Thầy giáo trẻ chia sẻ về phương pháp luyện thi môn Toán THPT Quốc gia hiệu quả
Thầy Đặng Văn Tùng được biết đến là một trong số thầy giáo trẻ luyện thi môn Toán THPT Quốc gia có tiếng ở Hà Nội. Với mô hình đào tạo chất lượng cao, hàng năm nhiều học trò của thầy đạt thành tích khá cao, đỗ vào các trường đại học top đầu hoặc được nhận học bổng du học tại Mỹ, Canada.
Thầy giáo trẻ Đặng Văn Tùng, sinh năm 1991, quê Thái Bình tốt nghiệp ngành Toán học trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Khi còn đi học, thầy Tùng đạt liên tiếp đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện trong suốt 12 năm, từng tham gia nhiều kỳ thi học sinh giỏi các cấp và được nhận học bổng du học tại Pháp. Nhưng vì chuyện riêng của gia đình nên ước mơ du học đành gác lại. Tuy nhiên, Đặng Văn Tùng vẫn theo đuổi niềm đam mê Toán học bằng cách kèm cặp những bạn học sinh muốn thi vào trường chuyên, lớp chọn. Bởi anh biết, hiện có rất nhiều các em học sinh có cảm giác sợ môn Toán và mất tự tin trong các kỳ thi.
Với niềm đam mê Toán học từ nhỏ, lại có 7 năm kinh nghiệm trong việc luyện thi vào đại học, anh luôn được học trò quí mến, khâm phục. Thầy Tùng luôn có nhiều phương pháp học hay và hiệu quả, trong đó phải kể đến phương pháp tư duy giải bài trắc nghiệm nhanh.
Chia sẻ với chúng tôi, thầy Tùng cho biết, muốn đạt được kết quả cao trong kì thi THPT Quốc gia 2017 trước tiên, các em học sinh phải nắm được cấu trúc đề thi. Theo thống kê sơ bộ từ đề thi minh họa lần 1 thì kiến thức nằm hoàn toàn trong chương trình lớp 12 (4 chương giải tích và 3 chương hình học). Đề bao gồm 50 câu, trong đó, có 11 câu hàm số, 10 câu logarit, 7 câu nguyên hàm- tích phân, 6 câu số phức, 8 câu hình không gian và 8 câu hình phương pháp tọa độ trong không gian. Về độ khó, các câu khó của đề thi chiếm khoảng 10%, khá 30%, câu dễ 60%. Trong đề thi ngoài các câu hỏi “định tính” ra thì có 16 câu “định lượng”(chiếm 32%). Dưới đây, là phương pháp và cách ôn luyện mà thầy Tùng đã áp dụng với học trò của mình cho thấy kết quả tốt.
1. Hệ thống hóa kiến thức
Các em cần hệ thống hóa toàn bộ chương trình lớp 12 theo cách hiểu của mình, có thể hệ thống theo sơ đồ cây các kiến thức đã học. Vì đề thi gồm 50 câu trắc nghiệm nên độ phủ kiến thức rất rộng. Không giống như tự luận, bất cứ một ví dụ, một lời chú thích nào trong sách giáo khoa cũng có thể nằm trong đề thi. Trong quá trình rà soát lại kiến thức SGK, nếu có chỗ nào chưa hiểu các em cần nhờ thầy cô, bạn bè giải thích, tránh giấu dốt để mất điểm đáng tiếc.
2. Rèn luyện khả năng tư duy và kỹ năng sử dụng máy tính
Khả năng tư duy phân tích tốt và kỹ năng sử dụng thành thạo máy tính là hai điều vô cùng quan trọng khi các em làm bài thi. Vì trong đề có đến 16 câu định lượng (chiếm 32%). Với những câu này, chúng ta có thể hoàn toàn dùng tư duy phân tích, loại trừ và ứng dụng các thủ thuật máy tính như: Mode 7, Shift solve… để giải quyết các bài về biện luận tham sô m của hàm số, phương trình logarit, nguyên hàm, tích phân, số phức…
3. Phương pháp ôn thi tùy thuộc vào đặc trưng kiến thức
Mỗi dạng toán lại có một cách ôn thi hiệu quả khác nhau. Ví như, đối với phần hình không gian, các em nên rèn luyện khả năng tưởng tượng hình học tốt, ghi nhớ các dạng hình đặc biệt, các tính chất dưới dạng tổng quát… để khi vào phòng thi, ta chỉ cần áp dụng luôn mà không phải vẽ hình minh họa, mất thêm thời gian.
Đối với các bài thuộc phần kiến thức phương pháp tọa độ trong không gian, các em nên dùng kiến thức hình lớp 11 để kiểm tra các tính chất vào đáp án sẽ tiết kiệm thời gian hơn cách tính trực tiếp từ đề bài.
4. Chăm chỉ luyện làm đề
Bên cạnh việc rà soát kiến thức cơ bản, để đạt hiệu quả cao, các em nên chăm chỉ luyện đề. Chúng ta có thể lên mạng, theo dõi facebook của các thầy cô có uy tín, tìm lọc các đề chất lượng của các trường (trường Chuyên Khoa học Tự nhiên, Chuyên Sư phạm 1, chuyên Chu Văn An…), làm ít nhất 1 tuần 3 đề, làm sao tính đến lúc đi thi các em làm được tầm 80 đề là có thể tự tin vào kỹ năng và kiến thức của mình. Trong quá trình dạy, thầy luôn nhắc nhở học trò của mình nên có một “sổ tay thần thánh” để ghi lại tất cả các kỹ thuật giải bài nhanh, tính chất hay, các công thức tổng quát hóa cho cả dạng bài… để ghi nhớ bài sâu và lâu. Kiến thức chỉ thực sự đọng lại khi các em hiểu được bản chất của nó.
5. Điều hòa việc học tập và nghỉ ngơi hợp lý
Ôn luyện là việc quan trọng nhưng các em cần biết điều hòa việc học và nghỉ ngơi hợp lý, có sự phân chia giờ giấc rõ ràng. Chúng ta chỉ thực sự đạt được kết quả cao khi có cả kiến thức và sức khỏe.
Trên đây là những chia sẻ về phương pháp học toán hiệu quả mà thầy Đặng Văn Tùng đã áp dụng và tích lũy. Thầy hy vọng, các em học sinh sẽ đạt được hiệu quả cao trong các kỳ thi, thực hiện ước mơ đỗ vào trường đại học mà mình mong ước hoặc đi du học của mình. Xin được dùng lời nhắn của thầy Tùng để thay cho lời kết bài viết: “Với toán học chỉ cần “sai một li là đi một dặm”, do vậy, các em học sinh không nên quá căng thẳng hoặc có tâm lý nhồi nhét kiến thức, lại càng không nên học thuộc vẹt công thức. Tương lai và kiến thức của các em là do các em quyết định và rèn luyện. Vì vậy, muốn đạt được chúng, các em phải tự tin và nỗ lực hết mình”.
Chúc các bạn sẽ có một kỳ thi thành công!