Thanh Hóa: Nhiều chính sách hỗ trợ cho các trường mầm non ngoài công lập
(Dân trí) - Nhằm giảm tải cho các trường Mầm non trong hệ thống giáo dục công lập, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành chính sách xã hội hóa giáo dục Mầm non trên địa bàn đến năm 2030. Theo đó, địa phương này khuyến khích, hỗ trợ thành lập các trường Mầm non ngoài công lập từ năm 2018 đến năm 2030.
Thiếu hàng nghìn phòng học Mầm non
Theo UBND tỉnh Thanh Hóa, năm học 2017-2018, tỉnh này có 671 trường Mầm non (MN) với 228.823 trẻ. Trong đó, có 652 trường MN công lập với 222.600 trẻ; 19 trường MN ngoài công lập với 6.232 trẻ.
Tổng số giáo viên (GV) toàn tỉnh Thanh Hóa hiện có trong các trường MN (gọi chung là các trường) công lập là 17.616 người, trong đó 13.566 biên chế và hợp đồng theo Quyết định số 60/2011/QĐ-TTg ngày 26/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ.
So với biên chế tỉnh giao năm 2017 và nhu cầu GV theo định mức còn thiếu 2.549 GV. Sau khi được UBND tỉnh cho phép hợp đồng 1.200 GV MN và các huyện điều chuyển 408 GV Trung học cơ sở, Tiểu học xuống dạy MN, hiện nay toàn tỉnh còn thiếu 491 GV MN.
Thống kê cho thấy, hiện có 3.842 phòng học kiên cố, 1.075 phòng học bán kiên cố, 483 phòng học mượn và 966 phòng học tranh tre, nứa lá. Như vậy, tỉnh Thanh Hóa còn thiếu 1.404 phòng học MN. Những huyện thiếu nhiều phòng học như: Ngọc Lặc, Tĩnh Gia, thành phố Sầm Sơn, Cẩm Thủy...
Hiện nay, đa số các trường công lập đều quá tải về cơ sở vật chất, sỹ số học sinh/lớp cao hơn so với quy định, GV nhiều huyện còn thiếu so với nhu cầu. Trong khi, công tác xã hội hóa giáo dục MN thời gian qua còn nhiều hạn chế, do tỉnh chưa có chính sách đủ mạnh để khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng trường, lớp MN, nhất là khu vực nông thôn, miền núi.
Đến năm học 2020 - 2021, dự kiến tỷ lệ huy động nhà trẻ ra lớp trong độ tuổi đạt khoảng 40%; tỷ lệ huy động cháu mẫu giáo 3 - 4 tuổi ra lớp đạt trên 90%, mẫu giáo 5 tuổi đạt gần 100%. Theo số liệu dự báo kế hoạch của các huyện, thị, thành phố đến năm 2020 - 2021, số học sinh tăng thêm so với năm học 2017 - 2018 là 30.587 cháu. Trung bình toàn tỉnh mỗi năm tăng thêm 10.000 cháu.
Đến năm 2020, tỉnh Thanh Hóa cần phải xây dựng thêm 81 trường, với số phòng học tăng thêm là 1.300 phòng mới đáp ứng yêu cầu học tập. Nhu cầu GV cho số trường học tăng thêm là 2.025 người. Dự kiến ngân sách tỉnh phải trả cho cán bộ quản lý, GV của 81 trường tăng thêm là 97,2 tỷ đồng/năm.
Tuy nhiên, do kinh phí đầu tư xây dựng và chi trả chế độ tiền lương cho cán bộ quản lý, GV, nhân viên rất lớn, trong khi ngân sách hạn chế, không thể đáp ứng được. Từ đó, tỉnh Thanh Hóa ban hành chính sách khuyến khích, hỗ trợ các nhà đầu tư xây dựng trường MN tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, góp phần thực hiện tốt chủ trương, chính sách của nhà nước về xã hội hóa giáo dục.
Mục tiêu của chính sách là khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư xây dựng các trường ngoài công lập nhằm đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục MN; giảm quá tải đối với các trường công lập, nhất là khu vực nông thôn, miền núi.
Nhiều địa phương ở Thanh Hóa bị áp lực vì thiếu phòng học Mầm non. (ảnh minh họa)
Nhiều chính sách hỗ trợ thành lập trường Mầm non ngoài công lập
Theo chính sách xã hội hóa giáo dục Mầm non trên địa bàn đến năm 2030 do tỉnh Thanh Hóa đã ban hành , trường MN ngoài công lập được thành lập và đi vào hoạt động trong khoảng thời gian từ 1/1/2018 đến ngày 30/12/2020 phải có tối thiểu 50 trẻ đối với vùng nông thôn, miền núi và 100 trẻ đối với vùng thành phố, thị xã. Diện tích bình quân tối thiểu là 12m2/trẻ đối với khu vực nông thôn, miền núi; 8m2/trẻ đối với khu vực thành phố, thị xã và núi cao...
Sau 3 năm thành lập và đi vào hoạt động, trường phải bổ sung các điều kiện để đạt tiêu chuẩn của trường MN chuẩn quốc gia. Đồng thời, phải thực hiện đầy đủ các chính sách: Bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và kinh phí công đoàn cho cán bộ quản lý, GV và người lao động theo quy định hiện hành.
Cán bộ quản lý, GV được thụ hưởng chính sách phải đảm bảo tiêu chuẩn về chức danh nghề nghiệp theo quy định. Số lượng người thụ hưởng được áp dụng theo quy định của UBND tỉnh về định mức bình quân trẻ/lớp và định mức cán bộ quản lý, GV các trường công lập trên địa bàn.
Tỉnh Thanh Hóa sẽ hỗ trợ kinh phí cho chủ đầu tư của các trường ngoài công lập để trả lương cho cán bộ quản lý, GV. Cụ thể, đối với các trường thuộc các xã miền núi, thời gian hỗ trợ là 10 năm kể từ khi trường được thành lập và đi vào hoạt động. Trong đó, 5 năm đầu hỗ trợ hàng tháng bằng 100% lương khởi điểm, 5 năm tiếp theo giảm dần theo từng năm lần lượt bằng 80%, 60%, 40% và 10% lương khởi điểm theo trình độ chuyên môn.
Đối với các xã đồng bằng thuộc huyện, thị xã, thành phố và thị trấn miền núi, thời gian hỗ trợ là 6 năm. Trong đó 3 năm đầu hỗ trợ 100% lương khởi điểm; 3 năm tiếp theo giảm dần theo từng năm lần lượt là 70%, 50% và 30% lương khởi điểm theo trình độ chuyên môn. Số cán bộ, GV được hỗ trợ hàng năm được tính theo số học sinh hiện có của nhà trường tại thời điểm kết thúc học kỳ 1.
Đối với các trường thuộc thị trấn của các huyện đồng bằng và các phường của thị xã được hỗ trợ 3 năm, theo thứ tự năm đầu là 70%, năm thứ 2 là 50% và năm thứ 3 là 30%.
Hỗ trợ kinh phí cho chủ đầu tư của các trường ngoài công lập để đóng BHXH, BHYT, BHTN và phí công đoàn cho cán bộ quản lý, GV. Cụ thể, đối với các trường thuộc thị trấn của các huyện đồng bằng và các phường của thị xã, hỗ trợ 3 năm với mức hỗ trợ là 500.000 đ/người/tháng. Số cán bộ quản lý, GV được hỗ trợ hàng năm được tính theo sô cán bộ quản lý, GV được hỗ trợ lương.
Với các trường thuộc các xã miền núi, các xã đồng bằng thuộc huyện, thị xã, thành phố và thị trấn miền núi được hỗ trợ 5 năm với mức 500.000 đồng/người/tháng. Chính sách trên được thực hiện từ năm 2018 - 2030, kinh phí được hỗ trợ trực tiếp cho các trường từ nguồn kinh phí sự nghiệp giáo dục và đào tạo trong dự toán ngân sách cấp tỉnh hàng năm.
UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tuyên truyền, thực hiện... chủ trương, chính sách nêu trên.
Duy Tuyên