“Thi cử văn minh là thi cử không áp lực “

“Sinh viên quốc tế tham gia cuộc thi này nhận được nhiều điều hơn cả những tấm huy chương. Đó không phải là cuộc thi đầy áp lực. Thi cử văn minh là thi cử không áp lực”.

Đó là chia sẻ của Trịnh Phương Thu, sinh viên năm thứ nhất, hệ Cử nhân tài năng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội. Phương Thu là một trong bốn sinh viên vừa trở về từ cuộc thi Toán quốc tế lần thứ 17 tại Bulgaria.

“Cuộc dạo chơi” của sinh viên 44 quốc gia
 
Tham dự cuộc thi Toán quốc tế lần thứ 17 này có đại diện của 94 trường đến từ 44 quốc gia. Cuộc thi chính thức diễn ra trong hai ngày và bên cạnh đó còn có không ít ngày để sinh viên các nước tham gia giao lưu, kết bạn, thăm tu viện, leo núi, ngắm nghía những khung cảnh đẹp xinh của thành phố Blagoevgrad, tổ chức tiệc và học hỏi lẫn nhau... Phương Thu nói rằng: “Trong buổi tiệc cuối cùng, có những đoàn say sưa giao lưu đến 2 giờ sáng mới lục tục kéo về phòng”.

Đoàn Việt Nam có 4 sinh viên là: Triệu Quang Phong, Hoàng Đức Trung, Đoàn Nguyên Nhựt và cô gái duy nhất Trịnh Phương Thu đều là sinh viên hệ Cử nhân tài năng, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội. Trong số 4 bạn này thì Hoàng Đức Trung là người tích cực tham gia giao lưu nhất. Cậu ấy chạy hết từ nhóm Ukraina sang nhóm Mỹ, Nga. Sau chuyến đi, cậu ấy thu thập được một lượng không nhỏ tiền xu kỷ niệm từ bạn bè các nước sau khi đổi bằng tiền Việt Nam.

“Thi cử văn minh là thi cử không áp lực “ - 1

Phương Thu nói, thích nhất là nhìn các bạn sinh viên từ các quốc gia ăn mặc đẹp và phóng khoáng. Buổi phát giải trở nên vui nhộn hơn khi có sự xuất hiện của một cô bạn sinh viên người Mỹ mặc quần soóc, áo hai dây mỉm cười thật tươi tắn. Bạn ấy cười rất tươi vì biết rằng, mình đã thất bại trong cuộc thi này với số điểm 0 tròn trĩnh và biết thêm rằng mình cần phải học những gì cho cuộc thi tiếp theo.

 Thi cử không áp lực

Thi cử ở Việt Nam thường căng thẳng và nhiều áp  lực, nhưng với một cuộc thi quy mô thế giới như thế này, ban tổ chức lại rất biết cách tạo hứng thú và tâm lý thoải mái cho sinh viên. 329 sinh viên của các nước được chia ra nhiều phòng thi đánh số theo tên. Nhưng ban tổ chức nói rằng, không nhất thiết phải quy định chặt chẽ bao nhiêu người một phòng. Thậm chí, bạn có thể lựa chọn một phòng thi khác, một chỗ ngồi khác nếu bạn thấy thoải mái hơn và có thể làm bài tốt hơn. Phương Thu đã chia sẻ rất hào hứng về điều đó.

Phòng thi của Phương Thu, trong buổi thi thứ 2 đột nhiên bị… mất điện và chưa có cách nào để khắc phục được. Thầy giám thị hỏi ý kiến cả phòng là: Chúng ta có thích giải Toán trong ánh sáng yếu ớt này không? Và nếu không, các bạn có thể cùng tôi khiêng bàn ra sảnh ngồi… cho thoáng đãng. Cuối cùng thì ban tổ chức cũng tìm được một phòng thi mới với đầy đủ ánh sáng và quyết định bù thêm 20 phút cho cả phòng.

Đề thi cũng là một yếu tố khiến Phương Thu thấy việc thi cử hết sức thoải mái. Mỗi ngày, các thí sinh có 5 bài thi. Ngày đầu tiên, ban tổ chức đưa ra 2 bài dễ, 2 bài trung bình, 1 bài khó. Ngày thứ hai, cấp độ tăng dần: 2 bài dễ, 1 bài trung bình và 2 bài khó. Phương Thu bảo, đề thi bằng tiếng Anh trông không khác các bài toán cấp 3 nhưng phải vận dụng kiến thức linh hoạt của bậc đại học. Vì là sinh viên năm thứ nhất, có những mảng kiến thức chưa từng được học nhưng Phương Thu cùng các bạn vẫn cố gắng để hoàn thành tốt nhất bài thi của mình.

Điều đặc biệt là, trước ngày diễn ra buổi thi chính thức, các giáo sư, trưởng đoàn các nước đều được triệu tập để duyệt đề thi. Điều ấy có nghĩa là, các đội đều hoàn toàn có thể biết trước các câu hỏi sẽ đến với mình trong ngày thi hôm sau. Bởi các giáo sư sau khi duyệt đề vẫn có thể trở về phòng, ăn tối cùng đoàn, trao đổi cùng sinh viên của mình. Chỉ có điều, trưởng ban tổ chức của cuộc thi nói rằng, chúng tôi không “nhốt” các giáo sư lại, cũng không cấm họ sử dụng điện thoại di động. Chúng tôi tôn trọng tinh thần tự giác của tất cả các đội tuyển quốc gia.

Theo Sinh Viên Việt Nam