Tăng cường giáo dục nhận thức cho học sinh về bảo vệ động vật hoang dã

(Dân trí) - Nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của học sinh Việt Nam trong việc bảo vệ các động vật hoang dã bị cấm buôn bán trái phép, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc tổ chức các hoạt động giáo dục cho học sinh nhằm giảm nhu cầu sử dụng các loài động vật hoang dã bị buôn bán trái phép tại Việt Nam.

Hoạt động này trên tinh thần của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã, nguy cấp (Convention on International Trade in Endangered Species of Wild Fauna and Flora - CITES), mà Việt Nam đã tham gia năm 1993 và trở thành thành viên thứ 121/178 quốc gia.

Vừa qua, trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội đã diễn ra Chung kết Cuộc thi “Tuyên truyền về việc giảm nhu cầu sử dụng sừng tê giác” dành cho học sinh trường THPT Chuyên Ngoại ngữ.

Cuộc thi lần này được tổ chức với hai nội dung: Vẽ tranh cổ động và triển lãm tranh, và Chung kết cuộc thi. Phần thi Chung kết gồm thi kiến thức, thi hùng biện đối với 5 đội học sinh của nhà trường (gồm đội AMP, IKN, GH, DE, BCQ). Sau phần chào hỏi ngắn gọn, dí dỏm, sôi động của 5 đội thi, các đội thi lần lượt tranh tài trong hai phần thi kiến thức và hùng biện.

Nội dung câu hỏi, ngôn ngữ thi đều sử dụng tiếng Anh. Các thành viên của các đội khiến khán giả reo hò cổ vũ vì sự thông minh, am hiểu, hài hước trong mỗi câu trả lời. Phần thi cũng giúp cho khán giả có nhiều thông tin rất hữu ích về các loài tê giác trên thế giới cũng như Việt Nam.

Kết thúc Cuộc thi, Ban Tổ chức đã trao giải thưởng hấp dẫn cho 5 tập thể (Giải Nhất chung cuộc đã thuộc về đội AMP; giải Nhì thuộc về đội BCQ; giải Ba thuộc về các đội IKN, GH, DE), 5 bộ tranh đẹp nhất và 3 giải phụ cho phần thi kiến thức, hùng biện, bình chọn.


Các đội trong thi phần kiến thức

Các đội trong thi phần kiến thức

Với thành công của Cuộc thi “Tuyên truyền về việc giảm nhu cầu sử dụng sừng tê giác” cho học sinh THPT Chuyên Ngoại ngữ đã tạo ra sân chơi bổ ích cho các em học sinh, nâng cao hiểu biết về sự cần thiết bảo vệ các loài động vật hoang dã, tạo môi trường tốt để học sinh rèn luyện kỹ năng sử dụng tiếng Anh…

Thành công của Cuộc thi là bước đệm để Bộ Giáo dục và Đào tạo và Cơ quan quản lí CITES Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai sâu rộng hoạt động trong khuôn khổ chiến dịch tuyên truyền giảm nhu cầu sử dụng sừng tê giác cho học sinh phổ thông trên địa bàn cả nước, như một chương trình ngoại khóa, tổ chức trong 2 năm 2017, 2018.

Ông Bùi Văn Linh – Phó Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên cho hay, trước đó tại Nam Phi, Hội nghị các nước thành viên Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp lần thứ 17 (Hội nghị CITES COP17) đã được tổ chức từ ngày 24/9 - 5/10/2016 với hơn 3000 đại biểu đến từ 183 quốc gia thành viên. Theo đó, sự kiện ngành Giáo dục phối hợp với ngành Nông nghiệp triển khai giáo dục tuyên truyền cho học sinh nhằm bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp, đã được các nước đánh giá cao trong việc thể hiện quyết tâm của Chính phủ Việt Nam thực hiện các cam kết Công ước CITES.

"Vụ Công tác học sinh, sinh viên tin tưởng thông qua các hoạt động giáo dục tuyên truyền nói trên sẽ có tác động tích cực đến quá trình giáo dục, rèn luyện đạo đức, lối sống – ý thức tích cực ứng xử với thiên nhiên, bảo vệ môi trường sống và góp phần làm cho học sinh Việt Nam có trách nhiệm hơn với các vấn đề toàn cầu mà nhân loại đang quan tâm" - ông Linh nhấn mạnh.

Nhật Hồng