Thầy giáo về hưu lập quỹ khuyến học

Dân trí) - Hơn 30 năm làm giáo viên, đến khi về hưu, ông Lê Bá Hưng vẫn dành trọn nhiệt huyết cho sự nghiệp trồng người ở huyện Quảng Xương (Thanh Hóa). Ông Hưng cũng đứng ra lập quỹ khuyến học gia đình, góp phần cho sự nghiệp khuyến học của địa phương phát triển.

Nghỉ hưu, vẫn làm khuyến học

Vốn là giáo viên dạy Toán ở huyện Quảng Xương, Thanh Hóa, ông Lê Bá Hưng về hưu năm 2004. Khi còn tham gia công tác giảng dạy, ông luôn mong muốn làm sao để sự nghiệp giáo dục của quê hương phát triển mạnh mẽ. Ông đã dành toàn tâm lực truyền đạt hết những kiến thức và kinh nghiệm của mình cho các em học sinh (HS).

“Năm 2006, dù đã nghỉ hưu nhưng tôi vẫn tham gia dạy thêm, ôn thi tại gia đình cho các cháu HS. Nếu so đo tính toán tiền lương của việc làm công tác khuyến học với thu nhập từ dạy thêm thì tôi đã không nhận lời làm khuyến học. Chỉ có làm công tác khuyến học mình mới dồn hết tâm lực cho sự phát triển giáo dục của quê hương mình”, ông Hưng cho biết.
 
Sau nhiều năm làm Chủ tịch Hội khuyến học huyện Quảng Xương, ông Lê Bá Hưng đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển chung của Hội. Những mô hình học tập cộng đồng, công tác tuyên truyền do ông Hưng phổ biến đã được ghi nhận sâu rộng và đạt nhiều thành tích xuất sắc.

Nhà giáo Lê Bá Hưng rất tận tâm cho sự nghiệp trồng người.
Nhà giáo Lê Bá Hưng rất tận tâm cho sự nghiệp trồng người.

Hội Khuyến học huyện Quảng Xương đã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen vào năm 2006. Năm 2009, Hội đã được tặng Huân chương Lao động hạng Ba, hai năm liền được tặng Cờ thi đua xuất sắc của Trung ương Hội Khuyến học, cùng nhiều năm được UBND tỉnh Thanh Hóa, tỉnh Hội và huyện Quảng Xương tặng bằng khen.

Bản thân ông Lê Bá Hưng được Trung ương Hội Khuyến học tặng bằng khen vì những cống hiến của ông cho sự nghiệp khuyến học. Hai lần ông được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa tặng bằng khen vào năm 2010 và 2012.

Ông Hưng cũng tham gia chủ biên cuốn sách viết về khuyến học, được Nhà xuất bản Thanh Hóa in vào năm 2010. Trong cuốn sách này, ông Hưng đã tham gia viết nhiều bài và tập hợp những bài viết của những tác giả tâm huyết với khuyến học để biên soạn lại và in. Nội dung sách phong phú, đa dạng phản ánh những tấm gương trong công tác khuyến học, khuyến tài: Từ người thầy giáo già suốt đời miệt mài làm khuyến học đến những gia đình nghèo khó hiếu học… ở quê hương Quảng Xương và tỉnh Thanh Hóa.

Cuốn sách “Khuyến học Quảng Xương” của ông Lê Bá Hưng đã được tham gia “Hội chợ triển lãm sách Quốc tế” tại Lễ kỉ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội năm 2010. Lời giới thiệu về cuốn sách ngắn gọn súc tích bằng 2 thứ tiếng do ông Hưng viết đã thu hút nhiều độc giả tìm đọc.

Quỹ khuyến học gia đình

Gia đình ông Lê Bá Hưng thuộc dòng họ Lê Bá, nổi tiếng hiếu học của xã Quảng Tân, huyện Quảng Xương. Năm 2010, gia đình ông Hưng đã được UBND tỉnh Thanh Hóa tặng bằng khen là “Gia đình hiếu học tiêu biểu” của tỉnh.

Không chỉ vợ chồng ông Hưng tâm huyết với sự nghiệp giáo dục khuyến học của địa phương mà cả 6 người con trai, gái, dâu rể của ông luôn ủng hộ việc làm của bố mẹ. Chính vì điều này mà sau nhiều lần trăn trở đến năm 2012 ông Hưng đã cùng các con tham gia lập “Quỹ khuyến học gia đình” mang tên ông là “Quỹ khuyến học gia đình nhà giáo Lê Bá Hưng”.

Trong năm 2012, Quỹ khuyến học gia đình ông Hưng đã đóng góp cho Quỹ khuyến học của huyện Quảng Xương 30 triệu đồng. 199 em học sinh từ Mẫu giáo đến THPT đạt thành tích cao trong học tập là học sinh đạt giải 3 cấp tỉnh trở lên đã được quỹ học bổng trao thưởng.

Quỹ học bổng Lê Bá Hưng cũng đã trao cho 27 em HS cấp 1 và cấp 2 mỗi suất trị giá 300 - 400 nghìn đồng. Đây là những em HS có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vươn lên trong học tập đạt thành tích khá giỏi.

Ông Hưng chia sẻ: “Quỹ học bổng mà tôi đứng ra thành lập được các con trong gia đình nhất trí cao và nhiệt tình ủng hộ. Mỗi thành viên trong gia đình hàng tháng tiết kiệm ra 500 nghìn đồng để đóng quỹ. Một năm, đóng quỹ được 48 triệu đồng, gia đình tôi đóng góp cho Hội Khuyến học huyện 30 triệu đồng, còn 18 triệu đồng dành khuyến khích con cháu trong nhà học tập và trao thưởng”.

Việc làm trên của ông Hưng xuất phát từ sự thấu hiểu nối khó khăn của nhiều gia đình khi phải nuôi nhiều con ăn học nhất là khi học Đại học và Cao đẳng. Phải mất một khoản tiền không nhỏ hàng tháng, điều này chính ông bà khi còn nuôi 3 con ăn học cũng đã trải qua.

Ông Hưng tâm sự: “Quỹ khuyến học của gia đình mới chỉ góp được một phần nào cho công tác khuyến học. Lúc đầu, gia đình dự định đóng quỹ chỉ trong 10 năm, nhưng đến nay các thành viên đều đã thống nhất đề xuất sẽ đóng quỹ suốt đời để góp một phần cho công tác khuyến học khiến tôi vô cùng vui mừng”.

Không chỉ thành lập quỹ khuyến học trong gia đình mình mà ông Hưng đang ấp ủ dự định sẽ phát động phong trào “đổ ống tiết kiệm gây quỹ khuyến học trong từng gia đình”.

“Từ việc đổ ống tiết kiệm này, nhiều hộ gia đình sẽ có được một quỹ nho nhỏ để chăm lo đến việc học tập của con em mình. Nếu mô hình được nhân rộng thì công tác khuyến học khuyến tài của địa phương sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ và bền vững”, ông Hưng cho biết thêm.

Thái Bá - Duy Tuyên