Thất nghiệp, cử nhân “trốn” Tết gia đình

(Dân trí) - Áp lực vì thất nghiệp, có những cử nhân không về quê ăn Tết mà tiếp tục “bám” thành phố giam mình trong phòng trọ hoặc tranh thủ làm thêm mưu sinh.

“Trốn” Tết gia đình

Dịp Tết, dãy phòng trọ trên đường Dương Quảng Hàm (Q. Gò Vấp, TPHCM) không nhộn nhịp như mọi ngày nhưng vẫn còn nhiều phòng còn người ở lại. Bên cạnh những bạn sinh viên xa nhà còn có 3 anh chị cử nhân chưa kiếm được việc làm cũng không về quê Tết này. 

Có những bạn trẻ trốn Tết gia đình, ở lại thành phố kiếm thêm tiền chi tiêu. 
Có những bạn trẻ "trốn" Tết gia đình, ở lại thành phố kiếm thêm tiền chi tiêu. 

Trong đó có hai người tốt nghiệp ngành Tài chính ngân hàng của một trường ĐH lớn của thành phố. Nguyễn Đức Tân, một trong hai người này từng đi làm ở ngân hàng, thất nghiệp gần 2 năm nay sau đợt cắt giảm. Có gia đình hỗ trợ tiền bạc nên Tân không khó khăn về tài chính như nhiều người khác. Nhưng thất nghiệp kéo dài, Tân thấy thiếu tự tin khi đối diện với người thân.

Năm ngoái, Tân về quê ăn Tết khi vừa nghỉ việc, đã không mấy vui vẻ khi gia đình, bạn bè hỏi han tình hình công việc. Nên năm nay cậu quyết định không về quê đón Tết.  

Cạnh phòng Tân, ông anh tên Đạo, quê Phú Yên, tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh đã hai năm “trốn” gia đình, ăn Tết ở thành phố do túng tiền đi lại, quà cáp. Từng về quê xin việc nhưng bất thành, Đạo trở lại thành phố, có nửa năm nằm chờ việc phải mượn tiền bạn bè chi tiêu.

Chờ hoài không được, Đạo đi bán hàng rong ở chợ đêm, chạy xe ôm… mà rồi đụng đâu cũng túng trước hụt sau. Khoản nợ cũ chưa trả, cuối năm Đạo còn khất chủ nhà hai tháng tiền phòng.

Ở lại mấy ngày Tết, Đạo nhận việc chăm cây cảnh cho một gia đình đi du lịch nước ngoài, cậu hy vọng kiếm đủ tiền để trả tiền trọ. Tết với Đạo chỉ mấy gói mỳ hoặc có tiệc nào trong xóm trọ thì cùng sà vào chung vui. 

Thất nghiệp, không về quê, nhiều cử nhân giam mình trong phòng trọ ngày Tết.
Thất nghiệp, không về quê, nhiều cử nhân giam mình trong phòng trọ ngày Tết.

Mấy ngày Tết ở lại thành phố, Nguyễn Thị B. - cựu SV một trường đại học tại TPHCM ôm hoa lên trung tâm thành phố bán dạo. B. thất nghiệp cả năm nay, sống tạm bợ với công việc gia sư buổi tối, ngày đi phát tờ rơi. Cuộc sống một mình ở thành phố thiếu thốn đủ đường, muốn về thăm quê chỉ có cách xin tiền bố mẹ nhưng gia đình B. thuộc diện khó khăn, đến khoản nợ gia đình vay mượn ngân hàng đi học nhiều năm qua chưa trả nổi.

“Con bận trực Tết!”

Không có việc làm, nhiều cử nhân cố “bám” thành phố với những công việc tạm bợ, điều kiện sống hết sức chật vật. Thế nhưng không phải ai cũng có thể chia sẻ với gia đình về tình cảnh thực sự của mình. Nhiều cử nhân giấu nhẹm thực tế cuộc sống khó khăn ở thành phố do không muốn bố mẹ lo lắng hay thất vọng về mình. 

Như Nguyễn Thị B., bố mẹ không biết công việc thật sự của cô mà tưởng con gái đang làm việc tại một siêu thị. B. “đóng vai” một người có công ăn việc làm đàng hoàng, thu nhập tạm ổn. Để bố mẹ khỏi thắc mắc vì sao Tết không về, B. đành viện lý do… bận trực. B. còn vay tiền người bạn gửi về biếu Tết để bố mẹ yên tâm.

Thanh Thúy, cử nhân ngành Xã hội học cũng từng nộp hồ sơ xin việc khắp nơi, cũng đi làm ở một vài chỗ mà chưa tìm được công việc ổn định. Khi thấy tình hình công việc không khả thi, Thúy làm đủ việc như chạy bàn, gia sư… Và hiện tại Thúy đang làm công nhân tại một công ty sản xuất giày da. 

Thất nghiệp, không về quê, nhiều cử nhân giam mình trong phòng trọ ngày Tết.
Công việc ở phố bấp bênh nhưng vì áp lực từ sự kỳ vọng, nhiều cử nhân giấu gia đình về công việc thực sự của mình. 

Bố mẹ ở quê nghĩ Thúy làm cho một tổ chức phi chính phủ, không nghĩ con mình tốt nghiệp ĐH đi làm công nhân. Cũng như nhiều cử nhân khác, Thúy chịu áp lực rất lớn từ kỳ vọng học ĐH phải đổi đời của gia đình khi bước vào giảng đường.

Sống trong “vỏ bọc” đó, Thúy trở nên ngại đối diện, tiếp xúc với mọi người. Chỉ duy nhất cô bạn cùng quê biết tình cảnh của Thúy. Cô bạn có ý cho Thúy mượn tiền để về nhà nhưng Thúy lắc đầu. Về tốn kém, công việc bao năm bấp bênh thành ra Thúy muốn “trốn”. Hơn nữa, người bạn của Thúy việc ổn định hơn nhưng cuộc sống ở phố cũng rất khó khăn.

“Nhìn mọi người sum vầy mà tao muốn khóc quá mày ơi. Tao không nghĩ Tết ở Sài Gòn lại buồn đến thế này , nhớ nhà nên đi đâu cũng không vui”, trước giờ giao thừa Thúy nhắn tin cho cô bạn - là người duy nhất cô có thể chia sẻ.

Không chỉ Thúy, có lẽ còn không ít bạn trẻ ra trường chưa có việc làm, không về ăn Tết gia đình đang trải qua những ngày nghỉ không mấy nhẹ nhàng vì nhớ nhà và canh cánh nỗi lo công việc trong năm tới. Trong năm qua, cả nước có khoảng 10 vạn sinh viên ra trường đang thất nghiệp, chưa kể những cử nhân đang làm đủ việc như bán hàng rong, phụ hồ...

 

Theo Trung tâm Dự báo du cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM, dự kiến năm 2014 thành phố có nhu cầu 265.000 chỗ làm việc trống, trong đó có 130.000 chỗ làm việc mới.
 
Kinh tế khó khăn, cung cao hơn cầu, các doanh nghiệp sẽ “khắt khe”trong tuyển dụng nhân lực để chọn đội ngũ làm được việc. Điều này đòi hỏi người lao động phải có kỹ năng nghề, nâng cao chất lượng làm việc cũng như ý thức mở rộng kiến thức, tư duy khoa học, độc lập, sáng tạo… cùng các kỹ năng làm việc hiệu quả.
 
Hoài Nam