Thi THPT quốc gia 2019: Đổi mới sẽ giảm tiêu cực?

Trước những giải pháp đổi mới thi THPT quốc gia 2019, những đổi thay trong việc tính điểm xét tốt nghiệp THPT, hướng ra đề… vẫn còn đó những lo lắng về việc phòng chống gian lận thi cử, bệnh thành tích trong việc nâng tỉ lệ tốt nghiệp THPT của các địa phương năm qua…


Thi THPT quốc gia 2019: Đổi mới sẽ giảm tiêu cực? - Ảnh 1.

Thay đổi kỹ thuật có giảm tiêu cực? (Ảnh minh họa)

Dự kiến nhiều thay đổi

Về công tác tuyển sinh đại học năm 2019, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) thông tin, dự kiến sẽ có 6 nội dung được điều chỉnh trong quy chế tuyển sinh năm 2019, Bộ sẽ xây dựng, xin ý kiến góp ý trước khi ban hành. Cụ thể, Bộ GD&ĐT đề xuất, các trường có sử dụng kết quả thi THPT quốc gia phải thực hiện đầy đủ tất cả các bước của quy trình xét tuyển…

Bà Phụng chia sẻ, Bộ sẽ rà soát, hoàn thiện các phần mềm xét tuyển, cơ sở dữ liệu tuyển sinh; thống nhất cơ sở dữ liệu và kết nối giữa các phần mềm; đồng thời, rà soát, bổ sung cơ sở dữ liệu chính sách về ưu tiên khu vực, ưu tiên đối tượng; tăng cường tuyên truyền, chọn ngành, hướng nghiệp cũng như giúp thí sinh biết rõ quyền lợi và trách nhiệm trong việc tham gia xét tuyển.

Đồng thời, Bộ GD-ĐT cũng dự kiến điều chỉnh chính sách ưu tiên đối với đối tượng là quân nhân. Theo đó, đối tượng quân nhân dự thi, nếu đóng quân từ 18 tháng trở lên tại nơi có sự thay đổi chính sách ưu tiên theo khu vực thì hưởng ưu tiên theo khu vực có thời gian đóng quân dài hơn. Đặc biệt, với nhóm ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề, căn cứ vào kết quả thi THPT quốc gia, Bộ GD-ĐT sẽ xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào để các trường xây dựng phương án xét tuyển. Các trường có ngành sức khỏe, xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 loại giỏi. Ngoài ra, tại quy chế tuyển sinh 2019 có thể điều chỉnh lại quy định đó là các trường tiếp nhận và lưu bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi THPT quốc gia. Đối với thí sinh đã xác nhận nhập học thì không được tham gia xét tuyển các trường khác cũng như không được xét tuyển các đợt tiếp theo.

Bà Phụng khẳng định, những dự kiến thay đổi nói trên được dựa trên Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học có hiệu lực từ ngày 1/7/2019. Bên cạnh đó là khắc phục một số bất cập của Quy chế tuyển sinh năm 2018.

Nếu những dự kiến điều chỉnh quy chế tuyển sinh nêu trên của Bộ GD-ĐT được thực hiện thì năm 2019, Bộ GD-ĐT sẽ quy định điểm sàn riêng đối với ngành Sư phạm và khối ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề để đảm bảo chất lượng tuyển sinh đầu vào.

Không say mê, đăng kí 10 nguyện vọng cũng vô nghĩa

Cùng với đó, GS.TS Phạm Hồng Quang, Giám đốc ĐH Thái Nguyên cho biết, trong kỳ thi tuyển sinh ĐH năm 2018, thí sinh ảo rất nhiều, có nhiều em có điểm trúng tuyển đăng ký vào các trường nhưng sau đó lại không nhập học. Điều này gây khó khăn cho các trường ĐH trong việc tuyển sinh. Vì vậy, Bộ GD-ĐT có thể cân nhắc cho thí sinh không đăng ký nhiều nguyện vọng. Nhằm đảm bảo chất lượng đầu vào các trường sư phạm, năm 2018, Bộ GD-ĐT đưa ra quy định điểm xét tuyển vào các trường ĐH sư phạm phải đạt 17 điểm. Tuy nhiên, qua quá trình tuyển sinh, nhiều trường đào tạo không tuyển được 50-60% chỉ tiêu. Do đó, GS.TS Hồng Quang cho rằng cần phải tính toán để vẫn đảm bảo chất lượng đầu vào cho các trường sư phạm với việc tuyển sinh vì còn tính đến yếu tố chọn lựa người say mê nghề nghiệp, phẩm chất đạo đức.

Còn ông Nguyễn Vũ Quốc Huy, trường ĐH Y Dược, ĐH Huế cho rằng, Bộ cần có thống kê cụ thể xem số lượng thí sinh đăng ký từ NV thứ 6 đến số 10 như thế nào. Nếu không đáng kể thì không cần thiết cho phép thí sinh đăng ký NV thoải mái như hiện nay. Cùng quan điểm,  GS. Phạm Hồng Quang, cũng đưa ra ý kiến nên cân nhắc việc cho thí sinh đăng ký thoải mái NV. Khi đã không đam mê, không theo đuổi thì việc cho phép các em đăng ký tới 10 NV chẳng để làm gì.

Ở góc độ chỉ tiêu, ông Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo, trường Đại học Bách Khoa Hà Nội đề xuất, Bộ GD-ĐT và các cơ quan quản lý liên quan cần xét chỉ tiêu đào tạo đối với từng ngành cụ thể để khắc phục tình trạng mất cân đối trong đào tạo giữa các ngành, nghề.

Đơn cử: Đối với khu vực miền Bắc số thí sinh tuyển sinh vào các ngành kỹ thuật và công nghệ số chiếm tỉ lệ 30%. Tuy nhiên, đối với một số ngành như cầu đường, hóa chất, luyện kim… đều là những ngành quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước lại gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh. Bởi người học có tâm lý e ngại điều kiện làm việc vất vả, đãi ngộ chưa xứng đáng nên có nhiều trường cơ sở vật chất, chương trình đào tạo những ngành này tốt thì lại không có người học. Trong khi những ngành như: Công nghệ thông tin, khoa học máy tính, cơ điện tử… lại rất đông người học nhưng trong thời gian ngắn các trường không thể cải thiện được điều kiện cơ sở vật chất, chương trình đào tạo bài bản.

Ông Điền cũng nhận định, những năm qua, các trường đã tận dụng khá tốt tính tự chủ tuyển sinh khi một số trường sử dụng kết quả thi THPT quốc gia, một số trường thì tận dụng xét học bạ hay xét tuyển dựa vào một số tiêu chí. Bởi vậy, đã đến lúc xem xét thời gian giữa các phương thức xét tuyển. Thực tế, một số trường xét bằng học bạ thì mong muốn thí sinh xác nhận nhập trước thời gian công bố kết quả thi THPT quốc gia, xét tuyển đại học, từ đó gây ra một số xáo trộn đối với thí sinh và các trường. Hy vọng, Bộ GD-ĐT sẽ xem xét thời gian nhập học và thời gian xác nhận nhập học đối với các trường trong cùng một thời điểm.

Cần dạy gì thi đó

Ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường THCS và THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) cho rằng, vấn đề là nếu chúng ta có đề thi tốt, phù hợp với trình độ học sinh thì sẽ hạn chế được tiêu cực. Do đó, phải bám vào chương trình chuẩn, dạy gì thi đó. Học đến mức độ nào thì thi mức độ đó. Hiện nay học sinh được đánh giá 70% là khá - giỏi, vậy khi thi phải ra kết quả đó. Chứ lúc học thì được 7-8 điểm, nhưng khi thi chỉ được 3-4 điểm thì rõ ràng thành tích không phù hợp với kết quả thi. Cùng với đó, theo ông Nguyễn Văn Hòa, nên đánh giá chất lượng giáo dục từ nhiều khía cạnh chứ không chỉ ở kỳ thi. Tuy nhiên từ đề thi tham khảo vừa qua, ông Hòa cho rằng Bộ GD- ĐT đã làm cho kỳ thi thực tế hơn, phù hợp hơn với học sinh, phù hợp với việc dạy và học.

Các chuyên gia giáo dục cho rằng, việc đổi mới thi THPT quốc gia 2019, trong đó có đề thi sẽ góp phần phản ánh đúng thực lực của người học. Cụ thể với môn Tiếng Anh, đề thi năm nay tương đối giống với đề thi THPT quốc gia năm 2018 về cấu trúc đề. Các câu hỏi khó nằm ở phần từ vựng, sự phân hóa nằm rõ rệt ở phần đọc hiểu. Với môn Ngữ văn, kiến thức nằm hoàn toàn trong lớp 12, mức độ khó hoàn toàn giống với đề thi năm 2018. Học sinh có thể gặp khó khăn trong việc ôn tập khi đề minh họa không xuất hiện kiến thức lớp 11. Còn với môn Sinh học, các câu hỏi kiến thức lớp 10 không khó, chỉ ở mức nhận biết và thông hiểu. Ngược lại, câu hỏi kiến thức lớp 12 có đủ 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Số lượng câu hỏi đếm của đề minh họa cũng giảm nhiều so với đề thi THPT quốc gia 2018 (từ 17/40 chỉ còn 6/40). Môn Hóa học không có câu hỏi thuộc chương trình lớp 11 và có đủ 4 mức kiến thức như môn Sinh học. Đề thi sắp xếp từ dễ đến khó và bắt đầu từ câu 73 tới 80 sẽ ở mức cực khó.

Đáng lưu ý, môn Giáo dục công dân đưa yêu cầu vận dụng thông tin thực tế. Theo đánh giá, đề thi tham khảo năm 2019 có mức độ dễ hơn so với đề thi 2018. Số câu hỏi cực khó giảm xuống 1/3 lần so với đề thi năm 2018, mức độ phức tạp của câu hỏi cũng giảm bớt. Nếu như điểm số trung bình năm ngoái học sinh chỉ đạt được khoảng 6 điểm thì với đề thi thử minh họa này, học sinh có thể đạt 7,5 - 8 điểm. Đề thi đảm bảo 70% câu hỏi dễ và trung bình để học sinh xét tốt nghiệp.

Tương tự như đề năm 2018, nội dung đề thi minh họa năm 2019 bám sát nội dung 7/9 chuyên đề thuộc chương trình GDCD lớp 12 và 1/2 chuyên đề thuộc chương trình GDCD lớp 11. Số câu hỏi vận dụng thực tế đề thi tham khảo năm 2019 là 15 câu, có xu hướng giảm so với đề thi THPT quốc gia năm 2018 là 20 câu. Các câu hỏi vận dụng tình huống thực tế đề cập các vấn đề thời sự "nóng" trong dư luận xã hội thời gian qua như: Hoạt động tổ chức đánh bạc, bảo kê, tín dụng đen, cho vay nặng lãi, sử dụng bằng đại học giả, đe dọa tính mạng...

Nhiều người hy vọng những sự điều chỉnh này được sẽ giải quyết các vấn đề tồn đọng của kỳ thi các năm trước: Đề thi năm 2017 quá dễ dẫn đến tình trạng "mưa" điểm 10, còn đề thi năm 2018 lại quá khó đến mức nhiều chuyên gia cũng gặp khó khăn để giải. Ngoài ra, theo Bộ GD-ĐT, việc điều chỉnh về độ khó và cấu trúc đề thi như vậy cũng tạo thuận lợi hơn cho thí sinh trong việc xét công nhận tốt nghiệp theo quy chế mới. Với đề thi này, thí sinh học ở mức trung bình- khá không khó để có thể đạt 6 - 7 điểm/môn thi.

Theo Uyên Na

Pháp luật Việt Nam