Thí sinh tự tin, các trường hồi hộp!
(Dân trí) - “Giờ G” của kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2007 đang đến rất gần. Trong khi hầu hết thí sinh có tâm trạng phấn chấn, tự tin để bước vào trường thi thì các trường lại bồn chồn không yên vì nỗi lo hồ sơ “ảo”.
Thí sinh Thiên Trang đến từ tỉnh Thanh Hóa hào hứng kể: Khi em nghe trên các phương tiện thông tin đại chúng nói năm nay số thí sinh trượt tốt nghiệp là rất nhiều, em đã cảm thấy tự tin hơn hẳn khi mình là một trong những thí sinh đã vượt qua được kỳ thi tốt nghiệp để dự thi ĐH.
Cùng chung tâm trạng này không chỉ là những thí sinh vừa dự thi tốt nghiệp lớp 12 mà còn là những thí sinh trượt thi ĐH năm trước, năm nay dự thi lại. Chị Nguyễn Thanh, phụ huynh của một thí sinh đăng ký dự thi vào ĐH Hà Nội và Học viện Khoa học quân sự đã đến tận báo Dân trí để hỏi về số lượng thí sinh cụ thể dự thi vào từng trường này và đã không giấu nổi sự vui mừng khi biết ở cả hai trường, số thí sinh đều sẽ giảm đáng kể so với năm ngoái. Và chị có niềm tin rằng, con chị sẽ được thi trong một không khí cạnh tranh ít quyết liệt hơn nhiều.
Trong khi thí sinh hớn hở như vậy thì các trường lại lâm vào tình cảnh như ngồi trên đống lửa. Trưởng ban chỉ đạo kỳ thi tuyển sinh, Thứ trưởng Bộ GD- ĐT Bành Tiến Long cho biết: Với tổng số hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ năm 2007 trên 1,8 triệu, trong đó số đăng ký thi ĐH là trên 1,32 triệu bộ (chiếm 71%) và số đăng ký thi hệ CĐ là trên 527.000, tăng khoảng 8% so với năm ngoái thì trong đợt thi thứ 1 và thứ 2, các trường ĐH, CĐ trong cả nước đã phải huy động 1.770 điểm thi, 39.900 phòng thi với khoảng 50.000 người tham gia công tác thi (giám thị, thanh tra, cán bộ phục vụ…).
Tuy nhiên, với trên 414.000 thí sinh trượt trong kỳ thi tốt nghiệp vừa qua, dự báo, số lượng thí sinh đến dự thi đại học sẽ thấp hơn nhiều so với mức bình quân 70% hồ sơ đăng ký dự thi của năm ngoái và số lượng thí sinh “ảo” trong năm nay sẽ cao hơn rất nhiều so với mức 30% của năm ngoái. Nhiều khả năng sẽ có một nửa số phòng thi sẽ chỉ có 1, 2 thí sinh đến dự thi.
Tại trường ĐH Nông nghiệp 1, một trong những trường được dự báo sẽ rơi vào tình trạng hứng nhiều hồ sơ “ảo” nhất, bà Nguyễn Thị Mai, phó phòng đào tạo của nhà trường cho biết: “Lo lắng nhưng vẫn phải vui vẻ chấp nhận và cái đích mà chúng tôi hướng tới là tuyển được một đầu vào thích hợp cho ngành nghề đào tạo của trường”.
Còn trưởng phòng đào tạo ĐH Giao thông vận tải thì: “Hồ sơ ảo là chuyện năm nào cũng có và ảo càng nhiều thì lỗ càng nhiều và buồn càng nhiều hơn”. Phó Hiệu trưởng ĐH Thủy lợi Phạm Ngọc Quý thở dài: “Đó cũng là nỗi buồn chung, lo lắng thì cũng chẳng để làm chi!”
Phó hiệu trưởng trường ĐH Hà Nội thì tự tin rằng, số thí sinh nộp hồ sơ dự thi vào trường ông hàng năm đều là những thí sinh đã có sự cân nhắc rất kỹ, nên số “ảo” ở ĐH Hà Nội thường không nhiều. Dù vậy, ông cũng không giấu nổi vẻ âu lo khi số phòng thi và số giám thị mà ĐH Hà Nội vừa phải huy động phục vụ cho đợt thi này lớn hơn rất nhiều so với các năm trước, trong khi số thí sinh đến dự thi giảm đáng kể là một thực tế không thể bàng quan được.
Và tâm trạng của hầu hết các Hội đồng thi tuyển sinh trong thời điểm này là hồi hộp chờ... đếm đầu thí sinh!
Nói không với “phao”
Dạo quanh chợ “phao” nổi tiếng của Hà Nội nằm trên phố Tạ Quang Bửu những ngày giáp thi này mới thấy sự “làm ăn” khá buồn tẻ của những “lái buôn” nơi đây. Một bà chủ cửa hàng to béo bán “phao” núp dưới danh nghĩa quán nước mía thở dài: “Nếu như vào thời điểm này cách đây hai năm, người mua kẻ bán ở đây tấp nập lắm, vui lắm. Từng đoàn thí sinh lũ lượt rủ nhau đi mua, không có hàng mà bán. Nay thì từ sáng đến giờ mới bán được cho em bộ đầu tiên!”
Tình cảnh của bà chủ to béo này cũng là tình cảnh của hầu hết những người bán phao trong chợ phao vốn một thời nổi tiếng “sầm uất” ở nơi đây. Ông Hương, chủ một cửa hàng cho biết: “Có lẽ nghề truyền thống của làng phao này đã bị mai một rồi (!?). Nếu như trong những năm trước, mỗi ngày nhà tôi “sản xuất” được hàng trăm bộ phao thì năm nay, lượng phao bán trong hai ngày qua rất ít, không đáng kể với chỉ vài chục bộ, không đủ vốn!”
Dù vậy, ông Hương vẫn hy vọng trong những ngày diễn ra đợt thi thứ hai là những ngày có thi những môn phải cần đến nhiều phao, “chợ” sẽ bớt vắng hơn!
Nhưng, hầu hết các sĩ tử khi được hỏi về phao thì đều lắc đầu cho biết: “Kỳ thi tốt nghiệp vừa qua cũng làm tụi em... hãi lắm rồi! Nói không thôi!” |
M.M