Thạc sĩ ĐH Harvard: “Muốn con thành công, hãy cho con học viết”

(Dân trí) - Buổi nói chuyện “Giúp con học hiệu quả” với Thạc sĩ Quản lý công của Đại học Harvard Đào Thu Hiền được diễn ra mới đây tại Hà Nội. Theo bà Hiền, kỹ năng viết quan trọng nhưng học sinh lại ít được học viết, nhất là khi học tiếng Anh.

Kỉ niệm đáng nhớ với viết tiếng Anh

Thạc sĩ Báo chí ĐH Columbia (Mỹ), cử nhân sư phạm ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Việt Nam và từng là trợ lí báo chí 3 năm cho người Mỹ nhưng cựu du học sinh xuất sắc này được thầy giáo dạy viết luận ở ĐH Columbia phê vào lề bài “This is not English!” (tạm dịch “tiếng Anh không như thế”).

Nguyên phóng viên Hãng tin Associated Press (AP) và Bloomberg News Đào Thu Hiền nói: “Ngữ pháp, từ vựng, cấu trúc trong bài tôi đều đúng. Nói thực lúc ấy tôi không phục. Sau này biết nhiều hơn tôi mới hiểu là tôi đã nghĩ một ý tưởng bằng tiếng Việt sau đó chuyển sang tiếng Anh và viết như văn Việt viết bằng tiếng Anh.

Sự kết hợp của cách diễn đạt chỉ có trong tiếng Việt và một khái niệm văn hóa khác nhau làm thầy không hiểu mình muốn nói gì, dù câu đúng 100%. Từ đó, tôi quyết tâm bỏ kiểu nghĩ bằng tiếng Việt rồi viết bằng tiếng Anh, bắt đầu học cách nghĩ bằng tiếng Anh và các cách diễn đạt của tiếng Anh”.


Thạc sĩ tại Mỹ Đào Thu Hiền giao lưu với các bậc phụ huynh.

Thạc sĩ tại Mỹ Đào Thu Hiền giao lưu với các bậc phụ huynh.

Học viết từ nhỏ

Theo nguyên Cố vấn tài chính Văn phòng Thị trưởng TP. New York Thu Hiền cho biết, các bài viết luôn là cơ sở để mọi người đánh giá năng lực, trình độ và kết quả làm việc của một cá nhân ở trường đại học, tại nơi làm việc và ngay trong cộng đồng.

Khi tốt nghiệp, những người viết tốt luôn có nhiều cơ hội việc làm tốt. Dù mới vào nghề hay đang phát triển sự nghiệp, kỹ năng viết giúp họ thể hiện bản thân và tạo ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng, đối tác.

Học sinh nên được học viết tiếng Anh từ sớm.
Học sinh nên được học viết tiếng Anh từ sớm.

“Kỹ năng viết quan trọng nhưng học sinh lại ít được học viết, nhất là khi học tiếng Anh. Nguyên nhân có thể do chúng ta chú trọng kỹ năng nói hơn. Cũng có thể do nhà trường chưa chú trọng dạy năng lực viết. Học viết đòi hỏi học sinh phải kiên trì, có hứng thú với ngôn ngữ và có người dạy truyền cảm hứng.

Một điều tôi quan sát là càng lớn chúng ta càng không muốn học viết vì phải học những thứ nhỏ như dạng từ, quy tắc,… Viết học thuật có khuôn mẫu chuẩn, rõ ràng vì thế cần phải học để biết. Ngôn từ của học thuật cũng trang trọng hơn và cấu trúc câu dài, phức tạp.

Vậy nên tốt nhất là dạy viết từ khi học sinh còn nhỏ, khi mà việc học viết còn tạo hứng thú, không làm các em “ngại” và đầu óc trẻ thơ còn ghi nhớ tốt”, thạc sĩ Đào Thu Hiền chia sẻ.

Tác giả bài viết Đào Thu Hiền, từng học Thạc sĩ tại ĐH Harvard từ 2003 - 2005 và học tại ĐH Columbia từ 1997 - 1998. Bà từng làm việc tại Sở Tài chính New York và văn phòng thị trưởng New York trong giai đoạn 2005 - 2011. Trước đó, tác giả Đào Thu Hiền làm báo cho Bloomberg và AP.

Thạc sĩ Hiền từng là cố vấn cho các Sở Giáo dục tại Mỹ về cải tổ giáo dục trong giai đoạn 2010-2012.

Hồng Vân