Thì ra đây chính là cách “giải cứu” nhà vệ sinh trường học mà phụ huynh tìm kiếm lâu nay!
(Dân trí) - Chuyên gia cho rằng nhà vệ sinh bẩn không phải là không có cách giải quyết triệt để nếu nhà trường và các bậc phụ huynh nhìn nhận đúng về việc giáo dục trẻ ý thức giữ vệ sinh chung.
Đã xây sửa nhưng vẫn “bốc mùi”
Nhà vệ sinh trường học bẩn vốn là nỗi sợ không chỉ của học sinh -người trực tiếp sử dụng mà còn là một vấn đề đầy trăn trở với những người chịu trách nhiệm quản lý từ phía nhà trường. Nhận thấy được những hạn chế trong cơ sở vật chất, suốt nhiều năm qua, nhà trường đã thực hiện nhiều công tác cải thiện đáng kể nhà vệ sinh trường học. Chỉ trong năm học 2018-2019, cả nước có 60.000 nhà vệ sinh học đường được xây mới, tăng tỉ lệ nhà vệ sinh đạt chuẩn ở bậc Tiểu học lên đến 60% vào năm 2019.
Tuy nhiên nhiều nhà vệ sinh dù đã được xây sửa, duy trì với kinh phí lớn cũng không thoát cảnh bốc mùi, bị xa lánh mà nguyên nhân chính đến từ hành động thiếu ý thức của học sinh hàng ngày.
Chẳng khó để thấy cảnh tượng học sinh tiểu học nghịch giấy, vứt rác lung tung, vẫy nước tung tóe trong nhà vệ sinh hay không xả nước, giẫm chân lên bồn cầu… Tất cả đã góp phần khiến nhà vệ sinh ngày một tồi tệ, dẫn đến việc nhiều trẻ thà nhịn cả ngày dài chứ không dám bước vào. Một khảo sát tại Anh năm 2019 chỉ ra rằng có hơn nửa triệu học sinh nhịn uống nước để không phải đi vệ sinh và 19% học sinh trên 1500 trường cho rằng rằng nhà vệ sinh trường học là một nơi “không an toàn”, “bẩn”.
BS. CKI. Hoàng Quốc Tưởng (Bệnh viện Nhi Đồng 2) cho biết: “Tâm lý “sợ hãi” đeo bám các con chính là nguồn cơn gây ra những vấn đề sức khoẻ như nhiễm khuẩn tiêu hoá, đau bụng, táo bón, nặng nề hơn là rối loạn tâm lý sợ đi học của trẻ. Đó là chưa kể những bệnh nhiễm khuẩn nguy hiểm như vi khuẩn Salmonella, vi khuẩn Shigellosis hoặc nhiễm E.coli… từ nhà vệ sinh làm ảnh hưởng đến sức khỏe của các con”.
Tuy là một khu vực nhỏ trong trường, nhà vệ sinh lại mang đến nhiều hệ lụy nếu không được bảo vệ đúng cách. Chia sẻ về vấn đề này, chị Thủy Anh - vợ ca sĩ Đăng Khôi đưa ra ý kiến: “Không thể chỉ đến từ trách nhiệm hay cơ sở vật nhà trường khi mà sau 30 năm phát triển, chắc chắn điều kiện phải tốt lên đáng kể. Trong khi đó, một điều rất quan trọng là nâng cao ý thức của học sinh lại được ít người để tâm đến”. Bởi vậy, nếu chỉ mãi tranh cãi, quy trách nhiệm cho nhau thay vì tìm giải pháp để thay đổi ý thức học sinh, có lẽ công cuộc cải tiến nhà vệ sinh, đảm bảo sức khỏe cho trẻ em sẽ còn phải đợi rất lâu mới có thể hoàn tất.
Học đường sạch khuẩn đến từ ý thức của học sinh
Theo Bác sĩ Hoàng Quốc Tưởng, cách giải quyết triệt để vẫn là phải thay đổi từ gốc rễ, giải tỏa được tâm lý cho các con bằng cách thay đổi thói quen và rèn luyện những kỹ năng cần thiết trước khi đến trường.
“Cha mẹ hãy cho con tham gia vào công việc dọn dẹp nhà vệ sinh với vai trò phù hợp để con làm quen với những công việc này. Những lúc như vậy phải cố gắng giải thích lý do về tầm quan trọng của việc vệ sinh cá nhân cũng như giữ vệ sinh môi trường sống” - Bác sĩ Tưởng chia sẻ. Thật vậy, thói quen của trẻ không thể hình thành ngày một ngày hai mà cần có sự kiên trì giáo dục lâu dài từ phía gia đình và nhà trường. Giáo viên dạy trong các buổi sinh hoạt ngoại khóa, bố mẹ nhắc nhở con mỗi ngày sẽ dần gieo vào tâm trí bé những hạt mầm bền vững của ý thức tốt.
“Chia việc giữ gìn vệ sinh thành các giai đoạn nhỏ cho dễ nhớ. Ví dụ đi xong phải đóng nắp bồn rồi mới xả nước, sau đó vứt giấy đúng chỗ, rồi rửa tay đủ các bước với xà phòng. Hãy bật chế độ khen thưởng khi trẻ làm tốt để trẻ cảm thấy có động lực để duy trì những thói quen tốt. Vì tập được đã khó, duy trì nó thành thói quen càng khó hơn” - bác sĩ Tưởng tiếp tục “hiến kế”. Bằng những cách này, ý thức học sinh sẽ dần thay đổi, tình trạng nhà vệ sinh bẩn cũng từ đó mà cải thiện, mang lại sức khỏe, sự an toàn cho chính các em khi đến trường.
Song song đó, cơ sở vật chất của nhà trường vẫn phải được quan tâm cải thiện, duy trì định kỳ. Chung tay cùng nhà trường, từ năm 2008 đến nay, trong “Hành trình Nhà vệ sinh sạch khuẩn”, nhãn hàng Vim đã xây dựng, sửa chữa và nâng cấp 1.030 nhà vệ sinh trường học; song song triển khai nhiều hoạt động giáo dục, tuyên truyền và nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh cho hơn 200.000 học sinh khắp mọi miền đất nước.
Có sự phối hợp nhịp nhàng như thế từ gia đình, nhà trường và xã hội, nhà vệ sinh trường học nói riêng và học đường nói chung sẽ ngày một sạch khuẩn, xóa tan nỗi ám ảnh “trường kỳ” của học sinh, mang lại tương lai vui khỏe, an toàn cho các bé.