Thầy Tâm có tấm lòng vàng

Dù chưa tốt nghiệp đại học và đôi mắt nhìn không rõ nhưng thầy Phan Công Tâm ở tỉnh Tây Ninh đã truyền kiến thức cho hơn 4.000 người, trong đó nhiều người thành tài, nắm giữ chức vụ quan trọng.

Nếu không được giới thiệu, nhiều người dễ nhầm thầy Phan Công Tâm (SN 1957) với một lão nông bởi vóc người nhỏ nhắn, nước da đen cháy, tay chân nhiều vết sẹo, đôi chân trần như đôi gỗ lũa hiếm khi nào xỏ giày dép. Ấn tượng hơn cả chính là nụ cười như trẻ thơ của thầy có thể đánh tan mọi e ngại với người lạ.

Hạnh phúc vì đọc được sách

Đến khu phố 4, thị trấn Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh, hỏi thầy Tâm dạy Anh văn, vi tính thực hành ở cửa 6 chùa Tòa Thánh thì không những chỉ đường, người dân nơi đây nhiều khi còn đưa khách phương xa đến tận nơi.

Thầy Phan Công Tâm đã giúp đỡ nhiều học trò nghèo, học trò cá biệt đạt thành tích cao trong học tập
Thầy Phan Công Tâm đã giúp đỡ nhiều học trò nghèo, học trò cá biệt đạt thành tích cao trong học tập.

Ngôi nhà cấp 4 tuềnh toàng của thầy Tâm nằm trong một con hẻm nhỏ, khá dễ tìm. Nơi rộng nhất của căn nhà kê được 4 dãy bàn, có  sức chứa từ 15-20 học viên, được trưng dụng cho lớp Anh văn. Một lớp phụ, nhỏ hơn, kê được 2 dãy bàn nữa, để dành cho những lớp ít người hoặc để thầy kèm mấy đứa cháu. Còn lại phòng khách dùng làm phòng học vi tính. Nhìn căn nhà nhỏ giống như những lớp học bình dân học vụ trước năm 1975, chỉ khác là lớp có đầy đủ đèn điện, quạt máy. Trong căn nhà nhỏ, thầy Tâm tất bật chạy qua chạy lại giữa các lớp với trình độ học viên và bài giảng khác nhau.

Thầy Tâm kể năm 14 tuổi, tưởng như bị mù vĩnh viễn vì một căn bệnh quái ác mà lúc đó ở Việt Nam chưa thể chữa trị. Hay tin, họ hàng, bà con lối xóm, bạn bè… mỗi người một ít gom góp tiền cho Tâm đi mổ mắt ở nước ngoài. Thoát cảnh mù nhưng thị lực quá yếu, Phan Công Tâm phải đọc sách trong tư thế cầm quyển sách gí sát vào một bên mắt. Tuy vậy, thầy luôn cảm thấy may mắn vì còn thấy được ánh sáng. Thầy đọc say sưa tất cả những gì gọi là sách, là chữ… vì sợ rằng chỉ sau một đêm thức dậy, mình sẽ không còn được cầm quyển sách.

Năm 1975, thầy Tâm vừa học hết năm thứ nhất đại học sư phạm thì đất nước giải phóng. Cha bệnh rồi mất. Mẹ cũng mang trọng bệnh. Là con út, thầy đành bỏ học để chăm sóc mẹ già. Thế nhưng, việc học đối với thầy Tâm chưa bao giờ ngừng lại. Thầy mượn tài liệu chương trình đại học của bạn tự học tại nhà đồng thời học thêm lớp đông y do Hội Y học Dân tộc cổ truyền huyện mở.

26 năm và 4.000 học trò

Nghề gõ đầu trẻ của thầy Tâm bắt đầu vào năm 1988, từ việc giữ con giùm cho các công nhân của một công ty gần nhà. Họ đi làm, nhà neo người nên chở luôn con theo cho chơi tha thẩn ngoài sân, chờ hết giờ thì chở về. Thế là thầy gọi bọn trẻ vào, dạy học chữ, học toán, không cho trẻ có thời gian đi rong ngoài đường. Thấy vậy, các công nhân bèn nhờ thầy dạy cho con họ. Học phí lúc đó chỉ là túi gạo, nải chuối vườn nhà.

Tiếng lành đồn xa. Những người hàng xóm cũng đem con tới gửi. Mặc nhiên ngôi nhà trống trước, hở sau của thầy Tâm trở thành lớp học luôn vang tiếng đọc bài từ sáng đến chiều. Thầy dạy từ tiểu học đến… luyện thi đại học. Có lớp mươi người, có khi chỉ kèm mỗi lớp một em, dạy đúng chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành nhưng theo phương pháp riêng của mình.

Sau đó, đáp ứng nhu cầu của một số người bạn, thầy Tâm dạy thêm tiếng Anh. Thầy lại lao vào đọc và nghiên cứu các tài liệu tiếng Anh rồi tự soạn giáo trình dạy cho học viên. Học xong tài liệu của thầy, nhiều học viên đã tự tin đi thi chứng chỉ A, B, C tại các trung tâm ngoại ngữ ở tỉnh hoặc TP HCM.

Ông Huỳnh Sáng, Phó Phòng Giáo vụ Trường CĐ Sư phạm Tây Ninh, nhận xét: “Anh Tâm là một người có năng lực đặc biệt. Còn nhớ hồi chúng tôi học trung học, sinh ngữ chính là Pháp văn, Anh văn là sinh ngữ phụ. Anh chỉ miệt mài tự học, tự nghiên cứu mà có thể mở lớp dạy cho các anh chị đủ trình độ đi nước ngoài, thậm chí mở lớp dạy cho các thầy cô chuẩn bị thi cao học. Trong nhiều học trò thời những năm 1990 của anh, nay một số người đang giữ các chức vụ quan trọng trong ngành giáo dục tỉnh nhà”.

Không dừng lại ở đó, năm 1992, lần đầu biết đến chiếc máy vi tính, thầy Tâm đã trăn trở nhiều đêm vì thấy nó “hay quá, lợi hại quá!”. Gom góp tất cả tiền bạc có được, vay mượn bạn bè, thầy sắm chiếc máy vi tính rồi mày mò dưới sự hướng dẫn của một người bạn. Tìm hiểu cả phần cứng lẫn phần mềm, cập nhật thông tin hằng ngày chủ yếu qua các tạp chí chuyên ngành, một năm sau, thầy sắm vài chiếc máy cũ để mở lớp vi tính tại nhà.

Suốt 26 năm nay, hơn 4.000 học trò đã qua các lớp đào tạo từ dạy chữ, tiếng Anh đến vi tính của thầy Tâm. Nhiều người trong số này đã thành danh, lập gia đình và lại tiếp tục gửi con cho thầy dạy.

Làm việc nghĩa để trả ơn đời

Có người nhẩm tính với số lượng học viên đông như thế, hẳn ông thầy đã rất… giàu. Bởi vậy, họ ngạc nhiên khi nhiều năm qua, gặp lại, vẫn thấy thầy đi chiếc xe máy cà tàng, mặc bộ quần áo cũ và hiếm khi xỏ đôi dép tử tế.

Hỏi thầy Tâm về điều này, ông cười cho biết: “Lúc đóng học phí, học viên có bao nhiêu cứ đóng bấy nhiêu, nếu thấy khó quá thì thầy giảm, nếu khó nữa thì miễn phí, mà khó quá nữa thì thầy… nuôi luôn!”. Thu nhập của thầy từ nghề dạy học và thi thoảng nhận dịch tài liệu hay phiên dịch cho vài đoàn khách về tham quan Tây Ninh, hầu hết đều dành cho việc từ thiện.

Đã có nhiều phụ huynh tới gửi con ăn học ở nhà thầy. Phần lớn những trường hợp này đều có gia cảnh khó khăn, cha mẹ đi làm xa và thuộc diện “học sinh cá biệt”. Nhưng đến với lớp học của thầy Tâm, các em đã có sự thay đổi. “Mỗi học sinh là một con người. Tôi chỉ lấy tình thương giữa người và người mà đối đãi, mong truyền cho các em một chút hơi ấm để các em đủ sức bước tới chứ không có bí quyết gì” - thầy giáo già nói.

Mỗi năm, bắt đầu từ tháng 1, thầy đã chuẩn bị quà Tết đi tặng mấy chục hộ nghèo. Đầu mùa mưa thì bắt đầu chương trình cất nhà, chống dột cho những nhà gặp khó khăn; Vu lan có chương trình tặng quà cho người già; Trung thu có quà cho con nít. Mùa khai trường, lại thấy thầy tất bật lo sách vở, quần áo và có khi cả tiền học phí cho học trò. Ngoài ra, thầy Tâm còn đem thuốc men đến nhà bệnh nhân nghèo, giúp họ qua cơn khó khăn. Chỉ riêng trong năm 2013, thầy đã chi trên 100 triệu đồng cho những chương trình này.

Em Trần Nguyễn Phương Như (học sinh lớp 8, Trường THCS Trường Tây, thị trấn Hòa Thành) phải sống nhờ bà ngoại; mẹ em bị mù lòa, đang đi làm chổi ở tỉnh Bình Dương. Lúc nhỏ, em một buổi đi học, một buổi theo ngoại bán vé số. Biết hoàn cảnh của em, thầy Tâm không thu tiền học phí mà còn trợ cấp gạo hằng tháng. Như khoe: “Con đã thi xong chứng chỉ B Anh văn và đang theo học lớp đàm thoại. Ước mong của con sau này là thi đậu vào sư phạm Anh văn. Khi ra trường, con cũng làm giống như thầy là dành một phần thời giờ của mình để dạy miễn phí cho những học trò nghèo”.
 
Ở tuổi 57, thầy Tâm vẫn bận rộn với nhiều hoạt động từ thiện vì cộng đồng
Ở tuổi 57, thầy Tâm vẫn bận rộn với nhiều hoạt động từ thiện vì cộng đồng.

Trong một ngày, thầy Tâm luôn tất bật từ 6 giờ đến 21 giờ để tiếp khách, thăm bệnh, trồng thuốc nam, dạy học... Sau 21 giờ mới là “khoảng trời riêng” của thầy. Lúc này, trước màn hình máy tính, thầy thảnh thơi cập nhật các chương trình dạy tiếng Anh mới nhất, nghiên cứu cách chữa bệnh, tìm hiểu một loại dược liệu mà ai đó vừa gửi tặng.

Đến bây giờ, gia đình và bạn bè không thể nào hiểu nổi với tình trạng thị lực như vậy, làm sao thầy có thể làm tốt công việc mà một người có sức khỏe, sáng mắt… chưa chắc làm được. Thầy tâm sự: “Tôi mắc nợ bà con một đôi mắt. Tôi nhận được tình thương từ nhiều người quá nên giờ tôi phải cố gắng làm việc bằng tất cả khả năng của mình để… trả ơn đời”. 

Xóa mù tin học cho người nghèo

Năm 1994, thầy Tâm cùng 1 người bạn thành lập Trung tâm Tin học, ngoại ngữ PCT Com với mong muốn “xóa mù thông tin” cho mọi người, đặc biệt là những người nghèo. Căn nhà ọp ẹp của thầy được cơi nới rộng rãi hơn nhưng “ông giám đốc” vẫn là ông thầy chân đất, vui vẻ và kiên nhẫn trực tiếp dạy từng lớp, từng học viên một. Từ cơ sở này, nhiều học trò của thầy đã xin phép thầy được mở ra các chi nhánh PCT Com khác ở khắp nơi trong tỉnh.

 

Theo Đặng Mỹ Duyên

Người Lao Động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm