Thí sinh vùng cao “mù” thông tin nguyện vọng 2
(Dân trí) - Nếu ở thành phố, thí sinh chỉ vài động tác nhấp chuột là đã có trong tay hàng loạt các thông tin về tuyển sinh. Nhưng ở nhiều vùng cao, vùng xa sau kỳ thi đại học, thí sinh chỉ chờ giấy báo điểm và... chấm hết. NV2 gần như không tồn tại với họ.
Khi các thí sinh trượt NV1 đang ồ ạt chuẩn bị bước vào “cuộc đua” NV2 bằng cách cân nhắc, tìm hiểu về các nhóm trường có tuyển NV2 thì hàng chục thí sinh tại bản Liên Đình (xã Chi Khê, Con Cuông, Nghệ An) vừa dự thi đại học… vẫn đang chờ giấy báo điểm. Kết quả thi đỗ hay trượt các em chỉ biết chờ vào đúng tờ giấy báo thi, chứ rất ít em hy vọng đến NV2 vì các em mù tịt thông tin. Chỉ một vài em đã biết điểm thi bằng cách gọi điện thoại, nhưng phương tiện này không những hiếm ở vùng cao mà còn chẳng giúp được gì cho các em ở NV2.
Ở đây, các em cũng có ti vi, điện thoại nhưng lại không thể tìm được thông tin về NV2. Muốn đọc báo, các em cũng em phải ra tận Trung tâm bưu điện của xã nhưng chỉ có báo Nhân dân, báo Nghệ An. Những báo này cùng lắm chỉ có những bài viết chung chung về tuyển sinh, chứ không có thông tin cụ thể về các trường tuyển NV2. Nếu muốn vào mạng Internet, các em sẽ phải xuống thị trấn cách hàng chục cây số. Tuy nhiên, điều đó với các em là quá xa xỉ!
Thí sinh Lộc Thị Xuyến, thi vào ĐH Vinh bày tỏ với giọng Kinh vẫn còn lơ lớ: “Em được 14 điểm, trượt rồi. Giờ em muốn làm NV2 thì cũng chẳng biết trường nào tuyển. Em nghe nhiều người nói tìm qua mạng nhưng em đã vào mạng bao giờ đâu. Đến chiếc máy tính em còn chưa một lần nhìn thấy”. Vì mù tịt như thế nên Xuyến quyết định sẽ “nộp đại” NV2 vào một trong những trường không tổ chức thi có ghi trong cuốn “Những điều cần biết...” mà không hề biết điểm nhận hồ sơ xét tuyển của trường là bao nhiêu.
Xuyến cho biết, những người như em rất thiệt thòi: “May mà trong cuốn “Những điều cần biết...” có hướng dẫn cách nộp NV2, không thì bọn em cũng chịu luôn, chẳng biết nộp bằng cách nào. Giá như có nhiều thông tin, chúng em sẽ có nhiều cơ hội để đi học hơn để sau này còn về xây dựng bản làng”.
Cũng có, nhưng rất hiếm, những thí sinh “đầu tư” biết “lùng” đến Internet. Tuy vậy, họ không thể theo dõi thường xuyên, cùng lắm chỉ nhờ người xem được một hai lần chứ không thể “bám sát” được nên nhiều lắm chỉ biết được ít thông tin của vài trường tuyển NV2.
Vi Chài, thí sinh của một xã vùng cao của huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) cho biết: “Em may có người bạn ở thị trấn nên còn nhờ nó vào mạng tìm cho mấy trường tuyển NV2 để nộp hồ sơ. Nhưng mình không thể tìm hiểu kỹ lưỡng được, chỉ biết qua qua để nộp cho đỡ tiếc thôi chứ không đỗ được đâu”.
Còn biết bao nhiêu thí sinh ở vùng sâu, vùng xa có điều kiện học hết phổ thông, dự thi đại học nhưng cũng đành phải “dang dở” giữa chừng khi không đỗ vào NV1. Dù có không ít em đạt điểm thi trên sàn, cơ hội vào đại học chưa hẳn đã hết, nhưng vẫn phải “đứng ngoài cuộc”.
Hoài Nam