời gian ngắn trước kỳ thi.
Bạn Bích Ngọc, học sinh lớp 9 tại Hà Nội chia sẻ: “Với môn Lịch sử, chúng em phải học thuộc nhiều, kiến thức dài và khó nhớ. Việc nhớ cả kiến thức cơ bản lẫn các mốc thời gian quan trọng là vấn đề “nan giải” nên em rất lo lắng. Nhất là khi chúng em phải ôn 4 môn 1 lúc và chỉ còn 2 tháng”.
Dựa vào đề thi minh họa tại Hà Nội, có thể thấy rằng xu hướng ra đề sẽ chú trọng kiểm tra khả năng ghi nhớ các sự kiện, nhân vật lịch sử và mốc thời gian nổi bật. Ngoài ra, đề cũng yêu cầu học sinh phải nắm được những đặc điểm nổi bật của từng giai đoạn lịch sử, có cái nhìn tổng quát xuyên suốt cả thời kì lịch sử để trả lời những câu hỏi liên chuyên đề.
Cô Lê Thị Thu Hương - Giáo viên môn Lịch sử tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI sẽ giúp học sinh ghi nhớ dễ dàng hơn qua sơ đồ tư duy.
5 bước lập sơ đồ tư duy cho môn lịch sử
Học sinh có thể hệ thống mỗi bài học, chương, giai đoạn lịch sử thành sơ đồ để dễ nhớ, dễ tra cứu khi cần. Cách lập sơ đồ tư duy rất phong phú, mỗi học sinh có một cách lập sơ đồ tư duy khác nhau sao cho phù hợp với bản thân mình, miễn làm sao có thể nhớ được lâu hơn từ sơ đồ tư duy mình lập ra.
Các bước cụ thể để tạo lập một sơ đồ tư duy môn Lịch sử
Bước 1: Xác định ý chính, từ khóa chính: Sơ đồ tư duy được tạo lập từ những từ khóa chính. Đối với môn lịch sử, từ khoá là những điểm nhấn tạo ra bước ngoặt lịch sử.
Bước 2: Vẽ “lõi” kiến thức từ trung tâm tờ giấy. Học sinh nên bắt đầu vẽ sơ đồ tư duy từ trung tâm tờ giấy - Đây được coi là phần lõi của sơ đồ, cũng chính là kiến thức cơ bản hoặc tên bài.
Bước 3: Vẽ những nhánh tiêu đề phụ. Từ phần lõi, học sinh sẽ tạo ra những nhánh với nội dung là những phần kiến thức nhỏ hơn cùng các tiêu đề phụ. Các tiêu đề phụ này nên sử dụng chữ in hoa và thể hiện bằng những nhánh lớn, in đậm. Những nhánh lớn cần được tô đậm hơn và bắt đầu nhỏ dần khi toả ra xa. Đặc biệt, tất cả các nhánh đều phải được kết nối với phần “lõi” của sơ đồ.
Bước 4: Vẽ các nhánh cấp nhỏ hơn. Ở bước này, học sinh cần vẽ nối tiếp vào nhánh lớn để tạo ra những nhánh nhỏ hơn. Ở những nhánh nhỏ, chúng ta chỉ nên tận dụng từ khóa và hình ảnh gợi mở. Tất cả các nhánh nhỏ của một nhánh lớn nên tỏa ra từ một điểm và có cùng một màu.
Bước 5: Trang trí sơ đồ bằng hình ảnh minh họa. Lúc này, học sinh hãy phát huy tối đa khả năng sáng tạo của mình. Tuy nhiên, học sinh hãy vẽ những hình ảnh có sức gợi tả tốt nhất để chỉ cần nhìn vào hình ảnh đó, chúng ta có thể liên tưởng ngay đến kiến thức cần nhớ.
Ví dụ, với phần kiến thức lịch sử Việt Nam từ 1919 - 2000, học sinh có thể vẽ lõi kiến thức chính là mốc năm 1919-2000. Từ lõi này, chúng ta phân ra thành 5 nhánh lớn, tương ứng với 5 thời kì lịch sử quan trọng: 1919-1930; 1930-1945; 1945-1954; 1954-1975; 1975-2000. Với mỗi nhánh lớn, chúng ta tiếp tục vẽ các nhánh nhỏ.
Mỗi nhánh nhỏ sẽ là một sự kiện lịch sử đáng nhớ. Điển hình như thời kì 1919-1930, chúng ta có thể vẽ thêm 3 nhánh cây nhỏ để ghi nhớ các mốc: Cuộc khai thác thuộc địa lần 2, Phong trào Dân tộc dân chủ, Phong trào Vô sản,...
Một số lưu ý khi lập sơ đồ tư duy
Để ghi nhớ và sử dụng sơ đồ tư duy hiệu quả, học sinh cần tự lập sơ đồ tư duy cho mình, đồng thời phải đọc lại kiến thức bằng sơ đồ tư duy để ghi nhớ và hiểu kiến thức.
Đặc biệt cần lưu ý một số vấn đề khi lập sơ đồ tư duy như: Bám sát kiến thức và sự kiện trong sách giáo khoa; không dùng câu dài trong sơ đồ tư duy; từ ngữ trong sơ đồ tư duy cần ngắn gọn, súc tích, có sức gợi cao; trong sơ đồ tư duy nên sử dụng nhiều màu (khoảng 3 màu); mỗi học sinh nên phát huy tối đa phong cách cá nhân trong sơ đồ tư duy để dễ dàng ghi nhớ.
Đồng thời với việc lập sơ đồ tư duy, học sinh có thể dùng giấy nhớ để ghi lại các điểm chính cần ghi nhớ. Cô Lê Thị Thu Hương khuyên học sinh và cả phụ huynh không nên hoang mang, lo lắng hay đi học thêm tràn lan. Đề thi chỉ bám sát chương trình sách giáo khoa, chỉ cần chăm chỉ và học đúng cách là có thể đạt kết quả tốt.
Nhật Hồng