Thành lập Học viện Tòa án

(Dân trí) - Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định thành lập Học viện Tòa án trên cơ sở Trường Cán bộ Tòa án. Học viện sẽ đào tạo nghề Thẩm phán và đào tạo bậc đại học chuyên ngành.

Học viện Tòa án có trụ sở chính tại thành phố Hà Nội và là cơ sở giáo dục đại học công lập trong hệ thống giáo dục quốc dân trực thuộc Tòa án nhân dân tối cao. Học viện Toàn án hoạt động theo quy định của Điều lệ trường đại học.

Bộ GD-ĐT có trách nhiệm kiểm tra các điều kiện bảo đảm chất lượng trước khi cho mở mã ngành đào tạo đại học và tuyển sinh.

toaan-01082015-f43d1
Trường Cán bộ Tòa án được nâng cấp lên thành Học viện Tòa án

Trường Cán bộ Tòa án trực thuộc Tòa án Nhân dân tối cao (TANDTC) được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn thành lập lại theo Nghị quyết số 210/UBTVQH khóa IX ngày 20-5-1994 và Quyết định thành lập số 100/TCCB ngày 23-8-1994 của Chánh án TANDTC.

Được biết, giai đoạn từ năm 1994-2002, Trường Cán bộ Toà án có chức năng chủ yếu là tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho thẩm phán, cán bộ của ngành và thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ giảng viên, tài liệu bồi dưỡng Hội thẩm nhân dân cho Tòa án nhân dân các địa phương. Công tác tập huấn, bồi dưỡng cho Tòa án nhân dân các địa phương gặp nhiều khó khăn do Bộ Tư pháp quản lý về mặt tổ chức các Tòa án địa phương.

Giai đoạn từ năm 2002-2012, về cơ cấu, tổ chức không thay đổi nhưng do từ năm 2002 Tòa án nhân dân tối cao quản lý về mặt tổ chức các Tòa án địa phương, nên công tác tập huấn toàn ngành được quan tâm và thuận lợi hơn nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn.

Về cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ của trường vẫn chưa đuợc tăng cường củng cố đúng mức. Những năm đầu, Trường Cán bộ Toà án tập trung tập huấn cho thẩm phán Tòa án nhân dân cấp tỉnh, việc tập huấn cho thẩm phán, cán bộ Tòa án nhân dân cấp huyện chủ yếu do Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm. Những năm về sau,Trường mới có những khởi sắc và phát triển, công tác tập huấn, bồi dưỡng cho Thẩm phán bắt đầu được thực hiện cho Thẩm phán cấp tỉnh và cấp huyện toàn ngành. Công tác bồi dưỡng nghiệp vụ cho thư ký, thẩm tra viên chưa được tiến hành thường xuyên.

Đội ngũ giảng viên của trường chủ yếu là giảng viên kiêm nhiệm, Trường chưa có đội ngũ giảng viên cơ hữu và chuyên trách. Vì vậy, Trường Cán bộ Tòa án chủ yếu làm nhiệm vụ tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, chưa thực sự hoạt động như cơ sở giáo dục. Đối với đội ngũ giảng viên kiêm chức của trường, chưa có quy chế làm việc rõ ràng, vì vậy, hoạt động của trường còn bị động và hiệu quả chưa cao.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng của TANDTC chưa được tổ chức và quản lý thống nhất. Hiện nay, có nhiều đơn vị cùng thực hiện nhiệm vụ tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ làm cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của ngành trở nên chồng chéo, thiếu thống nhất về nội dung tài liệu và quan điểm nghiệp vụ gây khó khăn trong việc áp dụng thống nhất pháp luật. Cách tổ chức như hiện nay dẫn đến tình trạng sử dụng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng kém hiệu quả, đồng thời việc quản lý và đánh giá công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ không tập trung và thiếu chính xác.

Trước thực trạng nêu trên, Ban Cán sự Đảng và Lãnh đạo TANDTC chỉ đạo xây dựng Đề án “Nâng cao năng lực và mở rộng quy mô Trường Cán bộ Tòa án” nhằm chuẩn hóa công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án và cán bộ của ngành Tòa án nhằm từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ của ngành có chất lượng cao, đủ năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức đáp ứng được yêu cầu chung của phát triển của đất nước cũng như chiến lược Cải cách tư pháp đã được chỉ đạo trong Nghị quyết 49, Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị.

Ngày 03/6/2011, Đề án nâng cao và mở rộng quy mô Trường Cán bộ Tòa án được phê duyệt. Ngày 21/3/2012, Chánh án TANDTC ký quyết định số 509/QĐ-TCCB về việc thành lập Hội đồng Trường Cán bộ Tòa án do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao làm chủ tịch hội đồng. Hội đồng Trường có chức năng hoạch định các chủ trương lớn về chương trình đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ dài hạn hoặc ngắn hạn cho từng chức danh công chức ngành Tòa án nhân dan và bảo đảm sự thống nhất giáo trình tài liệu giảng dạy, giảng viên, kế hoạch tổ chức thực hiện và các vấn đề quan trọng khác liên quan đến hoạt động của Trường.

Tại phiên họp ngày 21/12/2012 của Ban chấp hành trung ương, Bộ Chính trị đã có kết luận: Đồng ý để Tòa án nhân dân tối cao được đào tạo nghề Thẩm phán và đào tạo bậc đại học chuyên ngành, tiến tới thành lập Học viện Tòa án.

Nguyễn Hùng
(Email hungns@dantri.com.vn)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm