Thầy trò “đánh vật” với chương trình phân ban

(Dân trí) - Hình thức dạy học phân ban đang gây nhiều tranh cãi. Có người còn kiến nghị nên bỏ hẳn. Bộ GD-ĐT cũng nhận định chương trình này thiếu linh hoạt. Nhưng phải ít nhất sau năm 2015, Bộ mới có thể thực hiện cách học đang được áp dụng ở nhiều nước tiên tiến: dạy học tự chọn.

Đổ xô về ban cơ bản

 

Thầy Lê Quốc Hùng, hiệu trưởng trường THPT Vũng Tàu cho biết: “Nếu nhà trường không vững vàng động viên và thuyết phục thì có lẽ hầu hết học sinh ban tự nhiên sẽ chuyển sang ban cơ bản để học nâng cao theo các khối thi đại học”. Cũng tại trường này, hàng năm không có quá 18 học sinh thi đại học khối C.

 

Nhận định của các trường THPT tại Hội nghị về tình hình thực hiện phân ban THPT do Ủy ban Văn hóa, giáo dục thanh thiếu niên, nhi đồng tổ chức tại TPHCM vào ngày 25-26/12 cũng cho thấy, phụ huynh - học sinh thích chọn học ban khoa học tự nhiên và ban cơ bản để rộng đường vào đại học.

 

Dù là chọn ban cơ bản thì học sinh cũng chọn học nâng cao Toán, Lý, Hóa. Trong khi đó, những học sinh vào ban KHXH&NV thường là những em không đủ sức vào những ban khác.  Sự “ghẻ lạnh” những môn xã hội đang làm nhiều nhà giáo hết sức đau đầu vì đây là môn công cụ của học sinh.

 

Tỷ lệ học ban KHXH&NV chỉ chiếm 6,47%, cao nhất là tỷ lệ của ban cơ bản: 73,76%, ban tự nhiên: 19,77%. Đây là thống kê của Bộ GD-ĐT với hơn 1,1 triệu học sinh lớp 10 năm học 2006-2007 ở 64 tỉnh thành.

 

Sự ra đời vội vàng của ban cơ bản cũng khiến nhiều thầy cô lo ngại. Theo thầy Hùng, sau 2 năm kết thúc việc thí điểm phân ban, lẽ ra phải công bố chương trình bị phá sản và phải thiết kế lại nhưng rất may là nảy ra sáng kiến là thêm ban cơ bản. Thầy kiến nghị nên bỏ chương trình phân ban để thiết kế và xây dựng lại một chương trình phổ thông vừa khoa học vừa mang tính đặc trưng của Việt Nam và hội nhập với chương trình tiên tiến của thế giới.

 

Thầy trò “đánh vật” với chương trình

 

“Cách đây 10 năm, chỉ có 30% học sinh bị cận thị thì giờ đã lên đến 70%”, thầy Lê Quốc Hùng dẫn chứng cho hậu quả của việc thầy trò cùng gồng gánh con chữ: “Chương trình không khoa học, mang nặng cảm tính và áp đặt, vừa hời hợt vừa quá tải. Bắt học sinh học cùng lúc nhiều môn mà lại học không đến nơi đến chốn. Học sinh phải gồng mình gạo bài, học theo bài mẫu… không còn thời gian để ngấm và nhớ lượng kiến thức khổng lồ và lủng củng, không còn thời gian làm thí nghiệm, thực hành, vận dụng kiến thức vào đời sống, vui chơi giải trí, rèn luyện sức khỏe, thể lực”.

 

Trong khi đó, theo lời cô hiệu trưởng Nguyễn Thị Thu Cúc, trường THPT Gia Định, thì nhiều thầy cô khen nội dung phân ban hay thì thật là hay nhưng “lượng kiến thức quá nhiều cho một năm học và cả cấp học”. So với yêu cầu kiến thức phổ thông thì nội dung khá nặng lý thuyết và quá chuyên sâu.

 

Vì thế trong quá trình học, các em bộc lộ sự mệt mỏi và đuối sức. Còn giáo viên và ban giám hiệu thì vất vả theo đuổi chương trình học nên việc đầu tư cho giáo dục đạo đức, huấn luyện nhân bản hay định hướng nghề nghiệp gặp nhiều khó khăn.

 

Dẫu Bộ GD- ĐT đã biết và nhận định rằng chương trình phân ban hiện nay là thiếu linh hoạt. Tuy nhiên, để chuyển sang cách học mới đang được nhiều nước tiên tiến trên thế giới áp dụng thì phải chờ đến sau năm 2015 đã.

 

Bộ nhận định: “Trong giai đoạn này chưa thể tổ chức dạy học phân hóa chỉ bằng hình thức dạy học tự chọn, mà phải kết hợp phân ban với tự chọn”. Lí do để chọn cách học này là là không đòi hỏi số lượng giáo viên và cơ sở vật chất quá cao so với khả năng giải quyết hiện nay của ta.

 

Hình thức dạy học tự chọn ra đời vào khoảng thế kỉ XIX và ngày càng phát triển, đặc biệt ở Hoa Kỳ. Mọi học sinh phải học một số học cốt lõi (hay còn gọi là môn học bắt buộc). Ngoài ra, học sinh có thể chọn học một số môn khác theo năng lực, nguyện vọng cá nhân.

 

Hoặc có hình thức tự chọn khác là: có chương trình chuẩn và chương trình nâng cao. Nếu phân ban hướng đến các nhóm lớn học sinh với khả năng, sở thích, nhu cầu, điều kiện học tập giống nhau thì dạy học tự chọn hướng đến từng cá nhân học sinh.

 

Cách dạy học tự chọn được đánh giá là phân hóa triệt để nhất vì mang đến cơ hội lựa chọn cho từng người học.

 

Những khó khăn mà Bộ GD-ĐT đưa ra khi áp dụng cách học này là cần nhiều thời gian để xây dựng chương trình, biên soạn tài liệu, sách giáo khoa, chuẩn bị đội ngũ giáo viên để dạy theo nhóm (khoảng 10 học sinh/giáo viên, hiện có 25 học sinh/giáo viên)… Trong khoảng thời gian chờ đợi, thầy cô và học sinh vẫn phải tiếp tục chiến đấu với bao rắc rối từ chương trình phân ban.

 

Hiếu Hiền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm