Tận dụng mọi cơ hội để đào tạo nhà báo đa phương tiện

(Dân trí) - Ngày 11/3, Học viện Báo chí và Tuyên truyền phối hợp với Đại học Middlesex - vương quốc Anh tổ chức hội thảo quốc tế “Cơ hội hợp tác đào tạo truyền thông quốc tế”.

Hội thảo được tổ chức với mục đích để các chuyên gia trao đổi sâu về khả năng xây dựng các chương trình liên kết đào tạo về báo chí - truyền thông. Trong đó, Quan hệ công chúng và Báo chí Đa phương tiện là những chuyên ngành nhiều tiềm năng. Việc liên kết đào tạo các chuyên ngành này sẽ tạo cơ hội hiện đại hoá chương trình đồng thời nâng cao chất lượng đào tạo.

Hội thảo có sự tham gia của các nhà lãnh đạo, chuyên gia của Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Đại học Middlesex; các nhà lãnh đạo các cơ quan báo chí và đại diện các trường đại học đang triển khai các chương trình liên kết đào tạo quốc tế.

Tận dụng mọi cơ hội để đào tạo nhà báo đa phương tiện

Đào tạo nhà báo đa phương tiện: Cấp bách và cấp thiết
 
Tính đến tháng 3/2012, cả nước có 786 cơ quan báo in với 1.016 ấn phẩm; 67 đài phát thanh truyền hình trung ương và địa phương; 61 báo báo, tạp chí điện tử, 191 mạng xã hội, hơn 1.000 trang thông tin điện tử tổng hợp. Hơn 17.000 nhà báo được cấp thẻ hành nghề.

Với số lượng lớn cơ quan báo chí và nhà báo như vậy, việc đào tạo nhà báo đa phương tiện đang đặt ra cấp bách và cấp thiết, có ý nghĩa quan trọng cả trước mắt và lâu dài. Không thể có các cơ quan báo chí đa phương tiện phát triển đúng nghĩa nếu thiếu một đội ngũ nhà báo đa phương tiện thực thụ. Từ báo chí truyền thống sang báo chí đa phương tiện là một bước chuyển quan trọng mà đào tạo nhà báo đa phương tiện là khâu then chốt. Thực tế hiện nay, việc đào tạo nhà báo đa phương tiện đang đặt ra nhiều vấn đề cần nghiên cứu, phân tích cho thấu đáo, trên cơ sở đó xác lập các chương trình đào tạo xứng tầm đòi hỏi của thực tiễn cùng như nhu cầu phát triển của các cơ quan báo chí.

Tiến sĩ Đỗ Chí Nghĩa - Học viện Báo chí - Tuyên truyền cho biết: “Đào tạo nhà báo đa phương tiện vẫn là vấn đề mới mẻ không chỉ ở Việt Nam và còn trên thế giới. Cần tận dụng mọi cơ hội hợp tác, nhất là với các cơ sở đào tạo truyền thông tên tuổi để phát huy lợi thế và công nghệ, kinh nghiệm và môi trường truyền thông chuyên nghiệp. Bước đầu có thể tính đến xây dựng chương trình đào tạo liên kết, cấp bằng quốc tế và tăng cường công tác quảng bá thu hút người học. Muốn vậy cần lựa chọn đối tác phù hợp, gắn kết chặt chẽ và xây dựng kế hoạch chi tiết, nhằm tạo thuận lợi cho người học cũng như bảo đảm chất lượng và tính thiết thực của chương trình. Mặt khác cần tính đến chuyện mở rộng liên kết tay ba giữa học viện với cơ sở đào tạo nước ngoài và các cơ quan báo chí lớn có nhu cầu để xây dựng chương trình phù hợp điều kiện và nguồn lực cụ thể”.

PGS.TS báo chí Đinh Thị Thúy Hằng cho hay, báo chí Việt Nam hoàn toàn đặt dưới sự quản lý của nhà nước. Báo chí nằm trong lĩnh vực tư tưởng văn hóa và là một sản phẩm đặc biệt. Theo Luật Báo chí của Việt Nam, ở Việt Nam không có báo chí tư nhân. Chính vì vậy, không phải trường đại học nào cũng được mở ngành đào tạo báo chí. Ở Việt Nam, chưa có trường đại học nào có liên kết với nước ngoài để đào tạo cấp bằng liên quan đến lĩnh vực đào tạo báo chí, truyền thông. Có chăng mới dùng ở việc trao đổi giảng viên, các giáo viên nước ngoài sang giảng dạy các chuyên đề hoặc môn học liên quan đến báo chí, truyền thông.

Phân tích sự khó khăn giữa liên kết đào tạo báo chí giữa các trường Việt Nam với các trường nước ngoài nhất là lĩnh vực báo chí, PGS.TS Thúy Hằng cho rằng, cản trở lớn nhất đó là ngoại ngữ. Việc xây dựng các chương trình liên kết với các trường nước ngoài mở ra những cơ hội cho sinh viên Việt Nam tiếp cận với một nền giáo dục và phương thức giáo dục mới, cũng như nâng cao trình độ tiếng nước ngoài của lớp trẻ Việt Nam.

Tận dụng mọi cơ hội để đào tạo nhà báo đa phương tiện
 
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế
 
PGS.TS Tưởng Duy Kiên - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết: “Sự phát triển nhanh chóng của báo chí đi liền với đòi hỏi chuyên nghiệp hóa hoạt động báo chí và đào tạo báo chí. Các cơ sở đào tạo báo chí có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đào tạo những phóng viên, biên tập viên có nghiệp vụ tinh thông và đạo đức hành nghề trong sáng. Việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế về đào tạo và nghiên cứu khoa học được coi là định hướng và giải pháp chiến lược nhằm nâng cao chất lượng đào tạo báo chí - truyền thông trong thời kỳ toàn cầu hóa. Đây là quá trình trao đổi, chia sẻ thông tin, tri thức và kinh nghiệm nhằm tìm ra các mô hình, phương thức đào tạo hiện đại và phù hợp với thực tế”.

PGS.TS Trương Ngọc Nam - Giám đốc Học viện Báo chí - Tuyên truyền cho biết: “Xác định liên kết đào tạo là nhiệm vụ mang tính chiến lược. Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã hợp tác liên kết đào tạo các ngành báo chí - truyền thông với trường ĐH Middlesex. Chương trình sẽ được thiết kế và hoàn thiện bởi cả hai trường với 3 năm học ở Việt Nam và 1 năm học ở Anh. Đại học Middlesex cử giáo sư giỏi sang giảng dạy tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Đồng thời, trao học bổng cho 1 giảng viên của Học viện Báo chí và Tuyên truyền sang làm việc tại Anh trong 1 năm”.

Phát biểu tại hội thảo, GS Michael Driscoll - Hiệu trưởng trường ĐH Middlesex cho hay: “Trường ĐH Middlesex là trung tâm giáo dục, nghiên cứu và học tập lớn trên thế giới với 130 năm xây dựng và phát triển. Sinh viên của Middlesex đến từ khắp nơi trên thế giới và tạo ra một môi trường học tập đa văn hoá. Tôi hy vọng sự hợp tác giữa 2 trường sẽ mang lại cơ hội học tập, trao đổi, giao lưu giữa sinh viên, giáo viên Việt Nam với sinh viên và giáo viên của ĐH Middlesex”.
 

Chia sẻ tại hội thảo, GS Michael Driscoll - Hiệu trưởng Trường ĐH Middlesex cho biết: “Báo chí có quyền lực rất lớn. Càng đưa thông tin đúng sự thật thì càng làm cho xã hội phát triển, không đi vào vết xe đổ trước”.

Hồng Hạnh