Tây Nguyên: 98% trẻ mầm non 5 tuổi đến lớp

(Dân trí) - Tính đến hết năm 2010, tỷ lệ huy động trẻ mầm non 5 tuổi đến lớp của các tỉnh Tây Nguyên đạt 98%, tăng 23% so với năm 2007. Song song với việc trẻ đến lớp nhiều hơn thì số lượng trường mầm non cũng tăng 31% (1.124 trường) so với 5 năm trước.

Đây là những kết quả được báo cáo tại hội nghị tổng kết 5 năm tình hình phát triển giáo dục vùng Tây Nguyên (2006-2010) vừa được tổ chức Bộ GD-ĐT tổ chức.

Cũng theo báo cáo này, không chỉ có mầm non mà ngay cả cấp học phổ thông cũng phát triển mạnh ở Tây Nguyên. Cụ thể, mạng lưới trường tiểu học và THCS phát triển rộng khắp với 1.503 trường tiểu học (tăng 17% so với năm 2005), 1.023 trường THCS (tăng 15%) so với năm 2005. Đặc biệt, bậc học THPT tăng mạnh khi có tới 234 trường (tăng 39%) so với số lượng trường vào năm 2005.

Song hành với việc phát triển trường mầm non và các cấp học phổ thông thì các tỉnh Tây Nguyên cũng chú trọng trong công tác phát triển hệ thống trường nghề, TCCN và CĐ-ĐH nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh toàn vùng. Thành tựu ấn tượng nhất trong những năm gần đấy đó là mang lại hiệu quả tích cực nhất trong công tác xóa mù, kéo giảm tỉ lệ nghỉ bỏ học chính là những chính sách ưu đãi dành cho giáo dục dân tộc.

Bên cạnh đó, các chính sách ưu đãi cho học sinh là con em đồng bào dân tộc không ngừng được đẩy mạnh, hệ thống trường dân tộc nội trú vùng Tây Nguyên cũng được tập trung đầu tư hết sức bài bản, đáp ứng yêu cầu tăng tỉ lệ huy động, nâng cao chất lượng giáo dục học sinh dân tộc thiểu số.

Theo thống kê của các tỉnh Tây Nguyên, tính đến thời điểm hiện tại, toàn vùng có 54 trường phổ thông dân tộc nội trú với 5 trường thuộc tỉnh và 49 trường thuộc cấp huyện, tăng trưởng khá nhiều so với 5 năm trước. Công tác chuẩn bị tiếng Việt và dạy tiếng cho trẻ em là người đồng báo dân tộc được đặc biệt chú ý triển khai tại các tỉnh Gia Lai, Kon tum, Đắk Lắk, Lâm Đồng với những bộ giáo trình bằng tiếng dân tộc như Việt- J rai, Việt- Bahnar, Việt- Ê đê, Việt- Ca dong, Việt- H rê, Việt- kor.

Đến năm 2011 toàn vùng đã có gần 200 trường thực hiện dạy tiếng bản địa cho người dân tộc, chính yếu tố đó đã tác động tích cực đến tỉ lệ học sinh đến trường, tỉ lệ nghỉ bỏ học giảm mạnh khi tỉ lệ từ 1,58 vào năm 2007 của toàn vùng được kéo giảm xuống còn 0,96 vào năm 2010.

Trường lớp gia tăng cộng thêm các chính sách của Nhà nước nên 5 năm qua số lượng giáo viên (GV) của các tỉnh thuộc vùng tăng mạnh. Cụ thể ngành mầm non có tới 14.246 GV (tăng 27,4%). Bậc tiểu học là 34.930 GV (tăng 6,1%), số GV đạt chuẩn là 99,13%. Bậc THCS là 28.172 (tăng 19,5%). Cấp học có số lượng GV tăng nhiều nhất là THPT với 12.716 người (tăng 56%) với số GV đạt và vượt chuẩn là 98,5%.

Được biết, theo lộ trình của Bộ GD-ĐT thì các tỉnh vùng Tây Nguyên sẽ hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi vào năm 2015.
 
Nguyễn Hùng