Bình Định:
Thí sinh băn khoăn học ngành gì để ra trường có việc
(Dân trí) - Ngoài mối lo lắng về mức học phí cao "ngất ngưởng" của một số trường, rất nhiều thí sinh tại Bình Định vẫn băn khoăn nên chọn trường nào, học ngành nghề nào để khi tốt nghiệp ra trường sẽ có việc làm…
Ngày 10/3, hơn 4.000 học sinh lớp 12 trên địa bàn tỉnh Bình Định hội tụ tại Trường ĐH Quy Nhơn (TP Quy Nhơn) tham gia chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2018 do báo Tuổi trẻ, Bộ Giáo dục - Đào tạo, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) chủ trì, phối hợp với Sở GD-ĐT Bình Định và Tỉnh đoàn tỉnh Bình Định tổ chức.
Giúp học sinh định hướng nghề tương lai
Theo nhiều giáo viên, cho đến nay, vẫn đang có không ít học sinh chưa xác định rõ ngành, nghề mình sẽ chọn, thậm chí có em không biết học ngành học đó ra làm việc gì. Do vậy, việc tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp cho học sinh không chỉ vào giai đoạn chuẩn bị làm hồ sơ mà quan trọng hơn, cần triển khai thường xuyên trong năm. Điều này giúp các em học sinh chọn ngành, nghề phù hợp với năng lực, sở trường cũng như điều kiện hoàn cảnh của mỗi gia đình.
Bà Quách Nguyễn Huyền Trân, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ (huyện Tây Sơn, Bình Định) cho biết: “Hiện tại, Ban tư vấn nhà trường đã được thành lập, gồm có 6 thành viên trong đó có lãnh đạo nhà trường và Ban chấp hành Đoàn trường. Do vậy, nhiều năm qua trường không còn cảnh từng nhóm học sinh “rủ rê” nhau vào học cùng một trường ĐH nữa. Đặc biệt, nhờ chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp, giúp các em chọn ngành phù hợp với năng lực, nhờ vậy mà tỷ lệ đỗ CĐ, ĐH tăng lên”.
Tuy nhiên, bà Trân cho rằng, bên cạnh những thông tin liên quan đến tuyển sinh, các em thực sự cần những nhà tư vấn tâm lý. Bởi sau 12 năm học, các em cần có sự lựa chọn đúng đắn nhất cho nghề nghiệp tương lai. Muốn vậy, học sinh phải hiểu được mình, biết rõ mình phù hợp với cái gì.
Em Đỗ Thành Nhân, lớp 12A1, Trường THPT Vân Canh (huyện Vân Canh) vượt hơn 50km để xuống TP Quy Nhơn tham gia chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2018. Nhân nói: “Trước đây, em cũng chỉ tham khảo thông tin tuyển sinh thông qua trang web của các trường nên chưa có định hướng cụ thể. Nhưng hôm nay, đến đây có nhiều trường tổ chức tư vấn tuyển sinh, giờ em mới nghĩ ra ngành phù hợp cho mình. Sau khi được thầy cô tư vấn, em quyết định chọn ngành xây dựng của Trường ĐH Quy Nhơn. Học trường trong tỉnh thì chi phí chỗ ăn ở sẽ thấp, phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình em, quan trọng hơn là em được gần ba mẹ”.
Học ngành gì “hot” hiện nay?
Vấn đề chọn ngành nào để khi tốt nghiệp ra trường có việc làm luôn là vấn đề quan tâm đối với các bạn học sinh, các bậc phụ huynh. Bởi vậy, các em học sinh đến chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp đều mong muốn các chuyên gia “mách nước” chọn ngành đang “hot” hiện nay.
Một nam học sinh đến từ Trường THPT số 1 Tuy Phước hỏi: “Em muốn học ngành Công nghệ thông tin (CNTT) nhưng đang băn khoăn không biết khi học xong ra trường có việc làm và học ở trường nào thì tốt hơn?”.
PGS.TS Nguyễn Văn Thư, Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh, cho biết hầu hết các trường ĐH đều đào tạo, nguồn nhân lực về CNTT ở Việt Nam thiếu đến mức mà Chính phủ đã phải ra một nghị quyết đặc biệt, ưu tiên thúc đẩy về phát triển nguồn nhân lực CNTT. Thậm chí, cho phép các trường được tuyển dụng những bạn đã học ngành khác chuyển sang học CNTT. Tuy nhiên, đây là ngành có sự cạnh tranh dữ dội vì đó là cạnh tranh cấp quốc tế.
“Nguồn nhân lực CNTT hiện nay của chúng ta là cực kỳ thiếu. Vì vậy, tôi khuyến khích bạn nào yêu thích thì nên đăng ký học ngành này. Ngoài ra, một số bạn quan tâm đến ngành logistics. Đây là ngành mới xuất hiện gần đây và đang rất nóng, nguồn nhân lực cực kỳ thiếu. Vì vậy, bạn nào quan tâm đến ngành học này thì nên đăng ký học để có thể tham gia vào lực lượng hùng hậu sau này”, ông Thư nói thêm.
Trong khi đó, trả lời về câu hỏi về ngành nào ra trường có cơ hội việc làm cao hiện nay, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM, cho rằng học ngành Sư phạm Kỹ thuật (SPKT) có cơ hội việc làm tăng gấp 3 so với nhiều ngành khác.
“Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật có 14 ngành SPKT, muốn học SPKT thì sinh viên phải đỗ vào ngành kỹ sư chuyên ngành đó. Sau 1 tháng nhập học trường sẽ thông báo chỉ tiêu sư phạm kỹ thuật, sinh viên đăng ký để được tuyển chọn. Thí sinh nào may mắn trúng ngành SPKT thì được miễn học phí. Đặc biệt, học ngành SPKT thì ra trường được cấp 2 bằng: bằng sư phạm và bằng kỹ sư. Đó là lý do, cơ hội việc làm cho các bạn học ngành SPKT là gấp 3 lần so với các ngành khác”, ông Dũng nói.
Một số hình ảnh tại buổi tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2018 tại Trường ĐH Quy Nhơn:
Giảng viên đang giải thích cho các em học sinh về mô hình lọc nước biển thành nước ngọt do các sinh viên Trường ĐH Quy Nhơn sáng chế.
Doãn Công