THCN - THPT: Một sự nhầm lẫn đáng tiếc?

(Dân trí)- Sau bậc THCS thì THPT, THCN và trường nghề là 3 loại trường đào tạo có vị trí ngang nhau cho học sinh có có thể lựa chọn trước khi đặt chân đến con đường thi đại học.

Tuy nhiên, từ trước đến nay, không mấy học sinh hiểu được lộ trình này nên đã tiêu tốn thời gian cũng như tiền bạc một cách hết sức vô nghĩa. Hậu quả của sự nhầm lẫn này là vị trí của THCN luôn “rớt” thứ hạng một cách thảm hại.

 

Rất bức xúc, một cán bộ thuộc phòng đào tạo của trường CĐ Nông Lâm nhận xét: "Bộ khuyến khích 50% số học sinh học hết bậc THCS thi lên bậc THCN, nhưng lại vẫn cho mở các truờng THPT dân lập tràn lan bên cạnh hệ thống trường THPT công lập vốn đã rất hùng hậu, vì vậy còn đâu thí sinh dành cho chúng tôi nữa! Mà cạnh tranh thì THCN muôn đời cũng không thể thắng nổi!".

 

Trên thực tế, học sinh thi tốt nghiệp THCS xong là ồ ạt tiến đến các trường THPT và sau đó là các trường ĐH. Nếu trượt ĐH thì mới nhớ đến bậc… THCN, trong khi nếu học xong bậc THPT rồi mới quay lại học tiếp bậc THCN thì lãng phí ít nhất là 5 năm: 3 năm THPT và 2 năm THCN!

 

Vì thế, hệ THCN được đánh đồng với “đầu ra” của bậc THPT- một đầu ra khi thí sinh…cùng đường, trượt ĐH, trượt CĐ và không còn bất kỳ sự lựa chọn nào khác! Ít người hiểu được rằng hệ THCN tương đương với hệ THPT và học sinh hoàn toàn có thể học qua hệ này rồi thi lại ĐH, CĐ mà không hề có bất kỳ sự khác biệt nào!

 

Rõ ràng, nếu học học xong THCN,  sau đó trượt ĐH hoặc CĐ thì vẫn có trong tay một nghề như của để dành! Nhất là khi với cơ chế đào tạo liên thông giữa các bậc THCN, CĐ, ĐH đang được triển khai tại 10 trường ĐH, CĐ, THCN trong cả nước, thì cơ hội vào ĐH ở bậc THCN còn dễ dàng hơn nhiều so với cơ hội vào ĐH ở bậc THPT. Tuy đào tạo liên thông vẫn còn trong thời gian thí điểm nên việc thực hiện cũng chưa mấy suôn sẻ, nhưng trong một tương lai gần, đào tạo liên thông sẽ trở thành một con đường mới và là một con đường “cởi mở” hơn nhiều so  với con đường đại học đầy gian truân như hiện nay.

 

 

Châu Bi