Tết của sinh viên “Tây” trên đất ta

Chuẩn bị đón Tết Nguyên đán, không chỉ người Việt cảm thấy rộn ràng mà cộng đồng người nước ngoài sống và làm việc tại Việt Nam cũng háo hức không kém. Trong đó, một số lượng không nhỏ sinh viên (SV) nước ngoài du học tại Việt Nam cũng đang hòa mình trong không khí này.

Cơ hội tìm hiểu văn hóa

Đa số lưu học sinh về nước trong dịp Tết để quây quần bên gia đình, nhưng cũng không ít SV nước ngoài ở lại Việt Nam để khám phá văn hóa Tết cổ truyền ở đất nước mình đang học. 
 
Đam mê tìm hiểu văn hóa các vùng miền, suốt 4 năm học tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Sythong Khonesavanh (Lào) – SV lớp Chính trị học K30, tranh thủ mọi ngày nghỉ để đi du lịch. Khi được hỏi làm gì trong kỳ nghỉ Tết tại Việt Nam, Sythong vui vẻ: “Tôi đã từng ăn Tết Việt Nam hai lần. Trong lần ăn Tết ở Quỳnh Lưu (Nghệ An), tôi đã cùng thức với bạn bè để gói bánh chưng và đón giao thừa. Cảm giác chờ năm mới sang rất tuyệt. Tôi cũng đã học cách làm bánh chưng – món ăn chỉ Tết mới có ở Việt Nam và đã gói được 3 chiếc”.
 
Với những SV người Lào như Sythong Khonsavanh, trước khi học ĐH ở Việt Nam, đã được học tiếng Việt tại trường Hữu nghị T78. Ai cũng thừa nhận, học tốt một ngôn ngữ mới là một điều không dễ, hơn nữa để sử dụng tốt tiếng Việt trong việc học kiến thức chuyên ngành lại đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn. Thavone Pathum Mavanh - Đoàn trưởng lưu học sinh Lào tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ: “Tết là cơ hội tốt để chúng tôi tìm hiểu văn hóa Việt Nam, nhất là nó sẽ giúp chúng tôi nói tiếng Việt trôi chảy”. Mới đến Việt Nam được 3 tháng, Kyung Seung Hyuk và Lee Jung Sub - SV Hàn Quốc đang theo học lớp Tiếng Việt tại ĐH Văn hóa rất ngạc nhiên khi được hỏi về Tết ở Việt Nam. Kyung Seung Hyuk háo hức: “Năm nay, chúng tôi sẽ xin làm việc cho một công ty ở Hà Nội. Chúng tôi sẽ ở lại Việt Nam dịp Tết. Tôi nghĩ nó sẽ có ích trong việc giúp chúng tôi nói tiếng Việt tốt hơn, giống như việc tại sao các bạn lại gọi nghỉ Tết là ăn Tết”. 
 
Tết của sinh viên “Tây” trên đất ta
Ronald Trường và bạn học cùng lớp Thomas Kubata đến Nhật Tân chọn hoa đào ngày giáp Tết. (Ảnh: Linh Cát)
 
Là SV năm thứ ba ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội, Meli (người Đức) rất thích thú khi nhắc đến Tết Việt: “Tết của người Việt là dịp các con về nhà với ông bà, bố mẹ. Tôi rất thích cảm giác vui vẻ và đông đủ ấy”. Còn Ronald Trường, sinh ra và lớn lên ở Slovakia nhưng đã biết đến Tết Việt Nam qua lời kể của bố. Anh hào hứng: “Bố tôi là người Việt. Ông nói với tôi, Tết ở Việt Nam không giống các nước châu Âu. Mọi người sẽ quây quần, chúc sức khỏe nhau và cùng ăn những món ăn truyền thống. Mẹ tôi cũng rất yêu Việt Nam, yêu cả Tết nữa. Rất tiếc là Tết này họ sẽ ở Slovakia. Bà luôn tổ chức Tết cùng cha tôi và những người bạn Việt Nam ở Slovakia với đầy đủ các món truyền thống như bánh chưng, nem rán…”. Ronald Trường khẳng định, anh đã ăn Tết Việt Nam năm 2010, và năm nay chắn chắn sẽ ở lại Việt Nam ăn Tết.

Tạo điều kiện cho lưu học sinh ở lại ăn Tết

Cô Đỗ Mai Hương - Phó trưởng Phòng Hợp tác quốc tế, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, chuyên trách quản lý lưu học sinh Lào, đồng tình khi cho rằng ăn Tết ở Việt Nam là cơ hội tốt để SV nước ngoài tìm hiểu văn hóa Việt. Theo cô Hương, đa số SV Lào về nước dịp Tết, nhưng cũng có một số bạn muốn ở lại ăn Tết Việt Nam. “Hàng năm, nhà trường đều có khoản kinh phí hỗ trợ SV Lào trong dịp này. Từ ngày 15 đến 20 tháng Chạp hàng năm, chúng tôi đều tổ chức ăn Tết sớm với SV Lào. Thầy trò quây quần bên mâm cỗ Tết với đầy đủ các món truyền thống Việt Nam như bánh chưng, nem rán, giò lụa, măng, miến” - cô Hương chia sẻ. “Quan điểm của chúng tôi là không để SV buồn khi ở lại Việt Nam ăn Tết. Ban Giám đốc Học viện luôn quan tâm đến đời sống lưu học sinh Lào, đặc biệt trong dịp Tết. Hầu hết các bạn chọn cách ăn Tết cùng gia đình, bạn bè người Việt Nam học cùng lớp. Nhưng nếu các bạn ở lại khu nội trú, Ban lãnh đạo Nhà trường tổ chức đến chúc Tết lúc giao thừa. Và trong những ngày Tết, tôi đón các bạn ấy về nhà cùng ăn Tết. Tôi muốn vào thời khắc giao thừa và ngày mồng một thiêng liêng, các bạn ấy thấy ấm cúng như đang ở nhà mình”. 

Theo thống kê của Cục Hợp tác với nước ngoài, Bộ GD&ĐT, hiện có khoảng trên 10.000 lưu học sinh nước ngoài đang theo học tại các trường ĐH ở Việt Nam, trong đó nhiều nhất là SV Lào và Campuchia. Hàng năm, Chính phủ Việt Nam cấp gần 1.000 học bổng cho lưu học sinh đến từ 18 nước.  Cùng với đó là lưu học sinh được học bổng song phương của các trường ĐH Việt Nam, các tổ chức quốc tế, các trường ĐH nước ngoài và lưu học sinh tự túc... SV người nước ngoài luôn được đón những cái Tết Việt đầm ấm nếu muốn ở lại khám phá Tết Việt.
 
Theo Cát Linh
Kinh tế và Đô thị
 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm