Bạn đọc viết:

Tên cuốn sách gần đây nhất em đọc là gì?

(Dân trí) - Sách điện tử hiện nay không hề khan hiếm trên các trang mạng nhưng tiếc thay các em đều ngày ngày lướt smartphone lại không hề ngó ngàng gì đến việc đọc sách để bổ khuyết tri thức, trau dồi kỹ năng.

"Tên cuốn sách gần đây nhất em đọc là gì?" - Đem câu hỏi ấy dò la đám trẻ con cháu trong nhà, tôi hỉ hả mừng vì mấy đứa trẻ biết tìm đến niềm vui đọc sách. Kỳ nghỉ hè đặc biệt giữa bối cảnh nơi nơi giãn cách xã hội đem lại cơ hội làm bạn cùng sách và vun bồi thói quen đọc sách trong con trẻ.

Những quyển sách dày cộm như "Cô gà mái xổng chuồng", "Lá cờ thêu sáu chữ vàng"… mà tôi tặng hồi trước không có thời gian khám phá đành cất giá sách thì giờ các con đã "ngấu nghiến" đọc và khen hay. Nhưng cũng có dăm ba đứa cháu chẳng có khái niệm đọc sách, bởi đơn giản "cháu không thích đọc", "cứ đọc sách là mắt cháu nhắm tịt lại".

Tôi cũng đặt ra câu hỏi ấy với những cô cậu học sinh lớp 7 và 8 trên các trang nhóm online. Điều ngạc nhiên nhất là bọn trẻ im lặng thật lâu trước câu hỏi của cô giáo. Và rồi tôi bắt đầu nhận câu trả lời rất thành thật của học sinh xung quanh nhiệm vụ tự nâng cao văn hóa đọc của bản thân.

Tín hiệu vui là một vài cuốn sách khá "hot" trong thời gian gần đây được các em chia sẻ đã đọc trọn vẹn trong kỳ nghỉ như "Đắc nhân tâm", "Cuộc đời rực rỡ, đừng sống không màu" hay các sách tâm lý học hợp với lứa tuổi như "Ơi cái tuổi trăng tròn" của nhà giáo - nhà văn Vũ Đức Sao Biển.

Dù vậy, nhiều em cũng thú thật là không còn nhớ cuốn sách gần đây đã đọc có tên là gì vì đã lâu không sờ đến sách, ngoại trừ những cuốn sách giáo khoa trong chương trình phổ thông. Có em thì nhắn tin riêng với cô giáo là có đọc sách nhưng chủ yếu là truyện ngôn tình trên mạng. Và nỗi thất vọng của tôi về tình hình đọc sách của bọn trẻ quanh mình càng dâng cao.

Trong nỗ lực không mệt mỏi của những người giàu tâm huyết cải thiện văn hóa đọc, quả thật nhiều gam màu sáng bắt đầu phớt lên bức tranh văn hóa đọc sách của người Việt.

Những đầu sách nổi tiếng trong nước và thế giới liên tục được xuất bản. Mô hình "Đường sách" được đẩy mạnh ở nhiều tỉnh thành. Sách điện tử lại không hề khan hiếm trên các trang mạng nhưng tiếc thay các em đều ngày ngày lướt smartphone lại không hề ngó ngàng gì đến việc đọc sách để bổ khuyết tri thức, trau dồi kỹ năng và làm đẹp cho tâm hồn.

Việc các bạn trẻ hôm nay muốn tìm một cuốn sách yêu thích, đọc vài cuốn sách bổ ích không hề khó khăn như chúng tôi hồi trước, vậy mà các em lại chẳng muốn đọc, không hứng thú đọc khiến tôi càng nghĩ đến lại càng thấy buồn.

Không ít lần tôi mượn cớ "than nghèo kể khổ" với con cháu, học trò về cái khoảng thời gian khó khăn ngày trước khi mà sách khan hiếm và quý giá vô cùng. Hễ được tặng một cuốn sách, chúng tôi mừng như bắt được vàng. Hễ mượn được một cuốn sách hay lại chong đèn đọc thâu đêm để kịp trả cho bạn.

Những quyển sách giấy vàng ố, bìa bong tróc ngày ấy lại có sức thu hút đến lạ kỳ. Giờ đây sách đầy trên giá, thơm nức mùi giấy mới, thể loại đa dạng, giá cả phải chăng lại chẳng được bao nhiêu bạn trẻ mê mẩn. Giờ đây ngày dài rỗi rãi cứ chầm chậm trôi lại chẳng được bọn trẻ tận dụng để thả hồn vào trang sách. Vậy nên, thỉnh thoảng vào lớp bắt gặp cô cậu học trò nào đó chăm chăm đọc sách hay cùng học sinh bàn luận về cuốn sách "hot" nào đó, tôi cảm thấy tâm hồn mình lâng lâng một niềm vui khó tả.

Vun bồi niềm đam mê đọc sách cho con trẻ không chỉ quy trách nhiệm cho mỗi gia đình, nhà trường hay xã hội. Cần có sự đồng lòng chung sức để trui rèn thói quen đọc sách cho bọn trẻ từ tấm bé đến khi trưởng thành.

Và trong bối cảnh dịch giã khiến ngày đến trường của trẻ ở nhiều địa phương bị đẩy lùi như hiện tại, trách nhiệm gieo trồng và uốn nắn thói quen đọc sách cho trẻ xin tha thiết gửi gắm cho gia đình. Niềm vui đọc sách tưới tắm cẩn thận bao nhiêu thì "quả ngọt" trong tâm hồn sẽ được gặt hái nhiều đến không tưởng.

Mong lắm thay, câu hỏi "Tên cuốn sách gần đây nhất em đọc là gì?" của tôi sẽ không rơi vào khoảng lặng hụt hẫng như thế nữa…

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm