Tết này con có về không?

(Dân trí) - Tết này con có về không? Không mẹ ạ, con bận lắm...

-Tết này con trai có về ăn tết không?

-Không bác ạ, cháu nó không về được...

 

-Giá như tết này anh về ăn tết thì vui nhỉ !

-Ừ con ạ, mẹ cũng muốn anh về nhưng đi lại tốn kém lắm, anh vừa đi học vừa đi làm vất vả, bố mẹ lại không có nhiều tiền...

 

Mẹ quay đi, giấu giọt nước mắt.

 

Xuân đang nhẹ về, len lỏi trên từng cây lá, làm bật nảy những chồi non nụ biếc. Xuân khẽ phả làn hơi ấm áp vào không gian lạnh giá, cảm giác trên má có như một cái hôn phớt nhẹ. Tết sắp đến rồi, lòng người nôn nao quá.

 

Tết là để trở về… - Ảnh: Internet.
Tết là để trở về… - Ảnh: Internet.



Chỉ còn hơn chục ngày nữa là Tết. Dù cái lạnh kéo dài, giá buốt, nhưng đất trời dường như đã hửng. Thỉnh thoảng lại có ngày nắng đẹp. Cái nắng ấm áp mang hơi xuân ùa về trên phố, sưởi ấm những nụ cười, làm tươi hồng đôi má em thơ.

 

Các bà các mẹ đi chợ, ngoài những thứ thịt cá rau dưa hàng ngày, lại lẩn nhẩn chọn hôm thì cân măng lưỡi lợn nâu vàng với  vài lạng nấm hương thơm nức mũi, hạt sen, tôm khô, bóng bì... chuẩn bị cho những món ăn ngày tết. 

 

Hôm thì cân hạt bí căng mẩy với  vài chục quả bưởi Diễn vàng ươm, vài cân bánh kẹo, mứt, rượu để tiếp khách. hôm lại hẹn cô bán xôi mang cho vài cân gạo nếp cái hoa vàng thơm dẻo, hẹn cô bán thịt  phần vài cân thịt ba chỉ thật ngon, hôm bó lá dong dài xanh mướt, hôm bó lạt giang trắng muốt... chuẩn bị cho nồi bánh chưng tết. Cứ thế dần dà mà đầy ắp cả nhà.

 

Người trồng  cây thì náo nức trước từng chồi nụ mới hé, càng chăm chỉ tưới vun cho cây ra hoa, ra lộc. Những vườn đào, vườn quất hớn hở uống nắng, rung rinh quả xanh nụ biếc , mong cho được tròn hoa vàng trái, để trong những ngày  tết, nhà nhà đều có đào có quất mừng xuân.

Chợ hoa ngày tết đã trở thành nét văn hóa của dân tộc. Chợ mở khoảng từ 24, 25 tết . Người đi ngắm hoa lũ lượt, hít hà, tắm tắc, trầm trồ... Và khi về bao giờ cũng chọn được cho mình một cây đào, cây quất ưng ý, một chậu bonsai dáng đẹp hay ít nhất là một vài cành violet tím mang về trưng tết.

 

Mâm ngũ quả được mua sắm sau cùng, vào ngày 28, 30 tết để được tươi tắn. Chuối và bưởi là hai loại quả không thể thiếu được trong mâm. Kết hợp cùng  màu sắc của cam, quýt, xoài, nho, phật thủ, trứng gà, quất, ớt... mâm ngũ quả ngày tết trên bàn thờ người Việt  thật đẹp và trang trọng.

 

Ông bà ta xưa có câu: “Nhịn đói quanh năm, no ba ngày tết”, dù có thế nào, ngày tết cũng là ngày no đủ nhất trong năm. Nay cuộc sống đã khá đầy đủ dư dả, chuyện ăn không còn là chính yếu đối với đa phần dân Việt, tết đến là để phong quang nhà cửa, mua sắm bày biện, thăm hỏi chúc tụng và du xuân. Tết cũng là lúc để con dân nước Việt nhớ về cội nguồn, tìm về những giá trị vật chất, tinh thần của dân tộc.

 

Mong mãi rồi cũng đến tết. Ngày xưa thì là "Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ - Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh”. Nhà nào ít nhất cũng phải có hai câu đối đỏ và một tràng pháo. Câu đối đỏ dán ở hai bên cột hoặc hai bên ban thờ, còn tràng pháo thì chờ đến giao thừa mới đốt. Tiếng pháo giao thừa đồng loạt nổ giòn giã nghe thật phấn khích, báo hiệu giờ phút giao thoa của đất trời, tiễn năm cũ đi, đón năm mới đến.

 

Nghe như có tiếng rầm rập quân reo ngựa hí của quan quân nhà trời giữa không trung. Ngày nay  ít nhà dán câu đối đỏ và pháo thì cũng bị nhà nước cấm rồi vì gây nhiều tai nạn nguy hiểm quá. nên giao thừa cũng hơi buồn. Nhà nước tổ chức bắn pháo hoa ở Bờ Hồ, công viên Thống nhất và vài nơi khác. Nam thanh nữ tú rủ nhau đi Bờ Hồ đón giao thừa, chen vai thích cánh đếm ngược  giờ phút cuối cùng của năm cũ và hò reo " Chúc mừng năm mới....!”.

 

Ông bà bố mẹ thì đi lễ chùa, rồi về nhà cúng giao thừa, ngồi quây quần bên bàn uống chén rượu mừng năm mới, mừng tuổi ông bà con cháu. Giờ phút này, nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương của những người con xa xứ dường như nhân lên gấp bội. Và ở nơi quê nhà, sự trống vắng và niềm nhớ thương da diết của những người thân cũng đang trào lên, khắc khoải. Còn hạnh phúc nào hơn một cái tết sum vầy.

 

Tết sau con sẽ về… - Ảnh minh họa: Internet.
Tết sau con sẽ về… - Ảnh minh họa: Internet.



Theo phong tục tết cổ truyền, chiều 30 tết nhà nào cũng làm cơm cúng tất niên. Tối 30 cúng giao thừa, sáng mồng Một cúng năm mới, từ mồng Hai trở ra chọn ngày đẹp cúng hóa vàng. Hóa vàng xong là hết tết. Nhưng tết bây giờ dài lắm, thường được nghỉ 9, 10 ngày. Năm nay học sinh còn được nghỉ đến 14 ngày nên ra tết, các gia đình thường kéo nhau đi du xuân, tảo mộ, lễ chùa. Phải qua rằm tháng Giêng, mọi sinh hoạt làm ăn của người Việt mới trở lại bình thường.

 

Tết đến, trẻ con người lớn diện những bộ cánh đẹp nhất, đi chúc tết. Tục lệ là “Mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thầy”. Ngoài ra là chúc tết bạn bè, hàng xóm láng giềng. Mời nhau cắn hạt bí, hạt dưa, ăn bánh kẹo,cụng ly nhấp chén rượu đầu xuân... Trong không khí mùa xuân ấm áp, tưng bừng, những cái bắt tay thân tình, những lời chúc năm mới hồ hởi làm cho con người thêm gắn bó với nhau trong gia đình, trong cộng đồng dân tộc.

 

Cả năm vất vả ngược xuôi, làm ăn to toan cuộc sống. Những người con xa xứ ở khắp nơi lại trở về bên mái ấm thân yêu. Ấm áp bên nồi bánh chưng thơm nồng, thân thương với những món ăn quê nhà, chìm đắm trong tình yêu thương của gia đình, bạn bè, làng xóm...và nhấm nháp hương vị ngọt ngào của tình quê trong hương xuân của đất trời, nén chặt trong tim để rồi lại ra đi... Ra đi và không nguôi nhớ về, hạnh phúc trong nỗi nhớ. Nhớ và phấn đấu cho những phút giây hạnh phúc ấy, phút giây đoàn tụ bên những người thân yêu tại quê nhà, trong ngày tết cổ truyền của dân tộc.

 

Tết này con có về không?

Ừ, con cố gắng học cho tốt, làm thêm vừa phải thôi, hẹn tết sau, nhất định là tết sau, con nhé !

 

Thúy Vân

SVVN tại Đức – Sividuc