Thạc sỹ Luật tại Mỹ: “Bạn chọn tiện nghi hay cơ hội”
(Dân trí) - Nhân chuyện DHS "ở hay về", anh Thái Anh Bảo – tốt nghiệp thạc sỹ Luật thương mại quốc tế trường ĐH Arizona, Mỹ kể câu chuyện bản thân đã thay đổi cuộc đời sau cuộc trò chuyện 5 phút với vị giáo sư người Mỹ. Và anh chọn trở về quê hương Việt Nam.
“Nhân chuyện mọi người sôi nổi bàn về chuyện các DHS Việt Nam ở nước ngoài nên về nước hay ở lại nước ngoài sau khi đi học, tôi nhớ lại trường hợp của mình và lời giáo sư của tôi dạy.
Cách đây hơn mười năm, khi gần tốt nghiệp, tôi rất băn khoăn là mình có nên về Việt Nam hay ở lại Mỹ (học thêm lên tiến sỹ hoặc ở lại làm việc). Lý do không muốn về Việt Nam của tôi là vì hệ thống pháp luật Việt Nam không phát triển như hệ thống pháp luật của Mỹ. Do đó, tôi nghĩ rằng những gì mình học được sẽ không được trọng dụng.
Tuy nhiên, tôi thấy những lý do đó vẫn không đủ mạnh để thuyết phục chính mình. Tôi đi gặp giáo sư hướng dẫn của mình và đặt một câu hỏi. Giáo sư trả lời trong khoảng 5 phút và 5 phút đó thay đổi cuộc đời tôi.
Câu hỏi của tôi là “Giáo sư nói cho tôi biết, tôi có nên về Việt Nam hay không? và lý do tại sao?”
Thầy tôi trả lời như sau: “Con trai, ta không thể khuyên con có nên ở lại hay về. Ta kể cho con chuyện này và tuỳ con suy nghĩ xem có học được gì từ nó không.
Suốt 5 thế kỷ từ thế kỷ 15 tới 20, hàng triệu người châu Âu đã từ bỏ lục địa này để tới châu Mỹ. Họ bỏ lại sau lưng tiện nghi sẵn có để tìm kiếm cơ hội.
Trong thế kỷ 19, hàng triệu người Mỹ rời khỏi bờ Đông để tiến sang miền Tây hoang dã. Họ bỏ lại tiện nghi có sẵn ở các thành phố nơi đó để tìm kiếm cơ hội. Cũng như vậy, việc ở lại Mỹ hay không cũng sẽ tương tự như vấn đề tiện nghi và cơ hội vậy”.
Tôi hỏi giáo sư là “tôi nghĩ là, ở đây (ở lại Mỹ) tôi có nhiều cơ hội hơn để sử dụng thứ mà tôi được đào tạo!” Giáo sư trả lời “Cái gì là cơ hội hay tiện nghi sẽ phụ thuộc vào việc con là ai. Con đã đọc tiểu thuyết Ca-dăng (Kazan) chưa?” Tôi trả lời là đã đọc.
Thầy tiếp: “Tiện nghi của một con chó sói là đồng cỏ và những cánh rừng mênh mông, nơi nó có sự tự do. Cơ hội của nó là mùa xuân tới khi vạn vật sinh sôi khiến nó săn mồi được dễ dàng, và niềm vui của nó là được tự hưởng thành quả của cuộc đi săn.
Tiện nghi của một con chó nhà là cái chuồng êm ấm, nơi nó bị xích nhưng vui vẻ. Cơ hội của nó là ngày lễ Giáng sinh hoặc khi ông chủ vui thì nó được thưởng thêm một cái đùi gà. Niềm vui của nó là ngồi trong chuồng trong trời tuyết và thích thú khi so sánh nó với những con sói đang chịu rét mướt ngoài đồng.
Vấn đề, con trai ạ, là con là sói hay chó nhà. Một con chó sói sẽ không bao giờ thích tiện nghi của một con chó nhà (như Ca-dăng trong cuốn tiểu thuyết) và một con chó nhà sẽ coi khinh những cơ hội của con sói. Vấn đề là con là ai”.
Mười năm sau ngày tôi về nước, thầy tôi gửi cho tôi một chiếc bình thuỷ tinh trong đó có cát của hoang mạc Arizona để tôi nhớ về thầy và trường học. Tôi nhờ cậu sinh viên Mỹ mang quà cho tôi nhắn lại cho thày là “mày hãy nói với thày là giờ đây, tao biết chắc tao là sói và câu nói “facility or opportunity” (tiện nghi hay cơ hội) của thầy đã thay đổi đời tao. Và đến giờ, tao chưa bao giờ hối tiếc về điều đó”.
Cậu sinh viên cười và nói “ông ấy có thể nghĩ hoặc tao hoặc mày bị điên khi nói về chó sói”… Tôi bảo cậu ấy “mày cứ nói thế đi, ông ấy chắc chắn hiểu và sẽ vui về điều đó”.
Đến giờ, đã 11 năm, tôi chưa trở lại miền hoang mạc. Tôi đã trở về và hạnh phúc. Thế nhưng, tôi biết rằng tôi đã để lại một phần của mình ở nơi đó, nơi có người thày đã dạy tôi về cuộc sống bằng một câu chuyện đơn giản.
Với các bạn trẻ, về hay ở, đó là sẽ là sự lựa chọn giữa tiện nghi và cơ hội; và để biết được đâu là cơ hội, đâu là tiện nghi, bạn phải biết mình là chó nhà hay chó sói.
Thái Anh Bảo
(Thạc sỹ Luật thương mại quốc tế trường ĐH Arizona, Mỹ)