Thạc sĩ, cử nhân ồ ạt học... trung cấp
Tại các trường trung cấp, số thạc sĩ, cử nhân theo học ngày càng đông. Quá trình “liên thông ngược” này cho thấy một sự lãng phí rất lớn trong đào tạo đại học hiện nay.
Lê Thu Hòa, quê Nghệ An, tốt nghiệp hệ CĐ ngành kế toán tại một trường ĐH ở TPHCM nhưng sau nhiều tháng chờ việc, cô quyết định đăng ký học ngành quản trị nhà hàng của Trường Trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist. Cũng dự tuyển vào trường này, thí sinh Nguyễn Hồng Phước cho biết đã tốt nghiệp hệ CĐ ngành quản trị kinh doanh tại một trường ĐH, tuy đã nộp hồ sơ vào nhiều công ty nhưng không có hồi âm nên quyết định chuyển hướng.
30% liên thông ngược
Ở Trường Trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist, trong số 2.000 học sinh trường tuyển mỗi năm, khoảng 600 người có bằng ĐH, CĐ, thậm chí thạc sĩ - chiếm khoảng 30%. Ông Trần Văn Hùng, hiệu trưởng nhà trường, cho biết hầu như những người đã có bằng ĐH, CĐ quay lại học trung cấp đều đang thất nghiệp và không thiếu ngành nghề nào.
Tại nhiều trường trung cấp khác, tỉ lệ những người đã có bằng ĐH, CĐ cũng chiếm 20%-30%. Ông Lê Lâm - Chủ tịch HĐQT, nguyên Hiệu trưởng Trường Trung cấp Đại Việt - cho biết năm 2011 có 1.812 học sinh thì 308 người đã tốt nghiệp ĐH, CĐ và thạc sĩ. Năm 2012 có 1.607 người học thì 304 có bằng ĐH, CĐ.
Ông Đặng Văn Sáng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Ánh Sáng, cho biết mỗi năm, trường chỉ tuyển 1.000 học sinh nhưng tới 30% trong số đó đã có bằng ĐH, CĐ. Họ đã tốt nghiệp ở đủ ngành nghề và rất nhiều học viên tốt nghiệp các trường ĐH công lập...
Đại diện nhiều trường cho biết những người đã tốt nghiệp ĐH, CĐ chưa có việc làm quay lại học trung cấp ở những ngành nghề phù hợp hơn, dễ tìm việc làm hơn.
Hiện chưa có thống kê cụ thể từ phía ngành chức năng nhưng thực tế, những người đã có bằng ĐH, CĐ quay lại học trung cấp, học nghề ngành càng nhiều. Hiện tượng này được ví von là quá trình “liên thông ngược” hoặc “học viên sau ĐH”.
Hệ quả của đào tạo ĐH, CĐ tràn lan
Theo công bố của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, quý IV/2013, cả nước có thêm 72.000 lao động trình độ ĐH, CĐ thất nghiệp. Trong khi đó, chỉ tiêu vào ĐH tăng theo từng năm. Thực tế này khiến không ít người xót xa.
Ông Đặng Văn Sáng tính toán chi phí cho một người học ĐH bình thường không dưới 100 triệu đồng, bao gồm học phí và các chi phí khác. Bốn năm đèn sách ra trường thất nghiệp rồi lại tiếp tục học một nghề để mưu sinh là sự lãng phí rất lớn. Nhiều người trong số đó đang ôm theo cả một khoản nợ lớn mà chưa biết khi nào mới trả được.
Sở dĩ có tình trạng trên, nhiều ý kiến cho rằng hệ ĐH, CĐ tăng quy mô tuyển sinh khiến số lượng người theo học hệ này ngày càng nhiều nhưng không cần tính đến nhu cầu nhân lực thật sự mà xã hội đang cần. Ông Đỗ Hữu Khoa, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Công nghệ thông tin Sài Gòn, chỉ ra rằng năm 2014, chỉ tiêu vào ĐH là trên 400.000, CĐ trên 280.000 và hệ TCCN dự kiến 300.000. Nếu tính thêm chỉ tiêu các hệ vừa làm vừa học, liên thông ở các trường ĐH, CĐ và chính quy trong các trường CĐ, trung cấp nghề... thì có gần 1,1 triệu chỉ tiêu. Như vậy, với tỉ lệ 70% ĐH, CĐ và TCCN 30% thì tỉ lệ cơ cấu này hoàn toàn không hợp lý, dẫn đến tình trạng thừa thầy thiếu thợ.
Ngoài ra, tâm lý chuộng bằng cấp và công tác hướng nghiệp chưa hiệu quả cũng là nguyên nhân của sự lệch hướng. Ông Lê Lâm cho rằng chính công tác hướng nghiệp thời gian qua chưa tốt nên trong việc chọn ngành nghề, học sinh vẫn chạy theo ngành “hot”, ngành dễ học chứ không phải chọn theo năng lực. Tình trạng ngồi nhầm ĐH xảy ra nhiều năm, với nhiều sinh viên nên chuyện những cử nhân, kỹ sư thất nghiệp rồi quay lại học trung cấp với quyết tâm làm lại cuộc đời ngày càng phổ biến và trở thành vấn đề nhức nhối.
Ông Đặng Văn Sáng nhìn nhận ở tầm vĩ mô, trong tương lai gần phải xây dựng được cơ cấu nhân lực, từ đó xác định chỉ tiêu các ngành nghề, loại hình để Bộ Giáo dục và Đào tạo căn cứ xây dựng chiến lược nguồn nhân lực cho phù hợp, tránh sự lãng phí như hiện nay.
“Học tập là chuyện suốt đời nhưng việc có đến hàng chục triệu người tốt nghiệp ĐH, CĐ thất nghiệp rồi quay lại học trung cấp, học nghề hẳn chỉ có ở Việt Nam” - một chuyên gia giáo dục nhận định. |
Theo Huy Lân
Người Lao Động