Bài dự thi ký ức học đường:

Thầy Liễu

Thầy Liễu, thầy giáo dậy tôi lớp vỡ lòng. Nay thầy đã già và gầy yếu nhiều theo năm tháng qua đi. Thầy chỉ dậy các trẻ nhỏ tại nhà. Nhầy dậy chữ cái, dậy đánh vần, dậy viết, dậy nói năng ứng xử, đi đứng... Những gì thầy thấy hay và hữu ích cho đời thì thầy dậy.

Thầy có rổ khoai lang vừa luộc, học trò ngừng học cùng ăn. Thầy dậy cách bóc khoai, và cách cầm củ khoai đã bóc ăn. Thầy dậy cách nhổ gai, khi học trò dẫm phải gai và nhổ giúp cho. Chó đuổi cắn, thầy dậy ngồi thụp xuống tay giả vờ bốc đất  ném, chó sợ bỏ chạy...

 

Ở trước cửa nhà thầy, dưới mái hiên, luôn luôn có một chiếc roi mây, học trò ai cũng sợ, nhưng thầy chưa bao giờ đụng đến.

 

Sau này tôi đã trưởng thành, đi ra nước ngoài làm việc, nghĩ lại mới biết rằng: Chái hè nhà thầy là một học đường thơ mộng nhất của cuộc đời mình.

 

Có lần đến thăm thầy; nhìn tôi thầy cười, thấy thầy chỉ còn một chiếc răng cửa độc nhất! Thầy nói:

 

- Anh Vĩnh này? Tôi vẫn nhớ anh, vì anh là học trò nghịch lắm.

 

- Ôi! Mẹ anh phải cầm roi “lùa” anh đi học như người ta lùa bò vào chuồng vậy. Thế mà nay anh sang Tây làm việc. Thầy rất vui!

 

- Thưa thầy, con vẫn nhớ là mình biếng học, lại nghịch ngợm, như hôm con đang múc nước ở chum uống, thầy trông thấy tiện tay đập cái gáo dừa vào đầu con, vỡ toác mụn nghẻ, máu mủ chảy ra, con ngã lăn ra khóc...

 

- Tôi nhớ.

 

- Ôi lúc ấy, tôi cũng hết hồn vía! Thật ra tôi đâu muốn thế, nhưng vì anh uống nước lã, giận quá; Cũng như lần anh buộc pháo vào đuôi chó rồi đốt, thì không đánh làm sao được. Này anh Vĩnh? Nửa thế kỷ rồi mà anh còn giận tôi à?

 

- Ôi! Không đâu! Thưa thầy sự cố ngoạn mục ấy, nay đã nở hoa thành một kỷ niệm đẹp.

Thầy Liễu lại cười, ló chiếc răng độc nhất trong mồm, nom như cái chốt cửa. ôi! Cái chốt đã đung đưa theo hơi thở giọng nói của thầy.

 

Tôi đề nghị:

 

- Sao thầy không nhổ cái răng đi cho khỏi vướng.

 

Thầy Liễu bảo:

 

- Nhổ làm gì, một ngày nào đó, súc miệng tự nó sẽ văng ra thôi.

 

Hai thầy trò cùng cười. Thật êm đềm, tình nghĩa. Thầy Liễu lại hỏi?

 

- Anh bảo là anh thường “ cày trên giấy” là cày gì? - là viết văn, viết báo, hay làm cán bộ?

 

- Thưa thầy, vâng ạ!

 

- Thế thì anh có biết “Cày trên giấy” khác với cày ruộng ở chỗ nào không?

 

- Thưa thầy: con suy nghĩ một tý đã.

(Thực sự tôi cũng chưa nghĩ ra câu hỏi của thầy).

 

Thầy Liễu nói ngay:

 

- Cái gì mà phải suy nghĩ!  Khác với cày ruộng ở chỗ “ cày trên giấy” là cày vào chính mình; càng cày sâu càng đơm hoa kết trái! Còn cày bên ngoài mình, việc ấy chính là cày ruộng. Nhưng cày ruộng cũng phải có kinh nghiệm, và kiến thức khoa học đấy.

 

Đào Duy Nguyện

Khu đân cư Tân Phú, Thị Trấn Phú Thái

- Kim Thành - Hải Dương