Tăng học phí phải là một tổ hợp nhiều chính sách của quốc gia

Không có quốc gia nào trên thế giới có khả năng cung cấp cho toàn dân một nền giáo dục miễn phí. Nhưng chính sách huy động nguồn lực từ cộng đồng dân cư, trước hết là từ những gia đình có nhu cầu cho con em đi học, thì mỗi nước một khác.

Xã hội hóa giáo dục không hề là một chính sách đơn giản, nó phải là một tổ hợp nhiều chính sách của quốc gia.

 

Công bằng xã hội nằm ở đâu trong đề án tăng học phí?

 

Theo GS.TSKH Hồ Sĩ Thoảng, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Công nghệ Quốc gia: Ngân sách giáo dục của ta hiện nay rất hạn hẹp và nhỏ bé so với nhu cầu học tập của toàn xã hội. Điều đó ai cũng biết.

 

Vì vậy xã hội hóa giáo dục là chủ trương cần thiết và hợp lý. Tuy nhiên, ngay nguồn lực có thể huy động được trong dân cũng rất hạn hẹp, cho nên cần phải có phương án tối ưu trong việc kết hợp các nguồn lực thì hiệu quả tạo được mới lớn nhất trong phạm vi có thể.

 

Nghiên cứu của Bales&Rama gần đây tại VN cho thấy: Cứ một năm học thêm có thể đem lại khoảng 6% thu nhập cho một lao động. Như vậy, khoảng cách thu nhập giữa một người chỉ học xong tiểu học với người tốt nghiệp đại học là 79%.

 

Một nghiên cứu của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho thấy: Hầu hết trẻ em trong nhóm dân số giàu nhất đều đi học THCS, trong khi đó chỉ hơn một nửa số trẻ em trong nhóm nghèo nhất được học.

 

Cũng theo các tổ chức này, hiện nay tại VN, người giàu được hưởng dịch vụ công trong giáo dục nhiều hơn người nghèo! Ở bậc đại học, GS Phạm Phụ căn cứ theo một công trình nghiên cứu đã đưa ra con số bất bình đẳng trong giáo dục đại học đã lên đến con số 20 lần. Theo ông, vấn đề bất bình đẳng trong giáo dục đại học đã tương đối nghiêm trọng.

 

Đưa ra những thông số trên để thấy rằng: Công bằng xã hội trong giáo dục đang thực sự có vấn đề. Vậy, trước khi soạn thảo đề án tăng học phí, Bộ GD-ĐT đã có một công trình nghiên cứu khoa học nào thực sự nghiêm túc về vấn đề công bằng xã hội? Bộ sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào trong đề án?

 

Cụ thể, Bộ GD-ĐT sẽ giải bài toán nào cho thực trạng sau: Số người có trình độ ĐH trở lên (tính trên 100.000 dân) của đồng bằng sông Hồng gấp trên 5 lần của đồng bằng sông Cửu Long, của Hà Nội gấp trên 27 lần của Bình Phước, thậm chí của Quảng Ninh, Thừa Thiên-Huế; Thái Nguyên cũng gấp 5,5 lần của Trà Vinh. Về sự phân bố vùng miền, có tỉnh chưa có đến 10 SV trên một vạn dân, trong khi con số bình quân của cả nước là 120 SV.

 

Tăng học phí để dành phần lớn ngân sách nhà nước chi cho người nghèo. Nhưng, ai là đối tượng được hưởng lợi từ chủ trương xã hội hóa? Ai là đối tượng phải trả tiền cho việc học của mình? Câu trả lời tưởng đơn giản, nhưng thật ra vô cùng khó khăn!

 

TS Dương Thiệu Tống đã lên tiếng cảnh báo: Nếu Bộ GD-ĐT chưa xác định được các nguồn lực xã hội-kinh tế tư nhân là gì, là ai, sự chia sẻ các nghĩa vụ và quyền lợi giữa họ và nhà nước như thế nào, thì không những không đảm bảo cơ hội giáo dục đồng đều cho mọi người mà ngược lại, sẽ làm gia tăng sự cách biệt giữa giàu và nghèo, tăng nạn bóc lột qua việc “thương mại hóa giáo dục” dưới danh nghĩa kinh tế thị trường và xã hội hóa giáo dục.

 

Nguồn nhân lực nào cho mục tiêu phát triển KT-XH?

 

Bất cứ chính sách giáo dục nào cũng phải hướng đến hiệu quả cuối cùng là tạo cho được một nguồn nhân lực đủ sức phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội của đất nước. Ngay trong đề án tăng học phí cũng phải giải quyết rất cụ thể: tăng thế nào cho từng loại hình đào tạo, loại hình trường? Nếu không, đề án sẽ làm biến dạng, méo mó nguồn nhân lực.

 

TS Vũ Quang Việt (Cục Thống kê, Liên hợp quốc) nhấn mạnh: Đối với một số ngành mà học sinh tốt nghiệp có thể kiếm nhiều tiền và dễ dàng thì thu học phí cao. Ngược lại, một số ngành khó kiếm tiền, mà cần thiết cho xã hội, như khảo cổ học, địa chất học, ngôn ngữ học… thì cách duy nhất để duy trì chương trình là tài trợ học phí, kể cả ở đại học tư.

 

PGS.TS Nguyễn Đức Trí, Viện Chiến lược và chương trình giáo dục cũng đặt vấn đề: Hiện nay, sự nghiệp CNH-HĐH đang rất cần nhiều lao động kỹ thuật, trong đó có nhiều ngành kỹ thuật mũi nhọn, chi phí đào tạo cao. Do đó, việc xã hội hóa giáo dục cần có bước đi thích hợp với từng vùng miền và từng lĩnh vực đào tạo.

 

Phải nói rằng, vừa qua, ngành giáo dục cũng có sự đầu tư khác biệt đối với từng lĩnh vực đào tạo theo yêu cầu nhân lực của đất nước. Song, chính sách này tỏ ra thiếu hữu hiệu khi lằn ranh đầu tư giữa các ngành học không chênh lệch đáng kể, đã đẩy các ngành học, trường học phải đầu tư nhiều về kỹ thuật trở nên ngày một lạc hậu. Th.s Trần Đình Lý (ĐH Nông Lâm TPHCM) đã từng so sánh: Ở Đức, ngân sách nhà nước đầu tư cho nhóm trường kỹ thuật, bách khoa, nông lâm gấp 2,29 lần nhóm trường KHXH, luật, kinh tế; nhóm y, dược, kiến trúc gấp 3,14 lần. Trong khi ở VN khoảng cách giữa các nhóm ngành cao nhất và thấp nhất chỉ có 1,21 lần.

 

Có lẽ đến giờ này, không ai là không thấy sự cần thiết của chủ trương xã hội hóa. Song, sự nghi ngờ về năng lực triển khai chủ trương này của Bộ GD-ĐT là có thật. Bởi, các nhà giáo dục trong và ngoài nước đều hiểu rằng khi nói về tài chính cho nền giáo dục đại học, không thể và không có nước nào chỉ đơn thuần dựa trên ngân sách nhà nước và học phí. Nó phải dựa vào rất nhiều nguồn: công trình nghiên cứu, hợp đồng chuyển giao công nghệ, các dự án hợp tác với doanh nghiệp, trao đổi chuyên gia và nhiều hình thức hỗ trợ tài chính khác… Song, ngành GD-ĐT đã không đủ sức để triển khai trên các lĩnh vực khác, mà lại chỉ đơn thuần “bổ” vào người học!?

 

Một dòng ý kiến khác cần ghi lại. Đó là ý kiến của GS Hoàng Tụy: Thật khó hiểu với quan điểm làm giáo dục mà chỉ biết tính giá trị tuyệt đối mức đầu tư, chứ không quan tâm đến cái quan trọng hơn là hiệu suất sử dụng. Mà nói đến hiệu suất, thì phải thấy chúng ta nghèo nhưng tiêu pha cho việc học hết sức hoang phí, trong nhiều việc còn “ngông” hơn cả những nước giàu.

 

Chỉ riêng các cuộc thi cử đủ loại, ở các cấp, đã vung phí hàng chục ngàn tỷ đồng mỗi năm. Rồi sách giáo khoa in đi in lại mỗi năm. Rồi chi tiêu cho việc dạy thêm học thêm, luyện thi. Rồi thí điểm này nọ. Rồi thất thoát, lãng phí trong xây dựng, chạy dự án, chạy đề tài… Tất cả các hoạt động đó không chỉ lãng phí lớn sức người, sức của mà còn là cơ hội phát sinh tham nhũng, gian dối tràn lan. Nếu cứ làm giáo dục kiểu này, đến một lúc nào đó cái giá phải trả vượt khỏi khả năng chịu đựng của người dân và nền kinh tế nước nhà.

 

 Theo Mai Lan

Sài Gòn Giải Phóng