Thang điểm 20 chấm lẻ đến 0,25 điểm: Đề thi ra như thế nào?

(Dân trí) - Việc Bộ GD-ĐT mở rộng từ thang điểm 10 sang thang điểm 20, học sinh sẽ được lợi gì nếu chấm điểm lẻ đến 0,25? Khâu ra đề sẽ như thế nào?... Đây là những lo lắng của nhiều giáo viên.

Đề thi năm 2015 yêu cầu học sinh
Đề thi năm 2015 yêu cầu học sinh đạt 4 mức yêu cầu: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng.

Câu hỏi đề thi có tăng lên?

Theo dự thảo Quy chế thi THPT quốc gia, bài thi tự luận được quy định chung, chấm thi theo hướng dẫn chấm, đáp án của Bộ GD-ĐT (thang điểm 20), các ý nhỏ được chấm điểm lẻ đến 0,25 điểm, không quy tròn điểm từng bài thi.

Bài thi trắc nghiệm đều phải được chấm bằng máy và phần mềm chuyên dụng. Phần mềm chấm phải có chức năng kiểm dò và xác định được các lỗi để chấm đúng theo quy chế thi. Tổ chấm tiến hành chấm điểm và quy đổi điểm bằng máy tính sang thang 20 điểm (điểm lẻ đến 0,25) cho từng bài thi trắc nghiệm.

Băn khoăn lo lắng về hình thức chấm trên, PGS.TS Lê Hữu Lập, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cho rằng: “Nếu Bộ áp dụng thang điểm 20 cho tất cả 8 môn thi thì khâu ra đề sẽ gặp rất khó khăn. Với môn thi trắc nghiệm, số câu có tăng lên 100 hay vẫn 50 câu như năm 2014?. Vấn đề này, Bộ GD-ĐT cần giải thích rõ. Tương tự đối với các môn thi tự luận như ngữ văn lại càng khó, các thầy chấm không thể tỉ mỉ, chia nhỏ ý như vậy nếu tính theo thang điểm 20.

“Bộ ra đề thi như thế nào để chấm được trong thang điểm 20, đây là việc không hề đơn giản, Bộ GD-ĐT cần phải tính toán kỹ” - ông Lập chia sẻ.

Khía cạnh khác, ông Hoàng Đức Thắm, Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Trị cho rằng: “Nếu chỉ dùng kết quả để xét tốt nghiệp thì có điểm 10 hay 20 không quan trọng. Nhưng đây là kỳ thi kép, dựa trên kết quả xét tốt nghiệp để tuyển sinh đại học, cao đẳng thì càng chi tiết càng tốt. Nếu cho điểm theo thang 10 mà chi tiết là 0,5 thì xét vào đại học, cao đẳng sẽ có nhiều thí sinh điểm ngang nhau; còn cho theo thang điểm 20 dễ chấm hơn, có khi chỉ chênh nhau tới 0,25 điểm là kết quả lựa chọn vào trường đại học, cao đẳng đã khác rồi”.

Còn theo TS Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), để các trường có thể đáp ứng nhiệm vụ thực hiện chủ trương đổi mới về kiểm tra, đánh giá một cách hiệu quả thì phải sớm làm rõ yêu cầu của từng môn có trong kỳ thi sắp tới. Hiện nay, Bộ GD-ĐT mới chỉ công bố chung chung rằng "đề thi THPT quốc gia năm 2015 sẽ tương tự đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014". Bộ nên có một số đề thi mang tính định hướng để các trường vận dụng. Giáo viên sẽ bám sát định hướng này để dạy, học trò cũng có hướng để ôn luyện một cách chủ động. Việc ban hành đề mẫu còn giúp cho thầy, trò các nhà trường tự đánh giá xem đã đáp ứng được yêu cầu ở mức độ nào, từ đó có sự điều chỉnh trong chỉ đạo, tổ chức và dạy học kịp thời nhằm nâng cao chất lượng kỳ thi.

Giải thích về hướng ra đề thi năm nay, TS Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục THPT - Bộ GD-ĐT cho biết: “Đề thi kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 sẽ tiếp tục sử dụng các câu hỏi với 4 mức yêu cầu là: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao như đề thi năm 2014; yêu cầu vận dụng kiến thức tổng hợp để trả lời chứ không đặt nặng việc ghi nhớ số liệu, sự kiện hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn. Học sinh không chỉ học thuộc lòng hoặc ghi nhớ kiến thức một cách máy móc mà cần biết vận dụng và vận dụng sáng tạo kiến thức, kỹ năng, vận dụng kiến thức, kỹ năng vào giải quyết những vấn đề mang tính thực tiễn. Đối với các môn khoa học xã hội và nhân văn, học sinh phải biết trả lời câu hỏi mở; gắn với thời sự quê hương, đất nước, bày tỏ chính kiến của mình về các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội”.

Thí sinh được lợi trong thang điểm 20

Trao đổi với PV Dân trí về thang điểm 20 có lợi gì cho thí sinh, PGS.TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí & Kiểm định chất lượng - Bộ GD-ĐT cho biết: “Kì thi THPT quốc gia lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tuyển sinh ĐH, CĐ, do đó yêu cầu phân hóa kết quả thi của thí sinh phải được đặt ra cao hơn so với kì thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ riêng rẽ như trước đây.

Trong kì thi THPT quốc gia, dự thảo quy chế dự kiến sử dụng thang điểm 20 đối với tất cả 8 môn thi trong kì thi. Thay đổi này hướng tới đảm bảo quyền lợi cho thí sinh vì trước đây, sử dụng thang điểm 10, chấm đến 0,25, như vậy thang điểm được chia thành 40 mức. Do đó, những lập luận, diễn giải, tính toán trung gian có thể không được tính điểm do chưa đi đến kết quả cuối cùng, do vậy thí sinh sẽ bị thiệt.

Với thang điểm 20, cũng chấm đến 0,25, lúc đó thang điểm được chia thành 80 mức. Do đó, những lập luận, diễn giải, tính toán trung gian sẽ được tính điểm, như vậy học sinh có lợi hơn.

Ông Trinh khẳng định: Việc mở rộng thang điểm không làm thay đổi cách làm bài của thí sinh, do đó các thí sinh không có khó khăn gì thêm so với trước đây. Một số khó khăn nằm ở khâu ra đề, xây dựng hướng dẫn chấm và công tác chấm thi của giáo viên. Vì lợi ích của thí sinh, đội ngũ giáo viên sẽ cố gắng với tinh thần trách nhiệm cao nhất, cùng với làm tốt công tác tập huấn chấm thi thì những khó khăn nói trên sẽ được vượt qua.

Mặt khác, việc mở rộng thang điểm 20 cũng sẽ hỗ trợ các trường ĐH, CĐ trong tuyển sinh. Với thang điểm 10 trước đây, số học sinh có tổng điểm 3 môn chênh nhau 0,5 là khá lớn dẫn đến các trường gặp khó khăn nhất định trong tuyển sinh. Ví dụ, nếu lấy điểm trúng tuyển là 18,0 thì còn thiếu một số chỉ tiêu, nhưng nếu hạ xuống 17,5 thì lại vượt chỉ tiêu quá mức cho phép. Với thang điểm 20, tổng điểm 3 môn gồm nhiều mức hơn phù hợp tốt hơn với sự đa dạng của các trường ĐH, CĐ giúp các trường thuận lợi hơn trong tuyển sinh.

“Với những lý do trên, kì thi THPT quốc gia dự kiến sử dụng thang điểm 20. Bộ GD-ĐT tiếp tục lắng nghe ý kiến của giáo viên, học sinh và các chuyên gia trước khi chính thức đưa vào quy chế hướng tới tổ chức thành công kì thi THPT quốc gia 2015” - ông Trinh nhấn mạnh.

Hồng Hạnh
 

 

Mọi thông tin, ý kiến đóng góp về các vấn đề giáo dục, quý độc giả có thể gửi đến ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!