Thế nào là “trường quốc tế”?
Báo chí đã không ít lần giới thiệu chương trình giảng dạy, điều kiện nhập học và giá trị văn bằng của các trường trung học và tiểu học được gọi là trường “quốc tế” tại TPHCM.
Các thông tin này rõ ràng là hữu ích cho phụ huynh và học sinh trong việc chọn trường để theo học. Nhưng thế nào là "quốc tế" (QT), xét chuẩn ra sao, bản thân từ "QT" có đúng không?
Trước hết “quốc tế” (international) ở đây là từ mà các trường ấy “tự phong” cho mình, chứ không qua một sự thẩm định hay cấp danh của một tổ chức nào cả.
Từ QT ở đây lại càng không có nghĩa là chương trình giảng dạy và văn bằng của họ được mọi trường đại học trên thế giới thừa nhận (giá trị). Học sinh của họ cũng không được đương nhiên vào học tại các trường nước ngoài mà không cần qua thi cử.
Thật ra không có một chương trình trung học hay đại học nào được gọi là chương trình QT để mọi trường đại học trên thế giới chấp nhận, mà mỗi trường đều có tiêu chuẩn riêng.
Từ QT ở đây nên được hiểu là tất cả hay một số môn học được giảng dạy bằng Anh ngữ, chương trình có thể được mô phỏng theo chương trình của một trường nào đó ở Úc, Anh hay Mỹ, và có thể “chỉ dành cho học sinh người nước ngoài” hay “học sinh người nước ngoài có thể theo học” (nên biết rằng không có một chương trình trung học chung cho mọi trường trung học ở Mỹ). Chỉ có nghĩa như thế thôi.
Nếu xin vào học tại các trường đại học thì học sinh của các trường QT này cũng bình đẳng với học sinh của bất kỳ trường trung học nào ở VN, nghĩa là phải đáp ứng mọi yêu cầu cụ thể của trường đại học mà họ muốn xin vào.
Ở Mỹ có khoảng 4.000 trường cao đẳng và đại học mà mức độ dễ, khó để xin vào học có thể được tổng quát như sau: dễ xin vào nhất là các trường đại học cộng đồng hai năm mà chưa được thừa nhận giá trị hay chưa có liên thông với một số đại học bốn năm có uy tín. Với loại trường này, mọi học sinh trường QT đều xin vào được, còn học sinh trường VN thì cần thêm chứng chỉ Anh ngữ như TOEFL từ 400 điểm trở lên.
Nhưng học ở đây sau hai năm lại khó xin vào học tiếp ở các trường đại học bốn năm có uy tín. Tiếp theo là các trường đại học cộng đồng đã được thừa nhận giá trị hay có liên thông với một số trường đại học bốn năm có uy tín.
Với loại trường này thì học sinh tại các trường QT có thể được miễn nộp chứng chỉ Anh ngữ, nhưng phải nộp điểm bài thi SAT I (Scholastic Assessment Test) hay ACT (American College Testing). Học sinh trường VN thì ngoài SAT I hay ACT, còn phải có chứng chỉ Anh ngữ như TOEFL điểm từ 430 trở lên.
Thứ ba là các trường đại học bốn năm thì ngoài điểm thi SAT I hay ACT, có trường cho học sinh trường QT miễn nộp chứng chỉ Anh ngữ, nhưng cũng có trường buộc học sinh mà ngôn ngữ chính không phải là Anh ngữ, dù có học trung học bằng Anh ngữ đi nữa, cũng phải có điểm TOEFL trên 550 theo paper version hay trên 213 theo computer version.
Các trường này hoặc tự mình hay thuê công ty tư vấn thẩm định giá trị của chương trình học và văn bằng của mọi ứng viên học trung học ở ngoài nước Mỹ, bất kể là học trường QT hay trường nào.
Chẳng hạn Trường Georgia State University buộc mọi ứng viên học trung học ở ngoài nước Mỹ phải nộp đơn và trả tiền cho Công ty tư vấn giáo dục Josef Silny - Associates để công ty này thẩm định học bạ, điểm số và văn bằng của ứng viên và thông báo kết quả cho Georgia State University (dưới dạng gọi là official credential evaluation for international academic documents). Đó là chỉ mới nộp đơn, còn có được nhận vào hay không thì... chưa biết.
Loại thứ tư là các đại học hàng đầu của Mỹ như Princeton, Stanford, Harvard, Yale, Brown, MIT, Caltech, Gatech... Đây là những trường khó xin vào học nhất nước Mỹ. Chẳng hạn với Gatech (Georgia Institute of Technology) thì buộc mọi ứng viên học trung học ở ngoài nước Mỹ, dù học trong môi trường Anh ngữ đi nữa, cũng phải có điểm TOEFL từ 600 trở lên theo paper version hay trên 250 theo computer version, hoặc điểm 4 trở lên với bài thi College Board Advanced Placement International English Language; còn SAT I phải từ 1.300 điểm trở lên mới được xét đơn.
Tóm lại, học sinh trường QT có ưu thế là quen sử dụng tiếng Anh nhưng không phải vì thế mà dễ dàng muốn vào trường đại học nào ở Mỹ cũng được, trong khi học sinh trường VN không phải là quá khó để xin vào đại học Mỹ. Vấn đề là phải biết chuẩn bị ít nhất là ba năm ở cấp THPT. Chẳng hạn với sức học trung bình trở lên mà biết chuẩn bị sớm sao cho vào cuối học kỳ I lớp 12, thi TOEFL được từ 500 điểm trở lên và thi SAT I được khoảng 1.050 trở lên thì có thể xin vào được một số trường đại học tương đối khá.
Còn với những học sinh VN có thành tích học tập xuất sắc như có vị thứ trong 5% đầu lớp, được giải thưởng quốc gia, QT và biết cách chuẩn bị để có điểm TOEFL từ 600 trở lên, SAT I từ 1.400 trở lên thì có thể được chọn vào các trường hàng đầu của Mỹ như Princeton, Harvard...
Như vậy, các bạn trẻ không nên quá bận tâm về các tên gọi QT do các trường sử dụng. Riêng vấn đề “văn bằng được QT công nhận” thì cũng thế thôi: không có một chuẩn chung nào để đánh giá bằng cấp, mặc dù thế giới đã có nhiều nỗ lực nhằm giải quyết vấn đề này. Thực tế là giá trị của một văn bằng thường tùy thuộc giá trị của cơ quan, thường là đại học cấp văn bằng ấy...
Theo Lê Tự Hỷ
Tuổi trẻ
Tác giả bài viết là thân phụ anh Lê Tự Quốc Thắng - huy chương vàng Olympic toán học quốc tế 1982, hiện là giáo sư (thực thụ) tại Georgia Institute of Technology, Mỹ.