Thái Huy Nguyên - Giỏi võ, giỏi… mò mẫm
(Dân trí) - Thích mò mẫn, khám phá những vật dụng chạy bằng điện như quạt cóc, đèn bàn hay như xe ôtô đồ chơi chạy bằng điện… Đó là “đặc điểm dễ nhận dạng” về Thái Huy Nguyên - học sinh lớp 12 Trường THPT Quỳ Hợp 1.
Thái Huy Nguyên (SN 1990), ở thị trấn huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) là con trai thứ hai trong một gia đình bố mẹ đều là công nhân đã nghỉ hưu. Cậu bạn này mơ ước một ngày không xa sẽ trở thành một nhà sáng chế.
Niềm đam mê sáng chế
Ông Thái Huy Cả, bố Nguyên tâm sự: “Nguyên tự lắp ráp cho mình những vật dụng đơn giản như chiếc quạt mát mi ni, cánh bằng nhôm mỏng có giá đỡ đàng hoàng, chiếc đèn ngủ cá nhân chạy pin con thỏ. Hay như chiếc tàu thuỷ chạy trên nguyên lý dây cót bằng những sợi dây chun nhỏ xoắn lại...”.
Thấy con suốt ngày mải mê với những thứ đồ vứt đi, bố mẹ khuyên con nên chăm chú vào học tập thì tốt hơn. Ông bảo: “Việc chính của con hôm nay là việc học tập!” Nhưng suốt ngày vẫn thấy con đam mê không thể từ bỏ những thứ vớ vẩn ấy. Thế là, ông bà lặng lẽ hỗ trợ con bằng cách thấy ai có thiết bị, động cơ chạy điện hư hỏng lại tìm cách xin hoặc mua theo giá phế liệu đưa về cho Nguyên nghiên cứu lắp ráp.
Cứ như thế, ngày hai buổi đến trường, ngoài việc giúp bố mẹ Nguyên lại lao vào “nghiên cứu chế tạo”. Biết bao lần thất bại và cũng không ít những niềm vui khi thực hiện thành công những “cỗ máy” mini lắp ráp bằng vật liệu phế thải.
Suốt thời gian từ năm học lớp 5 đến lớp 9 dường như năm nào Nguyên cũng thực hiện cho mình một đề tài về chế tạo máy móc thiết bị làm đồ chơi có động cơ chạy pin. Thấy cậu đam mê và có khả năng, thầy, cô và bạn bè trong trường hết sức ủng hộ và động viên cậu trong công việc và gọi cậu là “Nhà sáng chế” của trường.
Thái Huy Nguyên giới thiệu nguyên lý làm việc của mô hình “Tàu ngầm cứu hộ, cứu nạn”
Năm 2006, Thái Huy Nguyên đang học lớp 10 Trường THPT Quỳ Hợp 1, khi biết có cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc (do Hội đồng Đội TƯ và Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam tổ chức hàng năm), được các thầy cô và bạn bè động viên khuyến khích, Thái Huy Nguyên đã mạnh dạn gửi đề tài “Máy lu-ủi- Cẩu đa chức năng”.
Kết quả Nguyên đã trao giải khuyến khích. Phấn khởi và tự tin, năm học 2006-2007 (lớp 11) Nguyên tiếp tục tham gia cuộc thi với đề tài “Rôbốt giúp việc cho người khuyết tật” và giành Giải Ba. Năm học 2007-2008, Nguyên gửi đề tài “ Máy mát - xa thư giãn đầu óc và cơ thể cho gia đình” và một lần nữa lại nhận được giải khuyến khích.
Điều đáng nói tất cả những sản phẩm này đều được Nguyên chế tạo và lắp ráp phần lớn từ những vật liệu mua lại các điểm thu gom phế liệu. Những sáng chế này theo nhận xét của các nhà khoa học tại các cuộc thi hàng năm, thể hiện một tài năng trẻ và đều rất có ý nghĩa thiết thực có thể áp dụng vào thực tế.
Năm 2008, xem trên truyền hình thấy ngư dân thường hay gặp nạn trên biển, với suy nghĩ “mình phải làm được cái gì đó để hạn chế những rủi ro ấy”. Thế là Thái Huy Nguyên ngày đêm lao vào nghiên cứu và hiện đã hoàn chỉnh mô hình “Tàu thuỷ chống, chịu được thiên tai” và đang tiếp tục hoàn thiện đề án mô hình “Tàu ngầm cứu hộ trên biển”...
Chân dung người “thầy” Karatedo
Ngoài việc học tập, sáng chế Nguyên còn là một người “thầy” dạy karatedo tại Nhà Văn hoá Thiếu Nhi huyện. Được biết, để trở thành võ sinh xuất sắc như bây giờ, từ năm lớp 3 Nguyên đã đi học môn võ thuật này không một ngày ngưng nghỉ. Thường xuyên là một vận động viên trong đội tuyển của huyện Quỳ Hợp tham gia các kỳ thi cấp tỉnh.
Với năng lực, trình độ của mình kỳ thi Karatedo năm 2007 Nguyên đã được Uỷ ban thể dục thể thao Việt Nam công nhận và cấp bằng chứng nhận đẳng cấp Nhất đẳng huyền đai. Hiện, Thái Huy Nguyên chính thức là một huấn luyện viên võ thuật tại Nhà Văn hoá Thiếu nhi Quỳ Hợp, cậu học trò này đang dạy cho hàng trăm người tại đây.
Chiếc tàu ngầm cứu hộ, cứu nạn sẽ được Nguyên gửi dự thi
cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu nhi, nhi đồng toàn quốc
năm 2009
Chúng tôi gặp Nguyên khi cậu đang cặm cụi bên mô hình “Tàu ngầm cứu hộ cứu nạn”. Nguyên bảo hai đề tài: “Tàu thuỷ chống - chịu được thiên tai” và “Tàu ngầm cứu hộ trên biển” sắp tới em sẽ gửi đến cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu nhi, nhi đồng toàn quốc năm 2009. Em hy vọng sẽ nhận được sự quan tâm của các nhà khoa học trước ý nghĩa và giá trị thực tiễn của đề tài”.
“Hiện tại trong phòng truyền thống của trường THPT Quỳ Hợp 1 chúng tôi đang trưng bày mô hình đoạt giải Ba “Rôbốt phục vụ cho người khuyết tật” cùng với tấm bằng chứng nhận do Giáo Sư - Viện sỹ Vũ Tuyên Hoàng ký. Đây là niềm vinh dự của không chỉ riêng Thái Huy Nguyên - Nhà sáng chế tài ba mà còn là niềm vinh dự cho Trường chúng tôi”, thầy Nguyễn Đình Thông - Hiệu trưởng trường Trường THPT Quỳ Hợp 1 tự hào về thành tích mà Nguyên mang lại cho nhà trường.
Trong niềm vui trước những đề tài của mình đã và đang được khẳng định, rời phòng lắp ráp mô hình, trong bộ võ phục Karatedo Thái Huy Nguyên đã biểu diễn những đường quyền chính đầy uy lực. Theo Nguyên, đây là một cách thư giãn sau những giờ “nghiên cứu” đề tài.
Nguyễn Duy