Tăng tốc với môn giáo dục công dân
Bắt đầu từ năm 2016-2017, môn giáo dục công dân được đưa vào bài thi tổ hợp trong kỳ thi THPT quốc gia khiến các trường vừa mừng vừa lo
Theo phương án thi THPT quốc gia 2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), bài thi khoa học xã hội sẽ gồm tổ hợp các môn lịch sử, địa lý, giáo dục công dân (GDCD). Với phương án thi này, nhiều trường THPT tại TP HCM gấp rút tăng tiết môn GDCD, đồng thời ra sức bồi dưỡng học sinh (HS) theo hướng đề thi minh họa mà Bộ GD-ĐT đã công bố.
Vừa mừng vừa lo
Hiệu trưởng một trường THPT tại quận Gò Vấp cho biết theo phân phối chương trình, môn GDCD ở lớp 12 chỉ có 1 tiết/tuần. Trước đây thì không có vấn đề gì vì môn học này không thi. Nay cơ cấu môn thi đã khác nên ngay khi bộ công bố phương án chính thức, nhà trường đã thống nhất kế hoạch tăng tiết cho môn này theo thời gian linh hoạt, thay vì 1 tiết/tuần thì nay lên 3 tiết/tuần. Ngoài kế hoạch ôn tập môn sử, địa như những năm trước thì chú trọng hơn đến môn GDCD. “Theo khảo sát sơ bộ của nhà trường có khoảng 40% HS khối 12 chọn bài thi tổ hợp khoa học xã hội để xét tốt nghiệp nên phải chú trọng ôn tập cho các em. Nhiều em có học lực trung bình hy vọng dễ lấy điểm ở môn GDCD hơn 2 môn còn lại” - vị này cho biết.
Ông Phạm Quang Ái - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Văn Tăng, quận 9 - cho hay nhà trường đã tăng thêm thời lượng giảng dạy môn GDCD vào chương trình buổi 2 và giao cho tổ GDCD phụ trách, có kế hoạch hướng dẫn ôn tập hiệu quả cho HS.
Nhiều giáo viên khác cho rằng việc đưa môn GDCD trong bài thi tổ hợp khiến các trường vừa mừng vừa lo. Mừng là vì từ đây môn học này sẽ được chú trọng hơn, HS để ý hơn, thầy cô cũng… đỡ tủi hơn. Cô Trương Thị Cẩm Thu, giáo viên môn GDCD Trường THPT Tân Phong (quận 7), cho hay cả giáo viên và HS đều ngỡ ngàng. Môn GDCD lần đầu thi mà lại thi trắc nghiệm nên ban đầu, các giáo viên có băn khoăn. “Nếu là hướng tự luận thì chỉ cần ôn tập theo chủ đề là ổn nhưng thi trắc nghiệm thì kiến thức phải rộng, bao quát” - cô Thu cho biết.
Đề thi nên tăng thêm tính vận dụng
Cô Trương Thị Cẩm Thu cho biết đã có những HS đến hỏi giáo viên môn GDCD học ra sao và tập trung vào hướng nào để hiệu quả khiến giáo viên dạy môn này rất mừng. “Chúng tôi lên kế hoạch nghiên cứu, xây dựng ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm, các giáo viên cùng soạn câu hỏi để học sinh thử sức. Ngoài rèn luyện thêm trong chương trình buổi 2, nhà trường còn cho các em làm bài kiểm tra 15 phút, giữa kỳ. Thông qua các bài kiểm tra đó, sẽ có kế hoạch bồi dưỡng, phụ đạo HS yếu, kém” - cô Thu nói.
Giáo viên này cho biết thêm, nhà trường cho các em học theo chủ đề, chuyên đề như tới thư viện đọc sách rồi viết bài thu hoạch, cho các em tập xử lý những tình huống hay xảy ra trong thực tế có liên quan đến pháp luật.
Trong khi đó, thầy Hoàng Văn Dũng, giáo viên môn GDCD Trung tâm GDTX quận Phú Nhuận, nhận định với đề thi minh họa mà Bộ GD-ĐT công bố, nội dung chương trình nằm hoàn toàn trong lớp 12, HS có học lực trung bình có thể đạt khoảng 5-6 điểm. Đặc trưng của môn GDCD lớp 12 là những kiến thức pháp luật nên HS dễ nhận diện. Tuy nhiên, thầy Dũng băn khoăn HS lớp 12 là 18 tuổi, độ tuổi trưởng thành, việc có những câu hỏi liên quan đến kiến thức pháp luật là cần thiết nhưng bên cạnh đó cần thêm những câu hỏi có tính vận dụng, ứng dụng vào thực tiễn. “Trong đề thi minh họa, những câu hỏi xử lý tình huống chưa có nhiều” - thầy Dũng nói.
Theo cô Trương Thị Cẩm Thu, đề thi minh họa hay nhưng tính vận dụng còn thấp. Đề thi bám sát sách giáo khoa nhưng còn nhiều thuật ngữ chuyên môn, có tính hàn lâm. “Giáo viên mong muốn có thêm những câu hỏi xuất phát từ tình huống thực tế vào đề thi cho học sinh. Có như vậy mới góp phần thay đổi triệt để cách dạy và học môn này, giúp HS học không chỉ để thi mà còn vận dụng được trong thực tiễn cuộc sống” - giáo viên này đề nghị
Đạo đức HS hiện rất xuống cấp, việc đưa GDCD làm môn thi như là một tín hiệu góp phần thay đổi cả phương pháp dạy và học môn này. HS có điều kiện liên hệ thực tế, xử lý tình huống. Giáo viên cũng có thời gian giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho các em.
Theo Đặng Trinh
Người Lao Động