Thi THPT quốc gia: Tách 2 phần có phức tạp?
Liên quan đến đề xuất tách kỳ thi THPT quốc gia thành hai phần, PGS Lê Hữu Lập cho rằng, đề xuất này hay nhưng khâu tổ chức thi có vẻ phức tạp.
Không nên để các tỉnh chấm thi
Trước những vướng tắc, gian lận trong kỳ thi THPT quốc gia năm vừa qua, PGS. TS Lê Hữu Lập- Nguyên Phó Giám đốc Học viện Bưu chính Viễn thông cho rằng, việc chấm thi kì thi THPT quốc gia không nên để các tỉnh chấm thi nữa, kể cả chấm chéo, mà giao cho các Trung tâm khảo thí của một số trường đại học. Vì chấm bài thi trắc nghiệm là chính (trừ môn Ngữ Văn bài thi tự luận), không có gì phức tạp, máy chấm hết.
“Chấm trắc nghiệm thì quá nhanh, hồi trước nhiều trường đại học tổ chức thi riêng đều nhờ Cục khảo thí của bộ chấm cả. Bài thi môn Ngữ Văn cũng không lo, cứ giao cho các Trung tâm khảo thí của các Trường đại học. Họ có thể huy động giáo viên phổ thông chấm được”- ông Lập nói.
Cũng theo ông Lập, bài thi học sinh cả nước chỉ cần giao cho 10-15 Trung tâm khảo thí là có thể giải quyết xong một cách nhanh chóng.
Đề xuất một bài thi tách thành hai phần: Khâu tổ chức thi sẽ phức tạp?
Liên quan đến đề xuất tách kỳ thi THPT quốc gia thành hai phần , PGS Lê Hữu Lập cho rằng, đề xuất này hay nhưng khâu tổ chức thi có vẻ phức tạp. Vì theo ông Lập, có những thí sinh sẽ không thi phần đại học. Việc phân chia thời gian làm bài cũng là vấn đề.
“Tóm lại phải nghiên cứu kỹ về mặt kỹ thuật. Ngoài ra, cần làm rõ, thí sinh có đăng ký thi để xét đại học từ khi làm hồ sơ hay không? Thời gian thi và thang điểm của cả hai bài thi phân bổ ra sao? Việc xét tốt nghiệp như thế nào?”- ông Lập băn khoăn.
Ông Lập cũng nhận định, ra đề thi đảm bảo yêu cầu “2 trong 1” là rất khó: “Thi THPT quốc gia năm 2017 đề ra dễ nhưng năm 2018 vừa qua lại khó. Vậy năm 2019 không biết sẽ ra sao? Tất nhiên, nếu thi trắc nghiệm thì ngân hàng câu hỏi cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện”- ông Lập nói.
Ông Lập cũng cho rằng chỉ cần điều chỉnh nhỏ trong quy trình chấm là yên tâm như việc quét bài thi gửi về Cục Khảo thí xong, lúc đó mới công bố đáp án.
“Trường hợp gian lận thi ở Hà Giang, khi bài thi nguyên bản của thí sinh chưa quét và gửi về cục khảo thí, thì Bộ đã gửi đáp án về các sở. Lợi dụng có đáp án, nên phó phòng khảo thí của Hà Giang đã chữa vào các bài thi, xong xuôi ông ấy mới quét bài thi và gửi về Bộ GD&ĐT. Nếu không có đáp án thì làm sao ông ấy làm nổi cho từng mã đề” - ông Lập nói.
Theo Đỗ Hợp
Tiền Phong