Thế hệ trẻ tài năng dấn thân giải quyết vấn đề xã hội hiện hữu
(Dân trí) - Dù mới 12 tuổi, Kiều Nữ Ngân Hà cùng nhóm ICSAD đã trở thành yếu tố bất ngờ khi vượt qua nhiều đối thủ, là á quân bảng A - Solve for Tomorrow 2023 với đề tài "Robot giám sát cây trồng sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI)".
Câu chuyện từ vườn rau của bác
Ý tưởng về sản phẩm "Robot giám sát cây trồng sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI)" đến với Ngân Hà sau khi thăm vườn rau được trồng bằng phương pháp thủy canh của bác. Nhận thấy hạn chế của việc chăm sóc vườn rau theo cách thủ công, Hà đã nghĩ đến việc ứng dụng công nghệ AI và IoT vào việc chế tạo robot để giám sát và chăm sóc vườn rau tự động.
Ngân Hà cùng 3 bạn Đặng Thùy Dương, Trần Hoàng Đức và Đào Thu Ngân, cùng học lớp 7E, đồng thời là thành viên câu lạc bộ STEM của trường THCS Lý Tự Trọng - Hòa Bình, thành lập đội thi ICSAD (ICSAD: Innovation and Creativity for Sustainable Agricultural Development - Đổi mới và sáng tạo vì sự phát triển nông nghiệp bền vững), tiến tới hiện thực hóa ý tưởng với sự giúp đỡ của thầy giáo hướng dẫn.
Trần Hoàng Đức chia sẻ: "Nói về STEM thì đây không chỉ là một môn học mà còn là nơi của chúng em có thể thoải mái cùng nhau sáng tạo ra các sản phẩm mang lại giá trị vượt xa tưởng tượng và có thể giúp ích cho cộng đồng. Đây cũng là lý do mà nhóm chúng em được thành lập".
Mô hình robot ra đời được thử nghiệm trên chính vườn rau của bác bạn Ngân Hà. Robot giúp thực hiện các nhiệm vụ quan sát sự trưởng thành của cây trồng, phản hồi các thông tin thu thập về hệ thống máy chủ. Đồng thời, robot sẽ thực hiện các yêu cầu của con người như tưới nước, phun thuốc trừ sâu,...
Mô hình sản phẩm được phát triển và dần hoàn thiện để vượt qua hàng nghìn bài dự thi khác từ khắp cả nước và lọt vào top 5 dự án xuất sắc của khối THCS, tham gia tranh tài tại Vòng chung kết Solve for Tomorrow 2023 diễn ra tại Hà Nội ngày 25/11.
Tại đây, những cô bé, cậu bé "tuổi teen" đã bình tĩnh, tự tin trình bày ý tưởng cũng như vận hành mô hình sản phẩm của mình. Bên cạnh việc trình bày các yếu tố về sản phẩm và cách thực hiện dự án, các em còn thuyết phục ban giám khảo bằng các kỹ năng thuyết trình, phản biện, làm việc nhóm và quản lý thời gian.
Tuy là nhóm thí sinh nhỏ tuổi nhất nhưng ICSAD không tỏ ra lép vế và kết thúc hành trình Solve for Tomorrow 2023 thành công ở vị trí á quân bảng A (khối THCS), đồng thời cũng mở ra chặng đường mới đầy hứa hẹn về giải pháp cho tương lai, hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững như chính ý nghĩa tên gọi của đội.
Giải pháp từ những "chủ nhân tương lai"
Là những "chủ nhân tương lai" của đất nước, nhưng những học sinh tham gia Solve for Tomorrow như đội thi ICSAD đã chứng minh rằng các em có thể làm được nhiều điều ở thời điểm hiện tại bằng nền tảng kiến thức STEM cùng tinh thần trách nhiệm với xã hội.
Cùng với "Robot giám sát cây trồng sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI)", Solve for Tomorrow 2023 cũng ghi nhận nhiều dự án xuất sắc khác, đặc biệt là "Nghiên cứu, thiết kế và chế tạo Agro Robot - Theo dõi, giám sát, đánh giá tình trạng sức khỏe của đất chuyên trồng lúa nước tại huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang" của đội Khóm Cầu Đúc - Hậu Giang, trường THCS Thuận An - Hậu Giang (giải nhất Bảng A) và dự án "MedIQ - Hộp y tế thông minh ứng dụng nền tảng IOT và hệ thống phần mềm quản lý" của đội Mindful Medical Brand, trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam - Hà Nội (giải nhất Bảng B).
Chia sẻ tại lễ trao giải Solve for Tomorrow 2023, ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam cho biết: "Đây là lúc Việt Nam cần đẩy mạnh giáo dục STEM nhằm gia tăng năng lực cạnh tranh của quốc gia. Samsung sẽ đồng hành với Việt Nam và nỗ lực triển khai các chương trình phát triển nhân lực công nghệ như Solve for Tomorrow, Samsung Innovation Campus…".
Với tầm nhìn đó, tập đoàn Samsung đã triển khai cuộc thi Solve for Tomorrow từ năm 2010 tại Hoa Kỳ và đến nay đã có mặt ở 64 quốc gia. Cuộc thi dành cho học sinh lứa tuổi 12 đến 18 nhằm khuyến khích các em ứng dụng kiến thức giáo dục STEM khắc phục các vấn đề xã hội hiện hữu.
Tại Việt Nam, cuộc thi được bắt đầu triển khai từ năm 2019 và không ngừng mở rộng quy mô trong 5 năm qua, đóng góp vào việc phổ cập STEM ở bậc THCS và THPT tại Việt Nam. Đến nay, chương trình đã thu hút được sự tham gia của hơn 300.000 học sinh và giáo viên, đồng thời nhận về gần 5.200 bài dự thi.
Trong đó, tính riêng năm 2023, con số này lần lượt là 150.000 học sinh và giáo viên, 2.266 bài dự thi - tăng gấp đôi so với năm 2022.
"Sự gia tăng về số lượng và chất lượng các bài dự thi Solve for Tomorrow là một tín hiệu tích cực để chúng ta hy vọng vào thế hệ trẻ không chỉ tài giỏi về công nghệ mà còn là những người có trách nhiệm với xã hội, nhìn ra các vấn đề hiện hữu và dấn thân vào việc tìm giải pháp giải quyết những vấn đề đó vì một xã hội tốt đẹp hơn", đại diện ban tổ chức chia sẻ.