Thành thạo ngoại ngữ, còn xa lắm!

Học cao học, học viên có khá hơn về ngoại ngữ không? Xin thưa là không! Vì sao? Toàn khóa, học viên được học hết chương trình C mặc dù nó chiếm tới hơn 10% toàn bộ chương trình đào tạo. Thật là một sự vô lý và lãng phí!

Theo thống kê qua nhiều năm, tại nhiều cơ sở đào tạo sau đại học trong nước, thí sinh trượt chủ yếu do không đạt điểm sàn ngoại ngữ (50/100). Chỉ riêng năm 2004, tại hầu hết các cơ sở đào tạo, con số dao động phổ biến từ 70-80% thí sinh thi trượt là do không đạt 50 điểm ngoại ngữ, thậm chí có những nơi con số đó là 100%, mặc dù chỉ tiêu vẫn còn thiếu rất nhiều.

 

Như vậy, trượt cao học chủ yếu do trượt ngoại ngữ! (Tất nhiên điều này có thể không đúng với sinh viên chuyên ngữ). Nhưng trình độ ngoại ngữ thi cao học ở mức nào mà gây khó cho thí sinh vậy? Tùy từng loại ngoại ngữ thí sinh có thể đăng ký dự thi nhưng chỉ ở mức chứng chỉ B. Đến đây quả thật không thể không giật mình cho trình độ ngoại ngữ của sinh viên ta hiện nay.

 

Nếu một ai đó có thể giải thích cho sự không đồng đều về trình độ ngoại ngữ của học sinh phổ thông với lý do chính đáng là môi trường học tập ở các vùng nông thôn, miền núi còn có khoảng cách so với thành phố, thì chắc chắn không ai có thể có bất cứ lý do nào biện hộ cho việc sinh viên đã qua bốn, năm năm đại học lại không thành thạo lấy nổi một vài kỹ năng cơ bản nhất của một ngoại ngữ.

 

Đã có biết bao đề án, chương trình cải cách dạy và học ngoại ngữ, các trung tâm ngoại ngữ mọc lên như nấm, nhưng nhìn vào thực tế trên càng thấy không yên tâm khi biết rằng rất nhiều trường đại học chỉ trong khu vực chúng ta thôi trước khi tuyển sinh đã yêu cầu phải có Toefl 550, IELTS 6.0, thậm chí cao hơn nữa!

 

Vậy học cao học, học viên có khá hơn về ngoại ngữ không? Xin thưa là không! Vì sao? Toàn khóa, học viên được học hết chương trình C mặc dù nó chiếm tới hơn 10% toàn bộ chương trình đào tạo. Thật là một sự vô lý và lãng phí!

 

Đáng lẽ ra trước khi trở thành học viên cao học, thậm chí là sinh viên năm 1 đã phải thành thạo trình độ này. Đáng lẽ với thời gian đó, tiền của đó bỏ ra phải dành cho học viên một môi trường tốt tiếp xúc với các nguồn thông tin, sách vở, các quan điểm, các buổi giao lưu, hội thảo quốc tế. Chỉ có như vậy mới giúp học viên nâng cao trình độ ngoại ngữ, đồng thời phát triển tư duy, phương pháp và tri thức khoa học của bản thân.

 

Đào tạo cao học là đào tạo nên những con người bắt đầu đi chuyên sâu vào một lĩnh vực và muốn vươn lên cao hơn thì một trong những điều kiện là phải thành thạo ngoại ngữ. Và vì vậy, nếu tầm của đối tượng này không được nâng cao, chúng ta sẽ còn tiếp tục chứng kiến chất lượng nguồn nhân lực của đất nước còn xa mới theo kịp trình độ tiên tiến của khu vực, trên thế giới.

 

Theo Trần Lan Phương (Hà Nội)

Tuổi Trẻ