Tháng 4/2008: Công bố Đề án đổi mới cơ chế quản lý tài chính

(Dân trí) - Theo Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD - ĐT Nguyễn Thiện Nhân, hiện nay Bộ GD- ĐT đang soạn thảo Đề án Đổi mới cơ chế quản lý tài chính. Dự kiến, đề án này sẽ được công bố vào tháng sau.

Tại Hội nghị đối thoại thường niên lần thứ hai giữa lãnh đạo Bộ GD - ĐT với nhóm các nhà tài trợ quốc tế cho giáo dục diễn ra hôm qua 6/3 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhận định rằng hệ thống quản lý tài chính giáo dục đang rất phân tán, Bộ GD - ĐT chỉ chiếm một phần nhỏ trong quản lý tài chính nên không kiểm tra và theo dõi hết tính hiệu quả trong chi tiêu cho giáo dục. Phó Thủ tướng khẳng định: Cơ chế này sẽ cần được thay đổi trong thời gian tới nếu muốn tăng tính hiệu quả trong đầu tư cho giáo dục.

Đã từ nhiều năm nay, Bộ GD- ĐT chỉ quản lý trực tiếp khoảng 5% ngân sách dành cho giáo dục, 95% ngân sách giáo dục còn lại là do các Bộ khác và địa phương trực tiếp quản lý. Theo quy chế hiện nay, việc chi tiêu 95% này thế nào không cần báo cáo về Bộ GD- ĐT về hiệu quả đầu tư.

Vào tháng 10 năm 2007, lần đầu tiên Bộ GD- ĐT công bố báo cáo "Giáo dục Việt Nam - Đầu tư và cơ cấu tài chính". Bản báo cáo đã chỉ ra nhiều điểm khá bất ổn trong việc quản lý và sử dụng tài chính trong giáo dục. Trong đó nổi lên điểm bất ổn lớn nhất là mất cân đối nghiêm trọng trong việc sử dụng tiền ngân sách.

Cụ thế như: Với tổng số tiền từ ngân sách nhà nước cho giáo dục đào tạo như năm 2006 là 54.798 tỷ đồng thì ngành giáo dục đã dùng tới 81,8% tổng số tiền này để chi thường xuyên, số tiền để chi cho đầu tư chỉ là 10.000 tỷ, chiếm 18,2%.

Tỷ lệ này khi về các địa phương còn tiếp tục mất cân đối nghiêm trọng hơn. Với 40.458 tỷ đồng ngân sách giáo dục rót về các địa phương thì có tới 34.578 tỷ đồng dành cho việc chi thường xuyên, chi cho đầu tư chỉ là 5.880 tỷ đồng.

Như vậy, chủ yếu số tiền trong tổng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục như năm 2006 chỉ được dùng vào việc chi tiêu, tiền dành cho đầu tư hầu như không đáng kể. Trong khi đó, tiền đầu tư ở đây được tính cho những việc như nâng cao cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, trường lớp, đổi mới phương pháp dạy và học...

Trong các năm 2005, 2004 tình hình chi cũng tương tự khi chi thường xuyên của năm 2005 chiếm tới 83,2%, năm 2004 là 82,3%.

Trong khi đó, tại hầu hết các nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới như Anh, Pháp, Mỹ và ngay ở những quốc gia láng giềng như Trung Quốc, tỷ lệ chi thường xuyên chỉ chiếm khoảng 40% trong tổng chi, 60% còn lại dành cho việc tái đầu tư.

MM