Thanh Hóa: Bồi dưỡng nghiệp vụ cho gần 5.000 tổ trưởng chuyên môn các trường phổ thông
(Dân trí) - Năm học 2018 - 2019, Trung tâm Giáo dục thường xuyên (GDTX) Thanh Hóa phối hợp với Phòng giáo dục Trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và các đơn vị tổ chức bồi dưỡng cho gần 5.000 tổ trưởng, khối trưởng chuyên môn các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh này.
Bồi dưỡng nội dung người học cần, không bồi dưỡng những gì giáo viên có
Trung tâm GDTX Thanh Hóa vừa có đánh giá việc bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý cho tổ trưởng, khối trưởng chuyên môn trường phổ thông năm học 2018 - 2019 (bồi dưỡng).
Thời gian qua, Trung tâm GDTX phối hợp với Phòng giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT và Phòng GD&ĐT các huyện, thị xã, thành phố tổ chức bồi dưỡng cho đội ngũ tổ trưởng, khối trưởng chuyên môn (học viên) trường Tiểu học, THCS, THPT và Trung tâm GDNN-GDTX trên địa bàn tỉnh.
Mục đích chương trình là giúp cho học viên nắm vững vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của tổ chuyên môn, hiểu được các phương pháp và cách thức quản lý tổ chuyên môn, đồng thời vận dụng kiến thức và kỹ năng quản lý tổ chuyên môn vào thực tiễn quản lý. Trung tâm GDTX đã tham mưu cho Sở GD&ĐT về việc xây dựng chương trình bồi dưỡng.
Đối tượng bồi dưỡng là 100% tổ trưởng, khối trưởng chuyên môn trường Tiểu học, THCS, THPT, Trung tâm GDNN-GDTX trên địa bàn.
Các nội dung bồi dưỡng được thiết kế, giảng dạy theo hướng phát triển năng lực người học, giảm tối đa các nội dung mang tính hàn lâm, học thuật. Nội dung bồi dưỡng cho học viên tập trung vào 5 chuyên đề.
Năm học 2018 - 2019, có tổng số 4.839 người tham gia bồi dưỡng; trong đó, 1212 học viên trường THPT và Trung tâm GDTX; 3.627 học viên trường Tiểu học, THCS.
Kết quả bồi dưỡng cho thấy, qua mỗi đợt, học viên đã được tiếp thu những kiến thức tổng quan về Thanh Hóa. Đặc biệt, được nghe trực tiếp kinh nghiệm làm tổ trưởng, phó hiệu trưởng, hiệu trưởng các trường THPT đạt chuẩn quốc gia, THPT chuyên Lam Sơn trao đổi...
Trong đó, còn có các đoàn công các của Sở GD&ĐT, Trung tâm GDTX các tỉnh Hà Tĩnh, Phú Thọ, Hải Phòng đến dự, trao đổi kinh nghiệm và phương thức tổ chức loại hình bồi dưỡng.
Trung tâm lựa chọn đội ngũ giáo viên đã và đang trực tiếp làm nhiệm vụ bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục Thanh Hóa.
Với quan điểm lấy người học làm trung tâm, bồi dưỡng những nội dung người học cần chứ không phải bồi dưỡng những gì giáo viên có. Các giáo viên lên lớp đã lựa chọn những nội dung trọng tâm, thiết thực với người học để trao đổi, thảo luận...
Tuy vây, trong quá trình bồi dưỡng, một số học viên tuổi cao, tính chủ động, linh hoạt, sáng tạo, khả năng nắm bắt kịp thời cái mới trong điều kiện có nhiều thay đổi hiện nay bị hạn chế.
Bên cạnh đó, một số học viên chưa quan tâm và coi trọng đúng mức việc học tập, bồi dưỡng theo quy định cũng như công tác tự học, tự bồi dưỡng để nâng cao nghiệp vụ cho bản thân...
Sử dụng kết quả để xem xét quy hoạch, bổ nhiệm vào các chức danh quản lý
Từ thực tế bồi dưỡng, Trung tâm GDTX đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa, Sở GD&ĐT cần kiên trì mục tiêu “Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trước hết là chất lượng của đội ngũ cán bộ quản lý trường học”.
Đặc biệt, cần xây dựng chuẩn tổ trưởng tổ chuyên môn; tổ chức đánh giá một cách nghiêm túc kết quả làm việc của tổ trưởng tổ chuyên môn.
Sử dụng kết quả đánh giá tổ trưởng tổ chuyên môn về các mặt như: Phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, năng lực quản lý tổ chuyên môn để đánh giá, xếp loại viên chức; xem xét quy hoạch, bổ nhiệm vào các chức danh quản lý nhà trường.
Có chế độ ưu đãi và chính sách thu hút đối với những tổ trưởng tổ chuyên môn giỏi, đang công tác ở những trường thuộc vùng khó khăn, những trường yếu kém; đang làm tổ trưởng tại các trường hạng I có số lượng giáo viên, học sinh đông, nhằm khuyến khích động viên để thúc đẩy việc quản lý tốt các tổ chuyên môn tại các nhà trường, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Duy Tuyên
.