Thầy giáo "cõng" chữ lên non

(Dân trí)- "Những thầy giáo của trường, ngày đầu lên bản dạy chữ, dạy nghề cho bà con, khó khăn đầu tiên buộc phải vượt qua là cố gắng không để bị miếng… méo khi điểm danh!", thầy Phạm Thanh Hải, hiệu trưởng trường Trung học Dạy nghề Nông nghiệp và phát triển Nông thôn I nhớ lại.

Thầy Hải lại tiếp lời: "Rồi tiếp đó là những ngày tháng dạy mỏi tay! Vì dạy thì phải nói ít thôi, chứ nói nhiều quá thì sẽ phải vấp phải sự im lặng đến… thấu xương! Phải  biểu diễn thực hành nhiều nếu không muốn biến người học thành những pho tượng đá!".

 

Trường Trung học Dạy nghề Nông nghiệp và phát triển Nông thôn I  (THDNNN và PTNT 1) Xuân Mai, Hà Tây là trường duy nhất trong hệ thống gần 200 trường THCN và Dạy nghề hiện nay dũng cảm lặn lội leo non để đến “truyền” nghề cho đồng bào dân tộc theo hình thức “cắm” giáo viên xuống từng thôn bản.

 

Trong khi mọi thứ đều xoay như chong chóng vì lợi nhuận thì việc đào tạo nghề cho người dân tộc giống như là bỏ đá xuống giếng sâu hun hút không một tiếng vọng! Với một tính toán khá đơn giản: Tiền từ trên nhỏ xuống theo chỉ tiêu, đào tạo cho miền xuôi hay miền ngược cũng đều chỉ có ngần đấy mà đào tạo cho miền ngược thì không những miễn phí mà còn phải bỏ thêm tiền ra để trả cho mỗi người đến…học, đấy là còn chưa kể đến sự khổ công của người dạy. Thế nên hiệu trưởng nào cũng lắc đầu! Nhưng thầy Hải thì khác, thầy Hải giải thích vắn tắt và cực kỳ dễ hiểu là: không phải cái gì cũng vì tiền!

 

Cũng như thầy Hải, nhiều thầy cô giáo khác cũng xem việc khó nhọc này đơn giản là được thực hiện nghề nghiệp cao quý của mình một cách có ý nghĩa nhất.

 

Mai Minh